Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại trong bối cảnh lịch sử mới

 

Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại trong bối cảnh lịch sử mới

Thanh Trung

Hoạt động đối ngoại cấp cao của Việt Nam đang diễn ra sôi động trong những ngày vừa qua. Ngày 10-4, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bắt đầu chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị mới tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Toàn quyền Úc David Hurley vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 – 2023). Cách đây ít ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhân kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng vừa có những cuộc hội đàm trực tuyến với những người đồng cấp Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken dự kiến sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong những ngày tới…

Dư luận trong nước và quốc tế rất quan tâm theo dõi những hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những biến động hết sức nhanh chóng, phức tạp và chưa từng có tiền lệ do cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc và cuộc xung đột tại Ucraina, xu hướng chạy đua vũ trang, sử dụng vũ lực, chính trị cường quyền gia tăng. Một trật tự thế giới mới đang trong giai đoạn định hình với nhiều diễn biến khó dự đoán. Các nước lớn vừa điều chỉnh chính sách của mình, vừa tìm cách lôi kéo các nước nhỏ, các nước đang phát triển vào vòng ảnh hưởng của họ nhằm mục đích giành lợi thế. Điều này đã và đang tác động trực tiếp đến an ninh, hòa bình, phát triển của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.   

Trên MXH tiếp tục xuất hiện những thông tin, bài viết, bình luận trái chiều về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Bên cạnh đại đa số những ý kiến ủng hộ, cũng có những thông tin, bình luận trái chiều, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhằm gây hoang mang, mất phương hướng, tạo sự bức xúc, tâm lý chống đối, gây mất ổn định xã hội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Vẫn là những luận điệu xuyên tạc quen thuộc, đại loại như: “Việt Nam theo Mỹ sẽ mất Đảng, theo Trung Quốc sẽ mất nước”, “Việt Nam nâng cấp quan hệ với Australia, Hàn Quốc, nhưng lại ngó lơ Mỹ. Chắc chắn là do Trung Quốc không đồng ý.”, “Không có Mỹ liệu Việt Nam có bảo vệ được Biển Đông không?”, “Việt Nam xun xoe với hàng xóm, nhưng trong nhà cấm đoán, bịt miệng vợ con”, “Đu dây kiểu này nguy hiểm lắm, rơi lúc nào chẳng biết”, “Không dám nâng cấp quan hệ với Mỹ chứng tỏ Việt Nam không quan tâm nhiều đến phát triển kinh tế, mà chỉ lo bảo vệ chế độ”…

Cộng đồng mạng chân chính đã lập tức lên tiếng phản bác những thông tin, luận điệu phản động nói trên. “Có thể Trung Quốc không muốn Việt Nam và Mỹ tiến tới quan hệ đối tác chiến lược, nhưng quan hệ Việt – Mỹ là quan hệ tay đôi, Việt Nam chẳng phải đợi ai cho phép”, “Chơi với ai là quyền của Việt Nam. Tôi tin vào Đảng và Nhà nước Việt Nam.”, “Cứ lợi ích quốc gia là trên hết, chẳng việc gì phải sợ ai”, “Tốt nhất đừng lệ thuộc vào thằng nào, cứ giữ quan hệ bình đẳng với tất cả các nước, nhất là các nước lớn”, “Việt Nam đã lựa chọn đường lối đối ngoại sáng suốt, nhìn xa, trông rộng. Cứ nhìn cuộc xung đột tại Ucraina thì biết”…  

Ông Carl Thayer, một chuyên gia quốc tế có uy tín về Việt Nam và các vấn đề châu Á, nhận xét, nếu nhìn sang các quốc gia khác như Myanmar, Philippines, Thái Lan… có thể thấy ngay là chính ĐCS Việt Nam đã giúp bảo đảm được sự ổn định chính trị – xã hội lâu dài trong nước. Cách đây vài năm, cũng chính ông Carl Thayer đã khẳng định rằng: “Việt Nam đã thành công lớn trong những đối sách ngoại giao để bảo vệ độc lập, chủ quyền, phát triển đất nước và chính sách đối ngoại đã và đang đóng vai trò gìn giữ chủ quyền và độc lập dân tộc của Việt Nam ngày càng vững bền hơn”.

Trong cuộc điện đàm ngày 29/3 mới đây với Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố: “Việt Nam là đối tác rất quan trọng của Mỹ. Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam”. Lời khẳng định của ông Biden như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào những kẻ chống phá, cơ hội chính trị, những kẻ luôn tìm cách phá hoại quan hệ Việt – Mỹ, tìm mọi cách hạ thấp, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hiện nay, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn được cho là có tác động sâu rộng hơn và phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ trước đây, trên mọi phương diện, từ chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội cho đến cấu trúc quan hệ quốc tế. Bối cảnh lịch sử hiện nay đặt ra nhiều thách thức mới cho Việt Nam, nhưng với mục tiêu đã lựa chọn là “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết”, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; phấn đấu vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Trong suốt những năm qua, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại này và đó chính là tiền đề vững chắc giúp Việt Nam duy trì được môi trường hòa bình, sự ổn định chính trị, xã hội để đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như ngày hôm nay./.

Nhận xét