Bài 2: Lợi dụng nhân quyền, tự do tôn giáo
Trong nhiều thập kỷ qua, các thế lực thù địch luôn lấy vấn đề nhân quyền, tôn giáo, dân tộc để xuyên tạc, chống phá Nhà nước ta. Trên mạng xã hội thời gian qua, nhan nhản những loại thông tin được cắt ghép, tạo dựng các vụ việc, rồi thổi phồng lên là “đàn áp tôn giáo”, “phân biệt đối xử dân tộc thiểu số ở vùng cao”…
Khai thác triệt để yếu tố tôn giáo
Ngày 22-2-2022, trong phần tin tức của Đài Á châu tự do đưa lên bản tin với tiêu đề: “Chính quyền đòi giải tán khi Tổng Giám mục Hà Nội đang làm lễ”. Hình ảnh ghi lại cảnh lộn xộn tại Giáo họ Đồng Tâm, Giáo xứ Vụ Bản (thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) vào sáng 20-2-2022 khi Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên đang làm lễ.
Bản tin có đoạn nói: “Dư luận trong nước đang xôn xao trước hình ảnh hai người đàn ông bước lên bàn làm lễ yêu cầu các linh mục và giáo dân phải giải tán đang lúc Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên làm lễ cùng các linh mục khác”. Bản tin trên của Đài Á châu tự do sau đó được lan truyền trên các mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Zalo với những lời bình, chia sẻ: “Chính quyền đàn áp tôn giáo”, “Chính quyền cấm dân đi lễ nhà thờ”…
Thực tế không phải như bản tin của Đài Á châu tự do đã phát sóng. Theo ghi nhận của người dân thị trấn Vụ Bản, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 20-2-2022, đoàn của Tổng Giáo phận Hà Nội và Giáo hạt Mỹ Đức, tỉnh Hòa Bình do Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội Vũ Văn Thiên cùng một số linh mục và giáo dân Giáo xứ Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) đến nhà ông Bùi Văn Cường, nguyên là linh mục Chánh xứ Giáo xứ Mường Cắt, xã Văn Nghĩa tại xóm Đồng Tâm, xã Thượng Cốc (huyện Lạc Sơn) để làm mục vụ (đây là nơi đã từng xảy ra hoạt động sinh hoạt tôn giáo trái phép).
Do số người tập trung quá đông nên Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 xã Thượng Cốc đến tuyên truyền, vận động các linh mục và giáo dân di chuyển về Giáo xứ Vụ Bản. Đến 10 giờ 20 phút cùng ngày, đoàn đến làm mục vụ tại địa điểm thờ tự, sinh hoạt tôn giáo ngay cạnh Giáo xứ Vụ Bản, với khoảng hơn 200 người tham gia hành lễ, phần lớn đến từ Hà Nội và các xã trong huyện Lạc Sơn.
Ngay khi nắm bắt được thông tin vụ việc, tổ công tác của thị trấn Vụ Bản đã vào nơi tổ chức hành lễ, gặp linh mục Giáo xứ Vụ Bản Trần Văn Liên, nhưng ông này không ra gặp. Tổ công tác chờ đến khi Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên thực hiện nghi thức thánh lễ xong mới vào để tuyên truyền, yêu cầu các linh mục, giáo dân giải tán vì nơi tổ chức nghi lễ là một công trình xây dựng trái phép và không thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19 (địa phương ở cấp độ vùng cam).
Khi tổ công tác vận động, tuyên truyền thì một số thành viên tham gia buổi lễ đã không hợp tác, có hành vi ngăn cản, giật khẩu trang, lôi kéo các thành viên tổ công tác ra khỏi khu vực lễ đường, quay vi-deo đưa lên mạng xã hội bịa đặt chính quyền địa phương ngăn cản sinh hoạt tôn giáo.
Vào đầu năm 2019, UBND quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) đã tiến hành tháo dỡ khoảng 110 công trình xây dựng không phép tại khu đất gần 4,8ha thuộc phường 6, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh (còn gọi là khu đất vườn rau Lộc Hưng).
Cơ quan chức năng đã đưa ra các giấy tờ pháp lý và khẳng định, khu đất vườn rau thuộc quyền quản lý của Nhà nước theo Quyết định 111 của Hội đồng Chính phủ năm 1977. Cụ thể, sau năm 1975, Trung tâm Viễn thông 3 tiếp quản đài phát tín của chế độ cũ (khu đất vườn rau Lộc Hưng); năm 1987, Bưu điện TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận bãi ăng-ten cũng thuộc khu đất trên. Nhiều hộ dân tự ý bao chiếm đất, xây dựng nhà ở và chuyển nhượng qua nhiều người.
