Ngày 20/3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới với 198 nước, trong đó tiếp tục đưa những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về Việt Nam.
Nhìn vào chính nước Mỹ
Mặc dù, Mỹ là một “ông lớn” và là một quốc gia tự cho là dân chủ, nhân quyền nhất thế giới nhưng trên thực tế lại không hẳn như vậy. Có lẽ vì thế, Báo cáo nhân quyền hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ lại bỏ qua chính nước Mỹ.
Tình trạng phân biệt chủng tộc là thực tế không thể biện minh mà diễn ra vô cùng sâu sắc tại Mỹ. Đây là sự kì thị của người Mỹ gốc châu Âu, da trắng đối với các chủng tộc, dân tộc thiểu số khác; giữa người da trắng với người da màu; đặc biệt, là giữa những người theo đạo Tin Lành với những người theo đạo khác, nhất là với người Do Thái và đạo Hồi.
Theo báo cáo do Stop Asian American Pacific Islander (AAPI) – một tổ chức chống sự kì thị đối với người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương, từ 19/3/2020 tới 28/2/2021, đã có 3.795 vụ kì thị đối với người châu Á trên toàn nước Mỹ; người Mỹ gốc Trung Quốc bị kì thị nhiều nhất (42,2%), tiếp theo là người Hàn Quốc (14,8%) và Việt Nam (8,5%); chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp (35,4%), trên đường phố (25,3%) và công viên (9,8%). Sự kì thị đối với người gốc Phi có thể nói là nặng nề nhất.
Trong khi Mỹ thành lập hẳn một tổ chức tiêu tốn cả tỷ USD vận hành mỗi năm cho việc giám sát “tự do tôn giáo thế giới” thì sự kì thị tôn giáo lại diễn ra đặc biệt sâu sắc ngay chính đất nước này. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew được thực hiện vào tháng 3/2019, hầu hết người Mỹ trưởng thành (82%) nói rằng người Hồi giáo phải chịu ít nhất một số phân biệt đối xử ở Hoa Kỳ ngày nay.
Bất bình đẳng giới cũng là vấn đề đáng lo ngại ở Mỹ, nhất là đối với nhóm phụ nữ da màu; họ ít có sơ hội tìm kiếm việc làm hơn so với nam giới và phụ nữ da trắng. Phụ nữ gốc Á là nạn nhân của các vụ kì thị nhiều hơn gấp 2,3 lần so với nam giới. Phụ nữ Mỹ thường phải làm việc bán thời gian hơn nam giới để có thể chăm sóc gia đình; với những người làm việc “full time”, mức lương trung bình của họ chỉ bằng 81% so với nam giới.
Bên cạnh đó, bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ. Theo trang Gun Violence Archive, trong năm 2021, nước Mỹ xảy ra 691 vụ xả súng hàng loạt; trung bình có ít nhất 4 nạn nhân/vụ; tổng số nạn nhân là 44.750 người. Tính riêng tháng 01/2023, tại Mỹ có hơn 50 vụ xả súng, mỗi vụ ít nhất 4 người thương vong. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng dùng từ “đại dịch” để mô tả về nạn bạo lực súng đạn dai dẳng, nhức nhối, gieo rắc nỗi ám ảnh cho người dân suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, việc lực lượng cảnh sát Mỹ dung vũ lực với người dân, người da màu là điều không hiếm gặp.
Mỹ là một quốc gia phát triển và là cường quốc kinh tế thế giới nhưng không đồng nghĩa với việc mọi người dân tại quốc gia này đều có thu nhập kinh tế cao. Khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ là rất lớn, người vô gia cư ở Mỹ luôn là một vấn đề xã hội nhức nhối. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người Mỹ vào tình cảnh khốn cùng nhưng ngược lại cũng có nhiều người lại có khối tài sản tăng lên. Theo Báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ giữa năm 2021, số người dân nước này có khối tải sản tăng lên đã tăng kỷ lục trong 3 thập kỷ qua nhờ sự bùng nổ của thị trường cổ phiếu. Trong khi đó, Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số người nghỉ việc, hoặc bị sa thải, trong năm 2022 tại nước này lên tới hơn 14 triệu lao động.
Thực tế trên cho thấy các quốc gia dù mức độ phát triển đến thế nào thì vẫn sẽ còn những thách thức về nhân quyền cần phải giải quyết. Chính nước Mỹ trong khi dành thời gian để đánh giá, phán xét về nước khác thì cũng không có nghĩa Mỹ không có những “tì vết” trong lĩnh vực bảo đảm nhân quyền.
