Phủ định những luận điệu sai trái của thế lực thù địch về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

 

Nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch đã không ngừng đưa ra những quan điểm sai trái về các học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác -Lênin; phủ nhận tính đúng đắn, hợp lý của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thổi phồng khuyết điểm, hạn chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cần sử dụng những giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là vũ khí sắc bén, để phản bác quan điểm sai trái, đập tan mọi thủ đoạn, âm mưu của các thể lực thù địch.

NHẬN DIỆN MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA TẠI VIỆT NAM

Thứ nhất, thế lực thù địch đưa luận điệu sai trái về những quy luật cốt lõi trong hệ thống học thuyết của kinh tế chính trị Mác – Lênin nhằm khẳng định vị trí của chủ nghĩa tư bản và đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản

Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của nền sản xuất hàng hóa mà đỉnh cao là nền kinh tế thị trường. Những kẻ chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin muốn phủ định quy luật giá trị khi đưa ra những hiện tượng, sự vật cá biệt để chứng minh quy luật này sai, không còn ý nghĩa và giá trị khoa học trong thời đại ngày nay. Những kẻ tự cho mình hiểu học thuyết Mác – Lênin đã sử dụng những ví dụ cũ rích và đã sai ngay từ phương pháp tiếp cận khi lấy một sự vật, hiện tượng cá biệt nằm ngoài quy luật kinh tế trong hệ thống học thuyết Mác để phủ nhận giá trị khoa học trong những nghiên cứu của ông. Họ dựa vào những hình thái của hàng hóa trong xã hội hiện đại, đánh đồng giữa trí tuệ nhân tạo với máy móc để khẳng định máy móc cũng tạo ra giá trị thặng dư – từ đó cổ vũ cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, chỉ trích chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, lạc hậu, xóa nhòa đi ý nghĩa to lớn của quy luật sản xuất giá trị thặng dư mà Mác đã dày công nghiên cứu, phát hiện. Những thế lực thù địch còn đề cập đến những nội dung xoay quanh vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất, dùng những thứ dân chủ giả hiệu để phê phán sở hữu của chủ nghĩa xã hội. Chúng cho rằng, chủ nghĩa xã hội sẽ cướp đi quyền sở hữu của con người, cổ súy cho việc dùng quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất để nô dịch lao động của người khác; khẳng định sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản sẽ xóa bỏ bóc lột thông qua việc đề cập đến những chính sách ưu đãi công nhân, người lao động của các tập đoàn tư bản lớn.

Cố tình hạ thấp, thậm chí phủ nhận giá trị khoa học của quy luật giá trị, quy luật sản xuất giá trị thặng dư, thế lực thù địch muốn khẳng định sự tồn tại vĩnh cửu của chủ nghĩa tư bản, đánh đồng kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản. Chúng coi kinh tế thị trường là riêng có của chủ nghĩa tư bản, và cả chủ nghĩa tư bản cũng như kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản là xu hướng tất yếu và duy nhất của nhân loại. Chúng cho rằng sẽ không cần và không có một mô hình kinh tế thị trường nào khác kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Từ đó, chúng đưa ra quan điểm phủ nhận chủ nghĩa xã hội, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ hai, dùng những quan điểm phi khoa học để khẳng định sự mâu thuẫn giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, cho rằng bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chỉ ra sự tên gọi riêng có của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những kẻ chống phá cách mạng Việt Nam đã vội vàng phủ định mô hình kinh tế thị trường này. Chúng dùng những quan điểm phi khoa học khẳng định sự mâu thuẫn của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng “lớn miệng” cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam không dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà là mô hình được xây dựng theo ý chí chủ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng cho rằng đây là một mô hình non trẻ, không có học thuyết kinh tế trên thế giới nào nghiên cứu và công nhận.