Theo cơ quan an ninh, vụ vườn rau Lộc Hưng, phường 6 (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) mới đây lại được một số đối tượng lấy danh nghĩa các cộng đoàn Công giáo bảo vệ “dân oan vườn rau Lộc Hưng” để tụ tập đông người, tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho những con dân Chúa bị cướp nhà. Các đối tượng đã triệt để sử dụng yếu tố tôn giáo để kích động, lôi kéo người dân tiếp tục đi khiếu kiện đòi “công lý cho vườn rau Lộc Hưng”. Một số linh mục, tu sĩ và giáo dân ở các địa phương của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng bị lôi kéo vào “ủng hộ bà con vườn rau Lộc Hưng bị mất nhà”.
Các linh mục này ra sức biện minh cho việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất là sai, vì đất này là của Giáo hội Công giáo quản lý từ những năm thời Pháp thuộc và những hộ dân mất nhà đều là giáo dân. Các đối tượng chống đối còn lập tài khoản Facebook “Vuon Rau Loc Hung”, thường xuyên đưa những thông tin, bài viết xuyên tạc chính sách tôn giáo của Việt Nam, vu khống chính quyền cướp đất, đập phá nhà cửa, đẩy hàng ngàn người dân ra đường không một đồng đền bù, hỗ trợ thiệt hại.
Lá bài “nhân quyền”
Thời gian qua, ở một số địa phương có xảy ra các vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em gây bức xúc trong dư luận. Có vụ bạo hành thương tâm gây ra cái chết cho các em đã bị lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý theo pháp luật. Thế nhưng, các phần tử xấu đã thổi phồng từng vụ việc riêng lẻ rồi đưa lên mạng xã hội với những lời bình, chia sẻ sai sự thật, dẫn dắt từng vụ việc theo cách hiểu khác để nói về sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các đoàn thể và chính quyền đối với trẻ em.
Trong vụ cháu bé 8 tuổi N.T.V.A. ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, bị chính cha mẹ bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm, đã được Đài Á châu tự do nhiều lần phát sóng với những hình ảnh được cắt ghép, tạo dựng kèm với lời bình chia sẻ sai sự thật từ các tài khoản Facebook, YouTube. Có bản tin được giật tít với luận điệu: “Những trẻ em Việt Nam bị mất quyền sống”.
Trong vụ này, các tổ chức phản động như Việt Tân, Triều đại Việt và một số hội nhóm ở nước ngoài đã rêu rao: “Mọi thể chế tử tế hay không, thể hiện ở chỗ trẻ em có được sống tử tế và được nghiêm ngặt bảo vệ hay không”, “Thương cho trẻ em Việt Nam ở một chế độ bạo tàn”, “Quyền sống của trẻ em Việt Nam đang bị xâm phạm”…
Ngày 12-12-2021, tài khoản Facebook “Thien ha” đưa lên hình ảnh một số người dân, trong đó có trẻ em ăn mặc rách rưới, chia nhau từng nắm mì gói, với dòng chú thích: “Người Mông ở vùng núi cao”. Nhiều bình luận hỏi rõ ở xã, huyện nào, nhưng không một lời phản hồi từ chủ tài khoản.
Phân tích khung cảnh xung quanh trong tấm ảnh với cảnh tượng đường sá, nhà cửa khang trang, phía xa có tháp chuông nhà thờ ẩn sau dòng nước đỏ ngầu, nhiều người phát hiện ra đây là tấm ảnh chụp cảnh ngập lụt trong cơn lũ tháng 10-2020 ở một xã của huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) với gần 10 người dân tụ tập trên một gò đất cao chờ được cứu trợ.
Tấm ảnh này sau đó cũng được lan truyền trên các mạng xã hội với những bình luận, chia sẻ xuyên tạc chính sách dân tộc ở Việt Nam, như: “Việt Nam không bảo vệ quyền trẻ em, vi phạm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, quyền của người khuyết tật”.
Nhằm thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước, tổ chức phản động Việt Tân và một số hội nhóm núp dưới danh nghĩa từ thiện đã tổ chức các chương trình như: “Bữa ăn tình thương”, “Cứu dân trong cơn đại dịch Covid-19”… để kêu gọi đồng bào ở nước ngoài đóng góp tiền bạc mua quần áo, khẩu trang gửi về nước.
Cùng với thủ đoạn trên, các tổ chức phản động ở ngoài nước còn vận động trao giải thưởng và danh hiệu “Nhân quyền”, “Tự do báo chí” cho các đối tượng chống phá ở trong nước. Qua đó khuyến khích, lôi kéo người dân tham gia vào các hoạt động chống đối, hoặc dùng thông tin, hình ảnh có nội dung xấu tung lên các mạng xã hội để gây hiệu ứng xã hội, tạo tâm lý bất ổn trong dân chúng và làm phức tạp thêm tình hình an ninh chính trị trong đồng bào dân tộc, tôn giáo ở những địa phương vùng núi cao khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống…
Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được tôn trọng, các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tôn trọng và bảo đảm hoạt động của các tôn giáo, nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến an ninh quốc gia và bình yên cuộc sống của người dân.
MINH ĐỨC (Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Nhận xét
Đăng nhận xét