Vẫn là những định kiến
Đây là lần thứ 47 Bộ Ngoại giao Mỹ “dành sự quan tâm” để nghiên cứu, tổng hợp dữ liệu và công bố báo cáo đánh giá việc thực thi quyền con người của các 198 quốc gia. Đối với Việt Nam, Báo cáo không có gì mới mẻ so với các năm trước, vẫn đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khách quan. Bất chấp những trao đổi thông tin thường xuyên thông qua Đối thoại nhân quyền song phương cũng như các cuộc làm việc, tiếp xúc giữa hai bên, phía Mỹ vẫn sử dụng thông tin từ những nguồn tin thiếu xác thực, chưa được kiểm chứng do những tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam.
Việt Nam chưa bao giờ tự cho mình là hoàn hảo về nhân quyền bởi thực tế vẫn có những thách thức phải giải quyết. Song, không thể phủ nhận những nỗ lực và thành tựu mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã đạt được, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới. Minh chứng thể hiện qua những thành tựu quyền con người trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá. Nền kinh tế Việt Nam đã có phát triển vượt bậc, riêng năm 2022, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID – 19, GDP đạt 409 tỷ USD, là quốc gia đứng thứ 37 về quy mô kinh tế GDP, bình quân đầu người 4.110 USD.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được quan tâm, bảo đảm. Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự… Ngoài ra, hàng năm có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia; cơ quan nhà nước đã cấp hàng trăm hécta đất để xây dựng cơ sở thờ tự như: Viện thánh kinh thần học rộng 7.500m2 tại thành phố Hồ Chí Minh; hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng; giao thêm 15 ha cho Giáo xứ La Vang, tỉnh Quảng Trị …
Trong lĩnh vực bình đẳng giới, phụ nữ là một trong đối tượng được ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Theo Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2022, Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý; trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội lao động, việc làm của phụ nữ như Nam giới, thậm chí phụ được ưu tiên trong một số lĩnh vực như: giáo dục, y tế… Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu. Nhiều nữ sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Mới đây, trong báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 được công bố trên ấn phẩm của Mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững của LHQ dựa trên số liệu được thu thập từ người dân tại hơn 150 quốc gia, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65.
Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng và ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những nỗ lực trong bảo đảm quyền con người cho người dân cũng như tham gia tích cực thúc đẩy quyền con người trên bình diện quốc tế.
Như lời Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định: “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.”
Tôn trọng sự khác biệt, hướng đến mục tiêu chung
Điều không thể phủ nhận là các quốc gia thành viên LHQ, trong đó có Mỹ và Việt Nam khi ký kết, phê chuẩn các công ước quốc tế về quyền con người thì đều hướng đến mục tiêu chung là bảo đảm cho người dân của mình được thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền con người. Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán chủ trương coi con người là động lực, mục tiêu và đặt ở vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển.
Đi lên CNXH là sự lựa chọn, là khát vọng của nhân dân Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội XHCN mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Sự khác biệt về thể chế chính trị, về cách tiếp cận vấn đề nhân quyền không có nghĩa là nước làm làm tốt hơn trong vấn đề nhân quyền hay có quyền đứng bên trên để phán xét tình hình nhân quyền của nước khác. Trong tiến trình phát triển các hình thái kinh tế – xã hội, không thể khẳng định chủ nghĩa tư bản là tốt nhất, là tuyệt đối; một đảng không dân chủ bằng đa đảng. Điều quan trọng nhất là các quốc gia cần tôn trọng thể chế của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác để cùng hướng đến mục tiêu chung là thúc đẩy quyền con người không chỉ ở mỗi nước mà còn đóng góp vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Thế giới vốn là sự tồn tại nhiều quốc gia khác nhau với thể chế chính trị khác nhau, những đặc thù khác nhau, không thể khẳng định có một mô hình nào là tuyệt đối về vấn đề nhân quyền mà được coi là hình mẫu để áp đặt lên quốc gia khác. Điều quan trọng là khắc phục những tồn tại để phát triển, hướng đến mục tiêu tốt đẹp vì con người và cho con người. Con đường của Việt Nam và Mỹ có thể khác biệt nhưng đích đến chắc chắn đều vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam và người dân Mỹ. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị đã và đang nỗ lực để khắc phục những yếu kém, trở ngại, khó khăn nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người cho người dân.
Hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển đang trở thành xu thế chung của nhân loại tiến bộ. Việt Nam và Mỹ cũng đã trở thành đối tác toàn diện và đã hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về những vấn đề còn khác biệt về nhân quyền trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, chân thành, cởi mở, tôn trọng, bình đẳng, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; luôn chủ động cung cấp thông tin, giải đáp những vấn đề phía Mỹ quan tâm. Chính vì thế, không nên để những định kiến về nhân quyền thành vật cản trong quan hệ song phương Việt – Mỹ đang phát triển tốt đẹp.■
Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số tháng 3/2023
Nhận xét
Đăng nhận xét