Với những luận điệu xuyên tạc, phi khoa học trên, những thế lực thù địch âm mưu phá hoại tôn chỉ hoạt động của Đảng ta là lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cốt, chúng muốn làm lung lay lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân về sự kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ ba, xoáy sâu, thổi phồng những hạn chế, bất cập của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của Đảng, từ đó đưa ra yêu sách thay thế vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ những mặt trái của quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thế lực thù địch đã xuyên tạc về năng lực lãnh đạo nền kinh tế đất nước của Đảng. Chúng thổi phồng khuyết điểm của Đảng, từ những cá nhân cán bộ, đảng viên sai phạm trong các vụ án kinh tế lớn, chúng quy chụp thành bản chất của đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Những kẻ chống phá cách mạng Việt Nam đã dùng mọi thủ đoạn để hạ thấp uy tín của Đảng, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân với Đảng. Mục đích của chúng là muốn phá hoại khối đoàn kết dân tộc, muốn thay thế vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

NHỮNG GIÁ TRỊ KHOA HỌC CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH PHỦ ĐỊNH NHỮNG QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, ÂM MƯU CỦA CÁC THẾ LỰC ĐỊCH

Một là, chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ bị thay thế bởi chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế thị trường hiện đại, là phương thức để Việt Nam xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho xã hội xã hội chủ nghĩa.

Những người cộng sản chân chính, những học sinh, sinh viên, trí thức hay những người đã từng đọc, từng nghiên cứu một cách nghiêm túc học thuyết kinh tế của Mác đều sẽ nắm được phương pháp nghiên cứu trừu tượng hóa khoa học – là gạt bỏ những cái không phổ biến, không làm ảnh hưởng đến quy luật chung khỏi quá trình kinh tế được nghiên cứu. Nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, máy móc hiện đại có thể thay thế người lao động trong nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không thể xóa bỏ được nền tảng cũng như khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản – bóc lột lao động làm thuê. Những người cho rằng học thuyết của Mác về nguồn gốc giá trị thặng dư là lỗi thời thì họ đã mâu thuẫn ngay trong chính luận điểm của mình khi tách trí tuệ nhân tạo, khoa học công nghệ ra khỏi giá trị sử dụng hàng hóa sức lao động.

Những kẻ không thực sự hiểu quy luật sản xuất giá trị thặng dư, luôn tung hô cho những thứ dân chủ giả hiệu, gieo rắc những ý hiểu sai trái khi cho rằng chủ nghĩa xã hội sẽ xóa bỏ quyền sở hữu của con người. Nhưng họ đã cố tình hiểu sai, hoặc chưa nghiên cứu đủ kỹ để biết rằng, từ năm 1848, trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Mác đã viết “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(1).

Dùng quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất để chiếm đoạt giá trị thặng dư, bóc lột sức lao động của người lao động là bản chất của chủ nghĩa tư bản. Dù chủ nghĩa tư bản phát triển, tiến bộ và có liên tục điều chỉnh thì cũng sẽ không khi nào thay đổi được quan hệ người bóc lột người trong mỗi hoạt động của nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Mác đã phát hiện ra bản chất cốt lõi này của chủ nghĩa tư bản, và dự đoán về sự diệt vong, bị thay thế của xã hội tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, với sự phát triển của các công ty cổ phần, những thương vụ IPO diễn ra trên phạm vi toàn cầu, những người chống lại chủ nghĩa Mác đề cao quan điểm công nhân là chủ của chính mình (khi được sở hữu cổ phiếu của công ty), và từ đó đưa ra kết luận phi logic, thiếu thuyết phục: trong chủ nghĩa tư bản không còn tình trạng người bóc lột người. Ngay cả khi người công nhân có thể sở hữu cổ phiếu của công ty, bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi, bởi đa số cổ phiếu nằm trong tay chủ tư bản (chế độ ủy nhiệm thể hiện rõ điều này). Do đó, quyền quyết định hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là quyền phân phối giá trị thặng dư vẫn không thuộc về người lao động.

