Muốn không để cho ai lợi dụng khuyết điểm thì phải làm gì?

 

Muốn không để cho ai lợi dụng khuyết điểm thì phải làm gì?

Minh Công

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần thẳng thắn chỉ rõ trong quá trình xây dựng, trưởng thành, phát triển, bên cạnh những ưu điểm là cơ bản, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không tránh khỏi có những khuyết điểm. Người cũng luôn xác định trách nhiệm của mỗi đảng viên chân chính của Đảng là không để cho ai lợi dụng khuyết điểm đó để phá hoại Đảng.

Tháng 10 – 1947, trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh viết: “Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi một đảng viên chân chính”.

Trong khi đó, các thế lực thù địch, chống đối lại thường xuyên lợi dụng một số khuyết điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và một bộ phận đảng viên của Đảng xuyên tạc, thổi phồng, bịa đặt, vu cáo: rằng Đảng Cộng sản của Hồ Chí Minh là độc đoán, chuyên quyền, đầy rẫy khuyết điểm, sai lầm nhưng chẳng bao giờ thừa nhận hay sửa chữa. Còn đảng viên của Đảng thì chỉ lo quyền lợi cá nhân, “Mũ ni che tai”, chẳng ngó ngàng gì đến số phận của Đảng, tình trạng “Nhạt Đảng” đang dẫn đến nguy cơ “thất bại toàn tập của Đảng”…

Để phản bác những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên, trước hết, chúng ta cần thấy rõ rằng: Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải mạnh dạn chỉ rõ những khuyết điểm của Đảng và kiên quyết sửa chữa tiến bộ để xứng đáng là một Đảng chân chính cách mạng. Người nói: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa”. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”.

Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mỗi đảng viên phải thực hiện tốt trách nhiệm, phận sự của mình, là khi Đảng có khuyết điểm thì người đảng viên chân chính phải không để cho ai lợi dụng những khuyết điểm ấy. Và Hồ Chí Minh luôn vững tin, khẳng định rằng: “Chúng ta không sợ khuyết điểm, vì chúng ta có đủ nghị lực và quyết tâm để sửa chữa khuyết điểm”.

Vấn đề quan trọng đặt ra là người đảng viên chân chính phải làm gì để bảo vệ Đảng khi Đảng có khuyết điểm và không để cho ai lợi dụng những khuyết điểm của Đảng nhằm chống phá Đảng . Trước hết, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi đảng viên chân chính phải thật sự là đảng viên tốt, trong sạch, gương mẫu, không mắc khuyết điểm; nếu có khuyết điểm thì phải kịp thời, kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Người nhắc  nhở: Khi đã phạm khuyết điểm thì đảng viên phải thấy rõ để sửa chữa và tốt nhất là tránh không để có vi phạm. Người nói rõ: “Nếu không muốn để bị kẻ địch phản tuyên truyền, thì cách tốt nhất và không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”.

Cùng với việc phải thẳng thắn chỉ ra, không giấu giếm khuyết điểm, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, Hồ Chí Minh rất kiên quyết với những biểu hiện sợ công khai phê bình, hoặc phê bình hình thức, xử lý qua loa đại khái vì sợ nếu để lộ khuyết điểm sẽ bị kẻ địch, kẻ xấu lợi dụng phản tuyên truyền, gây bất lợi cho Đảng. Trên báo Sự thật tháng 4 – 1949, Hồ Chí Minh đăng bài “Thuốc đắng dã tật nói thật mất lòng”, chỉ rõ: “Có những cán bộ tưởng rằng: nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì: Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền. Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy. Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi”. Trước thái độ đó, Hồ Chí Minh thẳng thắn phê phán: thế là giống như người ốm mà sợ thuốc, là lầm tưởng, là không hiểu ý nghĩa và lực lượng của phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho Đảng và đảng viên của Đảng “thoái bộ, chứ không tiến bộ được”. Hồ Chí Minh xác định rõ đối với những đảng viên không thực hiện được nghĩa vụ trách nhiệm của mình với Đảng, không dám đấu tranh, khắc phục sửa chữa khuyết điểm, bị phê bình, nhắc nhở mà vẫn cố tình, chây ỳ, ngoan cố thì phải kiên quyết xử lý “cần phải nghiêm khắc mời họ ra khỏi Đảng” hoặc “Chính phủ sẽ không khoan dung”, cần thiết thì xử lý nghiêm minh bằng luật pháp.

Hơn 93 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tích cực thực hiện tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng đã kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng tiêu cực, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng để phát huy ưu điểm, hạn chế, khắc phục khuyết điểm, bảo đảm cho Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo cách mạng vững bước đi lên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó Đảng cũng chỉ rõ trong Đảng còn không ít khuyết điểm, việc sửa chữa khắc phục chậm, chưa ngiêm túc, còn hình thức. Nổi lên tình trạng đảng viên né tránh, thấy khuyết điểm của Đảng, của đồng chí và bản thân nhưng thờ ơ, bỏ qua, không mạnh dạn đấu tranh; thiếu trách nhiệm, thiếu dũng khí trước những thông tin xấu độc, vu khống, bịa đặt, chống phá Đảng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Thậm chí, như Nghị quyết Trung ương năm, Khóa XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”.

Đó là thực trạng đáng lo ngại, đòi hỏi Đảng và đội ngũ đảng viên của Đảng phải kiên quyết, kiên trì, rèn luyện, phấn đấu, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực với nỗ lực cao nhất để kịp thời khắc phục. Các tổ chức đảng, từng đảng viên phải thực hiện tốt nhất nghĩa vụ, trách nhiệm, tình cảm của mình với Đảng, với nhân dân, đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Từng đảng viên cũng phải xác định rõ bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng và cao cả của mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nhận xét