Ông Nguyễn Ngọc Chu xảo biện để bôi đen chế độ

 

Hoàng Xuân Lâm

Cộng đồng mạng và những người có trách nhiệm với an ninh – chính trị đất nước đều không thể không biết đến ông tiến sĩ “trở cờ” Nguyễn Ngọc Chu. Được biết, ông này được Đảng, Nhà nước cho đi học tập ở nước ngoài từ những năm đầu 70 của thế kỉ trước. Sau khi về nước, ông ta về Viện Toán học, rồi tham gia thành lập một trường đại học tư thục. Trong một số năm gần đây, không biết do “diễn biến”, “tự diễn biến” thế nào mà ông liên tục đăng đàn tập tành đi theo “con đường làm chính trị bằng phản biện xã hội”, tỏ ra “liên tài” ông tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị xã hội nhưng chỉ với một mục đích: phê phán, công kích thể chế và chế độ; phủ nhận vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ những bài viết của ông và hành vi của ông làm cho người ta không thể chịu được nên cũng đã chửi ông thậm tệ, tuy có ngoa ngoắt đôi chút nhưng về bản chất thì không sai.

Gần đây, trong bài viết “Tư tưởng “thua dân” và vụ án cô giáo Lê Thị Dung” đăng trên mạng xã hội, ông Nguyễn Ngọc Chu đưa ra một khái niệm kì quái: “tư tưởng thua dân”, lập luận mà ông Nguyễn Ngọc Chu đưa ra là: “Không thể thắng được nhân dân, nên kẻ sáng trí lấy tư tưởng “thua dân” làm gốc. Tư tưởng “thua dân” là thước đo mức độ vì dân” để rồi quy chụp chế độ ta: “Chính quyền độc tài luôn “muốn thắng dân”, “cố thắng dân”, “không chịu thua dân” và “sợ thua dân”. Mức độ độc tài phụ thuộc vào mức độ “muốn thắng dân”, “cố thắng dân”, “không chịu thua dân” và “sợ thua dân””. Lại một trò xảo biện, đánh tráo khái niệm để lèo lái dư luận, đánh lừa cư dân mạng của Nguyễn Ngọc Chu.

Nhân đây, cần phải nói ngay, cái gọi là “tư tưởng thua dân” mà ông Nguyễn Ngọc Chu cố nặn ra thực ra là một thứ chủ nghĩa dân túy. Có thể hiểu rằng, chủ nghĩa dân túy là biểu hiện của những kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng lòng tin ngây thơ của quần chúng để thực hiện những dụng ý, động cơ cá nhân. Thời gian qua, có một số người trong xã hội (thường có địa vị, có học hàm, học vị, vốn sống) mà hôm nay là ông Nguyễn Ngọc Chu, đã triệt để tận dụng các trang mạng xã hội, các tờ báo điện tử đăng đàn, diễn ngôn, phát ngôn nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Những người này có đặc điểm chung là hoạt ngôn, có tài hùng biện và khả năng viết lách, “lập ngôn” khá tốt, dễ bắt mắt người đọc, người nghe. Tuy nhiên, những thông tin họ đưa ra thường viện dẫn triết lý này nọ, có điều đúng đắn, hợp lý, song cũng không ít điều “mờ mờ ảo ảo”, dễ làm “mụ mị” đầu óc những người nhẹ dạ cả tin. Núp dưới bóng ủng hộ và đấu tranh cho những người dân thường với tầng lớp đặc quyền nên những vấn đề dân túy đưa ra rất dễ lôi kéo và làm cho người tiếp nhận nó mù mờ về một lý tưởng không tưởng trong đời sống xã hội loài người. Nhằm lợi dụng “số đông” trong xã hội, bản chất của cái gọi là chủ nghĩa dân túy không gì khác là những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng của đám đông. Nói trắng ra là thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng thực hiện những ý tưởng và hoạt động chính trị chống lại hệ thống chính trị hiện hành. Cốt lõi bản chất của cái gọi là chủ nghĩa dân túy thực chất là những thủ đoạn chính trị mang tính chất cơ hội, mị dân, đánh vào tâm lý, lợi ích cá nhân hay một đám đông để kêu gọi, lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng. Chủ nghĩa dân túy không có sự nhất quán giữa nói và làm, giữa lý thuyết và hành động. Nguyễn Ngọc Chu trong bài viết này đã tỏ ra cực kì nguy hiểm khi đưa ra cái gọi là “tư tưởng thua dân” gắn với chủ nghĩa dân túy nhằm đối kháng nhân dân với Đảng, Nhà nước; kích động nhân dân “bất tuân dân sự”.

Trở lại vụ cô Lê Thị Dung bị Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên phiên sơ thẩm kết án 5 năm tù về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hiện đang có những ý kiến trái chiều về mức độ nặng, nhẹ với mức án được tuyên. Rồi đây, phiên phúc thẩm sẽ làm rõ về vụ việc này theo tinh thần thượng tôn pháp luật, xét xử đúng người, đúng tội. Thiết nghĩ, ông Nguyễn Ngọc Chu không cần gào ầm lên: “Toà phúc thẩm hãy dũng cảm “không sợ thua dân” mà thừa nhận việc giam giữ cô giáo Lê Thị Dung hơn 13 tháng mới đưa ra xét xử là vi phạm Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015”. Cần nhớ, liên quan đến phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với bị cáo Lê Thị Dung, các kênh báo chí truyền thông chính thống đã đưa tin rằng, các cấp ủy chính quyền tỉnh Nghệ An  đã chỉ đạo làm rõ, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, tuân thủ đúng các quy trình, quy định của pháp luật; đúng người, đúng tội, đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý.

Cuối cùng, có đôi điều muốn nói với ông Nguyễn Ngọc Chu. Ở những năm đầu 70 của thế kỉ trước, giữa lúc đất nước đang chìm trong bom đạn của kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai, bạn bè ông “kẻ sớm khuya chài lưới bên sông, tôi cầm súng xa nhà đi chiến đấu” thì ông được Đảng, Nhà nước cho đến “thiên đường của chủ nghĩa xã hội” để ăn học, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại. Lẽ ra, là một người tử tế ông phải ghi lòng tạc dạ biết ơn để từ đó chung tay xây dựng đất nước này, nhưng thật tiếc với những ảo tưởng và tham vọng mà không ai hiểu được, ông đã trở thành một kẻ chống phá không khác là mấy với đám chống Cộng cực đoan nơi hải ngoại. Không biết ông có đọc những bài viết người ta viết về ông? Nếu có, ông cũng nên suy nghĩ, đừng là một kẻ lạc loài giữa quê hương đất nước mình. Còn nếu không, ông đã trở thành một kẻ “có tai như điếc, có mắt như mù” cố tình đi ngược lại với lợi ích quốc gia – dân tộc, đừng bao giờ nghĩ rằng người dân hôm nay tin vào những lời lảm nhảm, vô quân vô pháp của ông. Hãy làm người tử tế ông Nguyễn Ngọc Chu nhé!

Nhận xét