Những bất công, bất bình đẳng do chủ nghĩa tư bản mang lại sẽ khiến xã hội này trở nên lạc hậu và bị thay thế bởi xã hội chủ nghĩa xã hội, đó là điều mà Mác dự đoán dựa trên cơ sở khoa học và từ thực tiễn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Dựa vào những thành tựu, khả năng tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản, các thế lực thù địch thổi bùng lên sự hoài nghi, thậm chí phủ định khả năng thay thế chủ nghĩa tư bản của chủ nghĩa xã hội. Những nước tư bản đứng đầu nền kinh tế thế giới, thiết lập ra những luật chơi cho nhiều nền kinh tế nhỏ hơn đã đưa đến những nhận định chủ quan, phi khoa học về sự tồn tại vĩnh cửu của chủ nghĩa tư bản. Sự phân hóa giàu – nghèo, sự bất bình đẳng là những mâu thuẫn không thể dung hòa, nó sôi sục mạnh mẽ chính trong lòng của xã hội tư bản chủ nghĩa trước đây, hiện tại và tương lai. Những cuộc đình công của công nhân vẫn không ngừng nổ ra trên toàn cầu, mà nguyên nhân chính phần lớn là do giá trị sức lao động của họ đã không được trả một cách xứng đáng. Bằng mọi cách chiếm đoạt thành quả lao động của giai cấp công nhân, lợi ích chủ yếu thuộc về người sở hữu tư liệu sản xuất đã thấm đẫm vào bản chất của chủ nghĩa tư bản, và như Mác nói, đó là quy luật kinh tế cơ bản, quy luật tuyệt đối trong phương thức sản xuất của xã hội này. Do đó, nếu chỉ nhìn những biểu hiện bên ngoài, khi công nhân được tăng lương, khi có những người lao động được đãi ngộ, đào tạo mà phủ nhận bản chất bóc lột của của nghĩa tư bản thì cần phải đọc lại, thậm chí đọc lại nhiều lần học thuyết của Mác để hiểu bản chất của chủ nghĩa tư bản. Như vậy, những giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chứng minh bản chất và sự phải bị thay thế của chủ nghĩa tư bản. 

Mặt khác, kinh tế thị trường không phải sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là sản phẩm của văn minh nhân loại được phát triển đỉnh cao trong xã hội tư bản chủ nghĩa. “Không “xuyên qua” kinh tế thị trường thì loài người không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn tự cấp tự túc; không thể vượt qua những giới hạn lịch sử chật hẹp của xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến; cũng không thể kiến tạo được xã hội tư bản và cũng không thể tạo lập được những điều kiện, tiền đề để xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn trong tương lại – xã hội xã hội chủ nghĩa”(2). Hãy nhìn lại các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới: dù trong cùng một mô hình kinh tế thị trường tự do mới, nhưng kinh tế thị trường ở Anh và Mỹ cũng luôn tồn tại những điểm khác biệt; kinh tế thị trường xã hội ở các nước (điển hình là các nước Bắc Âu) cũng không giống nhau y hệt; hay kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc đã giúp đất nước này vươn lên vị trí thứ hai trong nền kinh tế thế giới…. Sự khác biệt giữa các mô hình kinh tế thị trường nêu trên do yếu tố thể chế, hay do “mức độ, liều lượng” nhà nước can thiệp vào thị trường tạo nên. Và trong thế giới đương đại, dù là mô hình kinh tế thị trường nào cũng cần phải có sự quản lý của nhà nước nhằm khắc phục những khuyết tật cố hữu của kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, việc khắc phục những khuyết tật của kinh tế thị trường sẽ mang lại lợi ích cho ai, cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động hay bảo vệ cho những nhà tư bản lại phụ thuộc vào chế độ chính trị mà mỗi quốc gia lựa chọn. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một hình thái kinh tế thị trường với đầy đủ tính chất, đặc điểm chung như những nền kinh tế thị trường khác trên thế giới. Với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hướng tới đảm bảo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quá trình Việt Nam kiên định với mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đồng thời đảm bảo nền kinh tế được tuân theo những quy luật khách quan. Đây là phương thức để Việt Nam tích lũy cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị những điều kiện tiền đề để bước lên một xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.

