Cổ nhân từng răn dạy, đề phòng mưu mô tiểu nhân hạ đẳng“lộng giả thành chân”, làm quá lên khiến những điều giả trá thành sự thật. Cách đây chừng hai phần ba thế kỷ, tên phát xít Adolf Hitler từng khẳng định: “Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực” mà không chút ngượng ngùng. Qua đó để thấy, đối với những kẻ tiểu nhân, độc tài, bất chấp mọi thủ đoạn để phục vụ mục tiêu đen tối của mình thì sự thật, chân lý khách quan hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa gì với chúng. Cái gọi là “Báo cáo toàn cầu về tự do báo chí” thường niên của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) là một trong những ví dụ điển hình của thuyết “lộng giả thành chân”, nói ẩu, nói càn, bất chấp sự thật khách quan của những kẻ chuyên nghề xoi mói, bới móc, ăn không nói có, gào làng vu vạ….
Tiếp nối những cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ, trái ngược với sự thật khách quan, mới đây, ngày 03/5, RFS đã đưa ra “Báo cáo toàn cầu về tự do báo chí năm 2023”, xếp Việt Nam vào nhóm ba quốc gia đứng cuối bảng. Hai nước còn lại là Trung Quốc và Triều Tiên. Theo trích dẫn của Đài Á Châu Tự do (RFA): “Việt Nam tụt bốn hạng kể từ năm ngoái và hiện đứng thứ 178 trên tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, chỉ trên Trung Quốc (179) và Bắc Triều Tiên (180). Trong năm tiêu chí đánh giá của RSF, Việt Nam có ba tiêu chí bị suy giảm so với năm 2022. Cụ thể, chỉ số chính trị giảm từ hạng 173 xuống 179, chỉ số kinh tế giảm từ 176 xuống 180, và chỉ số lập pháp từ 172 xuống 177. Tuy nhiên, Việt Nam có hai tiêu chí chỉ số xã hội và chỉ số an ninh tăng trong năm 2023: Đều từ vị trí 170 của năm 2022 lên vị trí 163 năm 2023.
Thứ hạng 178 năm nay là vị trí thấp nhất của Việt Nam kể từ khi RSF đưa ra bảng xếp hạng hồi năm 2002. Năm 2020 Việt Nam có thứ hạng 172, năm 2021- 175, và 174 trong năm 2022. Điều này cho thấy tự do báo chí của Việt Nam ngày càng suy giảm…”.
Đầu tiên, cần phải khẳng định RFS không đủ tư cách để đưa ra nhận xét, cáo buộc về tự do báo chí của một đất nước độc lập, tự do, có chủ quyền như Việt Nam.
Không ai lạ gì cái tổ chức “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, “treo đầu dê, bán thịt chó” chuyên nghề lợi dụng các mỹ từ cao đẹp để thực hiện hành vi bỉ ổi, xoi mói, xuyên tạc, kích động chống phá các quốc gia, lãnh thổ không đồng quan điểm, thể chế chính trị. RSF được hình thành từ năm 1985, tên tiếng Pháp đầy đủ là “Reporters sans frontières”, có trụ sở quốc tế tại Paris. Lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hiệp quốc làm cơ sở để hành động, tôn chỉ hoạt động của tổ chức phi chính phủ này đưa ra để bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Hằng năm, RFS vẫn thường đưa ra bảng xếp hạng về tự do báo chí của các quốc gia, vùng lãnh thổ bằng cách tổng hợp các câu trả lời vào một bảng câu hỏi của RSF. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng thường rao rảng, quảng bá về “một tổ chức chân chính, hoạt động vì sự tiến bộ, thúc đẩy tự do và văn minh của thế giới”, nhiều năm nay, tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam.
Tiếng là tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu nhưng trên thực tế, RSF tồn tại và hoạt động dựa vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số chính giới phương Tây. “Ăn của chúa, múa tối ngày”, điều này lý giải vì sao trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt một cách có chủ ý của các chính phủ quốc gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động. Những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí hoàn toàn chủ quan, cảm tính, thiếu hiểu biết về nền tảng văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt. Do đó, hiển nhiên là phần lớn thông tin đưa ra thiếu khách quan, suy diễn, sai sự thật.
Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đến nay đã 78 năm, quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Nhà nước ta bảo đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Điều này đã được Hiến định, thể hiện rõ ràng, đầy đủ trong các quy định của pháp luật hiện hành. Việt Nam hiện có khoảng 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, gần 800 cơ quan báo chí. Chất lượng truy cập Internet Việt Nam cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, một số thông số cao hơn số liệu công bố bởi các hệ thống quốc tế. Sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg… dễ dàng được tiếp cận tại Việt Nam. Không chỉ người dân trong nước mà cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực thực thi, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam. Tất nhiên, tự do phải trong khuôn khổ pháp luật, không thể muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết, không một tổ chức, cá nhân nào được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Các “tù nhân lương tâm”, “nhà báo tự do”, “nhà báo đấu tranh vì tự do, dân chủ, nhân quyền” mà RSF và các tổ chức khủng bố, chống phá ở hải ngoại ra rả bảo vệ thực chất là những đối tượng có hành vi vi phạm đã bị điều tra, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Không thể “lộng giả thành chân”, bản “Báo cáo toàn cầu về tự do báo chí năm 2023” của RSF là hoàn toàn vô căn cứ, vô giá trị với Việt Nam. Thêm một lần nữa, bản chất tráo trở, đặt điều vu vạ với ý đồ xấu của tổ chức này lại được phơi bày trước công luận.
Vũ Thanh
Nhận xét
Đăng nhận xét