Vụ án bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) bị hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Trong khi các cơ quan có thẩm quyền đang nghiên cứu để tiến hành xét xử phúc thẩm thì không ít đối tượng xấu lại lợi dụng vụ án để đơm đặt, thêm bớt, xuyên tạc, thêu dệt thông tin nhằm mục đích chống phá chính quyền.
“Thêm một bản án xói mòn niềm tin vào công lý tại Việt Nam!”, “Hệ lụy của một thể chế có quá nhiều loại vua”, “Cư dân mạng đòi công lý cho bà Dung: Chỉ dấu của sự tiến bộ về dân chủ?”… là những tiêu đề bài viết đang được Đài Á châu tự do – RFA tích cực đăng tải. Thay vì tiếp cận vụ án liên quan đến bị cáo Lê Thị Dung một cách khách quan thì RFA lại cố tình hướng lái tiêu cực. Vô số thông tin mang tính chất đơm đặt, xuyên tạc đã được đưa ra. Chúng vu cáo rằng “tòa án tại Việt Nam không độc lập, chịu tác động của quyền lực và tiền bạc”. Chúng xuyên tạc rằng “hệ thống pháp luật của Việt Nam tạo ra dân oan, đẩy người dân vào vòng lao lý với những bản án bất công”, “Việt Nam là một cường quốc dân oan”. Thậm chí, chúng còn vẽ ra các “thuyết âm mưu”, cho rằng bị cáo Lê Thị Dung bị trù dập, trả thù do không phục tùng cấp trên… Bằng những thông tin sai trái này, các đối tượng xấu đã bôi lem chế độ, kích động tư tưởng chống đối trong xã hội.
Trong bài viết này, tác giả xin phép không bàn về việc bị cáo Lê Thị Dung có tội hay không có tội bởi Bộ luật Tố tụng hình sự của nước ta đã quy định rõ: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Việc kết luận hành vi của bị cáo Lê Thị Dung có sai phạm hay không, nếu có sai phạm thì tính chất, mức độ như thế nào sẽ do cơ quan xét xử đưa ra. Ở bài viết này, tác giả chỉ mạn phép bàn về những thông tin công kích nền tư pháp của Việt Nam đang được các “nhà dân chủ” rêu rao.
Không phải tới vụ án liên quan đến bị cáo Lê Thị Dung giới “dân chủ” mới đưa ra những luận điệu hằn học về nền tư pháp của Việt Nam. Đây là thủ đoạn thường xuyên được chúng thực hiện để bôi lem chế độ, tạo cớ tấn công chính quyền. Bằng những thông tin sai trái, lệch lạc, chúng cố tình tạo ra một bức tranh đầy tiêu cực, lấm lem về nền tư pháp Việt Nam nhằm kích động sự hoài nghi, mất niềm tin về công lý trong quần chúng nhân dân.
Tại Việt Nam có công lý hay không? Phải khẳng định rõ là có. Chúng ta không phủ nhận vẫn còn tình trạng oan, sai xảy ra. Tuy nhiên, đây chỉ là thiểu số và không đại diện cho nền tư pháp của Việt Nam. Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới vẫn để xảy ra tình trạng oan, sai trong quá trình xét xử. Đơn cử như tại Mỹ, hồi năm 2021, tờ The News & Observer đã đưa tin về việc Bồi thẩm đoàn Mỹ quyết định bồi thường 75 triệu USD cho 2 người da đen bị kết án oan là Henry McCollum và Leon Brown. Hay như ở Anh, năm 2002, thanh niên Barri White đã phải nhận án tù chung thân vì cáo buộc sát hại bạn gái và sau đó đã được minh oan. Bởi vậy, việc một số đối tượng “dân chủ” tấn công, vu khống, cho rằng nền tư pháp Việt Nam chỉ toàn điều tệ hại, không mang lại công lý là những luận điệu hết sức sai trái, lệch lạc, phiến diện, chủ quan và không thể hiện đúng bản chất vấn đề.
Hiện nay, nước ta đang thực hiện chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Theo đó, bản án sơ thẩm của tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Trong vụ án liên quan đến bị cáo Lê Thị Dung, sau khi bản án sơ thẩm được công bố, bị cáo đã kháng cáo và đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Và cũng cần nói thêm, bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Nói vậy để thấy, ngay cả bản án đã được hội đồng xét xử phúc thẩm đưa ra vẫn có thể được xem xét lại. Do đó, những luận điệu quy chụp, công kích hội đồng xét xử sơ thẩm nói riêng và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung là hoàn toàn vô căn cứ.
Trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nêu trên, không chỉ các cơ quan báo chí mà lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng như ngành giáo dục hết sức quan tâm. Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo sớm đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, bảo đảm tính độc lập của tòa án để đưa ra phán quyết đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã có trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai, bảo đảm tính nhân văn của pháp luật. Rõ ràng, bị cáo Lê Thị Dung không hề bị “bỏ rơi”, “trả thù” hay “trù dập” như giọng điệu những “con buôn dân chủ” rêu rao.
Điều 23, Bộ luật Hình sự quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Việc theo dõi, giám sát, phản biện đối với hoạt động của tòa án là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, không biết vô tình hay cố ý, nhưng giới “dân chủ” lại đang cố tình định hướng dư luận, áp đặt pháp luật, tìm cách can thiệp, gây sức ép cho cơ quan xét xử. Hành vi của những kẻ này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc xét xử độc lập của tòa án mà còn kích động, gây chia rẽ giữa nhân dân với cơ quan tố tụng và chính quyền. Đây là điều không thể chấp nhận.
Anh Tú
Nhận xét
Đăng nhận xét