Hai là, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi thất bại trong việc phủ nhận giá trị cốt lõi trong các học thuyết kinh tế chính trị của chủ nghĩa Mác – Lê nin, qua đó, phủ nhận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch lại chuyển hướng chỉ trích kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình không xuất phát từ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình được sáng tạo từ những giá trị cốt lõi, nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Theo Mác, “giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia”(3). Đây là một thời kỳ lâu dài, khó khăn, phức tạp. Lênin phân tích rõ hơn tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, “… vì cải tổ sản xuất là việc khó khăn, vì cần phải có thời gian mới thực hiện được những thay đổi căn bản trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, và vì phải trải qua một cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài mới có thể thắng được sức mạnh to lớn của thói quen quản lý theo kiểu tiểu tư sản và tư sản”(4). Lênin cũng đưa ra chính sách kinh tế mới (NEP) nhằm khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, phát triển quan hệ hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Giải quyết mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất là nội dung cốt lõi của kinh tế chính trị Mác – Lênin  mà bất cứ thời đại nào cũng cần chú trọng. Việt Nam đang trải qua thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thừa nhận những bất cập do quá trình cải biến cách mạng xã hội tạo thành, để từ đó không ngừng điều chỉnh, xây dựng quan hệ sản xuất mới, tiến bộ hơn, tích lũy cơ sở vật chất cho xã hội xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, các thành phần kinh tế không ngừng phát triển, mang lại những đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Song, Đảng cũng thẳng thắn thừa nhận còn tồn tại tình trạng bóc lột trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây là một hiện tượng kinh tế khách quan của nền kinh tế thị trường, nhưng với sự lãnh đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng ta không để tình trạng này trở thành bản chất của nền sản xuất cũng như bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua địa vị thống trị của giai cấp tư sản chứ không phải phủ nhận hoàn toàn những yếu tố tích cực, tiến bộ của chủ nghĩa tư bản. Như Lênin đã từng khẳng định: những người cộng sản phải học tập các chuyên gia tư sản cách làm kinh tế, phải “hấp thu được toàn bộ nền văn hóa của thành thị, của công nghiệp, của chủ nghĩa tư bản” và “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt đẹp của nước ngoài: Chính quyền Xô-viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơrớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc.etc.++=Σ = chủ nghĩa xã hội”(5). Vận dụng tư duy khoa học đó, Việt Nam tiếp nhận khoa học công nghệ, phương thức quản lý, … của chủ nghĩa tư bản, đồng thời dùng luật pháp, dùng các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội để xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, bảo vệ tối đa quyền, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Những đóng góp tích cực của các thành phần kinh tế cũng như những thành tích vượt trội của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là những câu trả lời rõ ràng cho những luận điểm xuyên tạc sự vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng.

Bên cạnh đó, giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa không hề tồn tại tính mâu thuẫn đối kháng, ngược lại còn bổ trợ, thống nhất với nhau. Mục tiêu lớn nhất của kinh tế thị trường là lợi nhuận, lợi ích kinh tế, còn mục tiêu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là xây dựng tiền đề vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội có thể tồn tại những mâu thuẫn trong ngắn hạn, nhưng không phải là những mâu thuẫn loại trừ nhau. Với Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là biến mục tiêu lợi nhuận (trong kinh tế thị trường) thành phương tiện, công cụ để đạt được mục tiêu xã hội (đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa). Do đó kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là một mô hình kinh tế phát huy được hết sức mạnh của các nguồn lực, đảm bảo lợi ích kinh tế được đặt trong mối quan hệ sâu sắc với tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là một phép cộng đơn thuần mà là mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế thị trường và tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế mà bỏ quên hoặc xem nhẹ các mục tiêu xã hội thì bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo và hàng loạt những vấn đề kinh tế xã hội khác sẽ nảy sinh, chúng ta có thể sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn trong xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội như nhiều nước tư bản lớn hiện nay đang phải đối mặt.

Thứ ba, trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã thẳng thắn đối diện với các tồn tại, hạn chế, quyết tâm thực hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam thịnh vượng.

