Tự do tôn giáo ở Việt Nam

 

Tháng Ba, đánh dấu sự kiện ngày 09/3, Việt Nam công bố cuốn “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, minh bạch hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam và thành tựu bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở nước ta trong thời gian qua. Cuốn sách, một lần nữa khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng; “không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.

Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết

Từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tôn trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người cũng như các tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”, Đảng ta rất coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện tư duy lý luận về tôn giáo và quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo. Nghị quyết 24 (1990) của Bộ Chính trị, khoá VI về công tác tôn giáo và Nghị quyết 25 (2003) của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác tôn giáo đã có những bước đổi mới có tính đột phá, thừa nhận “tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” và “tôn giáo đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội”. Đây là những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện một cách rõ ràng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, không chỉ khẳng định sự “tồn tại lâu dài” của tôn giáo, mà còn phát triển lên mức cao hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với quan điểm đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng đã được minh định theo hướng “vừa quan tâm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa kịp thời đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo; công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị”.

Cũng xuất phát từ quan điểm đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được luật hoá trong các bản Hiến pháp và các bộ luật liên quan với đầy đủ bình diện “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm”, “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Hiến pháp 2013, Điều 24).

Hoà hợp, bình đẳng giữa các tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân không chỉ tồn tại trên các văn bản pháp luật, mà đã được bảo đảm trên thực tế bằng những căn cứ rất thuyết phục. Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo và không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo được tham gia vào đời sống chính trị xã hội của đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ở Việt Nam không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn mà các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử. Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, tôn giáo. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động một cách bình thường; các thủ tục công nhận các tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, thành lập cơ sở đào tạo, mở lớp bồi dưỡng tôn giáo, xuất bản kinh sách, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo… được thực hiện thuận lợi theo qui định của Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo và pháp luật.

Nhà nước Việt Nam cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội như giáo dục, y tế và các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội. Vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết.

Đóng góp vào sự phát triển của đất nước

Là quốc gia đa sắc tộc với 54 dân tộc anh em chung sống hòa bình trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc ít người đã được chính quyền các cấp quan tâm, bảo đảm và hướng dẫn giải quyết hợp lý các vấn đề nảy sinh. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù cũng từng bước được quan tâm thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong việc thực thi các Công ước quốc tế về quyền con người.

Trong tiến trình thực hiện chủ trương, chính sách đối ngoại “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đã và đang phấn đấu trở thành “công xưởng” và là “Trung tâm sáng tạo” của thế giới thu hút nhiều lao động nước ngoài đến đầu tư, làm việc, học tập trong đó nhiều người là tín đồ các tôn giáo. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; quan tâm, tạo điều kiện cho họ có nơi sinh hoạt tôn giáo theo qui định của pháp luật Việt Nam.

Hòa trong dòng chảy lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, với sức mạnh được hun đúc từ mạch nguồn văn hóa: lòng yêu nước nồng nàn, ý thức độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường, đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “thương người như thể thương thân”, các tôn giáo ở Việt Nam đều có đóng góp nhất định trong những mức độ khác nhau vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự đóng góp đó, trước hết, thể hiện ở đường hướng hành đạo của mỗi tôn giáo: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” (Phật giáo); “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (Công giáo); “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” (Tin Lành)… Đường hướng hành đạo của các tôn giáo tuy có những điểm khác nhau, nhưng nhìn chung đều nói lên sự gắn bó với dân tộc, với Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Có thể nói, các tôn giáo ở Việt Nam vừa là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa, đồng thời là nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước. Nhiều điểm tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, giữa giáo lý, giáo luật với pháp luật Nhà nước về mục tiêu giải phóng con người, chống áp bức bất công của cách mạng Việt Nam và của các tôn giáo, đã và đang được phát huy cao độ.

Không chỉ đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tôn giáo còn là một bộ phận cấu thành của văn hoá Việt Nam. Những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của tôn giáo đã góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Bằng những giáo lý nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo ở Việt Nam đã phát huy, lan toả các giá trị văn hóa, đạo đức nhân văn, bác ái ấy vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, ứng xử nhân văn, nhân ái của dân tộc ta, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước, cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, cứu người, giúp đời, chung tay cùng đồng bào tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, trong dòng chảy lịch sử đất nước, các tôn giáo ở Việt Nam không phải chỉ có những “điểm sáng”, mà đôi khi có cả “ánh sáng và bóng tối xen lẫn”. Đó là điều đáng tiếc. Nhưng, chúng ta tin tưởng rằng, sự tương đồng trong mục tiêu phấn đấu vì con người, vì sự phồn vinh của đất nước, vì “mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tín đồ các tôn giáo, trước hết là con dân Việt, công dân Việt, sẽ sống “tốt đời, đẹp đạo”, mãi tiếp bước trên con đường “đồng hành với dân tộc”, vượt lên mọi thách thức và cả những âm mưu đen tối của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam.■

Tạp chí Nhân quyền Việt Nam số tháng 3/2023

Nhận xét