Trước những thất bại khi không đủ luận cứ khoa học phản bác tính cấp thiết, tính ưu việt của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, những kẻ chống phá cách mạng Việt Nam lại quay sang tấn công vào những khuyết điểm, hạn chế của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hòng làm mất uy tín, danh dự của Đảng. Chúng nhân danh những người yêu nước, nhân danh sự dân chủ, tự do để kích động quần chúng nhân dân, lôi kéo một bộ phận nhỏ đảng viên, trí thức chống lại Đảng, Nhà nước.

Thực tế, quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là quá trình đan xen giữa sự thay thế của cái mới và cái cũ, của tính hiện đại với tính lạc hậu, của một nền sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và một nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Mặc dù còn những hạn chế xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam hôm nay là những minh chứng không thể phủ nhận về sự đúng đắn, sáng tạo trong lãnh đạo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước những nốt trầm của nền kinh tế, những kẻ hô hào dân chủ giả hiệu còn quy chụp Đảng, Nhà nước triệt tiêu dân chủ. Có chế độ độc tài nào lại hướng tới xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân? Có chế độ độc tài nào lại liên tục cải cách thể chế kinh tế – xã hội theo hướng bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân? Hàng trăm Bộ luật, Luật được điều chỉnh theo hướng tích cực, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và các thông ước, quy định quốc tế. Có chế độ độc tài nào lại lãnh đạo nền kinh tế tham gia hàng chục các FTA lớn, nhỏ, thậm chí là những hợp đồng thương mại thế hệ mới, hiện đại nhất toàn cầu? Nếu Đảng và Nhà nước ta không tôn trọng và phát huy dân chủ, đặc biệt dân chủ trong kinh tế thị trường thì Việt Nam đã không thể duy trì một nền hòa bình với nhiều thành tựu vượt trội trong kinh tế và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như ngày nay. Những thành tựu đó không do một quốc gia nào ban phát, chúng ta đạt được bằng sự tự lực, tự cường, từ chính sức mạnh nội sinh của quốc gia mình. Sức mạnh nội sinh đó không chỉ là tinh thần yêu nước, giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, mà còn là hệ tư tưởng chân chính và những hành động đúng đắn, quyết tâm xây dựng một Đảng, Nhà nước mà ở đó lợi ích của quốc gia, dân tộc được đặt lên cao nhất; một Đảng không chỉ của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động mà còn thực sự giải phóng người lao động.

Không những tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, thế lực thù địch còn tập trung tấn công vào hạt nhân của Đảng – cán bộ, đảng viên. Chúng dẫn chứng những vụ án kinh tế lớn để bình luận, phân tích những cán bộ, đảng viên sai phạm, suy thoái đạo đức đã bị xử lý kỷ luật và quy chụp họ là đại diện cho đa số đảng viên. Những luận điểm thiếu tính thuyết phục này chỉ làm dao động một bộ phận nhỏ những người không nắm vững lý luận cách mạng của Đảng, sa sút về phẩm chất chính trị, không tôn trọng và biết ơn lịch sử. Còn lại, đại đa số nhân dân, cán bộ, đảng viên đều đồng lòng, ủng hộ sự quyết tâm của Đảng trong rèn luyện, xử lý cán bộ, xây dựng đảng trong sạch vững mạnh. Dám thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết xử lý, khắc phục hạn chế của mình, Đảng ngày càng củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân, cán bộ đảng viên. Do đó, lấy sai phạm của một vài cá nhân để bôi nhọ danh dự của một Đảng, một đất nước là một hành động sai cả về lý luận và thực tiễn. Những kẻ cố tình không thừa nhận lý luận khoa học và xuyên tạc sự thật thì không thể đáng tin và càng không thể mang lại những điều tốt đẹp cho một dân tộc.

Sau hơn 35 năm đổi mới, tên gọi Việt Nam đã ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong bản đồ kinh tế khu vực và thế giới. Với vị trí là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, xây dựng quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ; … dân tộc Việt Nam có niềm tin, có khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Và niềm tin ấy luôn gắn liền cùng sự kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền với niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

ThS. Phạm Thị Bảo Thoa

Nhận xét