“Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế lần thứ ba – IRF 2023” diễn ra trong 2 ngày cuối tháng 01 và đầu tháng 02/2023 tại Mỹ, đã được tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS) của Nguyễn Đình Thắng tự xưng là đơn vị đồng tổ chức sự kiện, đưa ra lời mời gọi tham gia và tuyên bố rằng “vị thế” này giúp họ “tạo điều kiện” cho người dân trong nước lên tiếng về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam được dễ dàng hơn. BPSOS quảng bá rằng, việc tham dự Hội nghị này mang lại cơ hội “tiếp xúc nhiều chục văn phòng dân biểu hạ viện và thượng nghị sĩ”, được “thông báo với các tham dự viên của hội nghị về thực trạng tôn giáo ở Việt Nam”, được “Báo cáo trực tiếp với các giới chức Bộ Ngoại giao và Uỷ Hội Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế các vụ vi phạm mới xảy ra” và được “kêu gọi dân biểu và thượng nghị sĩ Mỹ lên tiếng về các hồ sơ vi phạm và yêu cầu Bộ Ngoại giao chế tài các thủ phạm liên can”. Tuy nhiên, những bài quảng cáo này có sát sự thực không? Nếu tìm hiểu kỹ hơn về sự kiện vừa diễn ra đầu tháng 2 này, người ta sẽ thấy rất nhiều vấn đề cần phải xem xét lại
Hội nghị có thật sự là “sự kiện hàng đầu thế giới về tự do tôn giáo”?
Trước hết cần khẳng định ngay “Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế” (IRF Summit) không hề là “sự kiện hàng đầu thế giới về tự do tôn giáo” như BPSOS tuyên bố. Trong thực tế, hội nghị này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2021, đến nay mới tiếp diễn đến kỳ thứ 3. Hội nghị này được cho là di sản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – người không ngừng tận dụng các cộng đồng tôn giáo cực đoan để kiếm phiếu trong kỳ bầu cử. Nên nhớ rằng, đám người này bao gồm cả những linh mục Tin lành dạy con chiên uống thuốc tẩy để chữa COVID-19, và những giáo phái tuyên bố rằng Trump là “thiên thần” được Chúa phái xuống để phán xét nhân loại, ta sẽ thấy cần dè dặt trước độ nghiêm túc của cái “phong trào bảo vệ tự do tôn giáo” mà BPSOS can dự.
Cả ba kỳ hội nghị đều được tổ chức ở Mỹ. Người khởi xướng phong trào IRF không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo, mà là Chris Seiple – thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại. Chủ tịch của IRF Summit, Greg Mitchell, có một trang web themitchellfirm.com. Trang web mở đầu bằng dòng chữ: “để tăng cường an ninh quốc gia và bảo đảm quyền hạn và tự do của bạn…”.
Giới thiệu về Hội nghị này, tờ báo The Washington Times ngày 01/02/2023 thừa nhận, mục đích chính của nó là xuất phát từ nhận thức “Tự do tôn giáo không chỉ đang bị đe dọa ngày càng tăng trên toàn cầu từ Trung Quốc và các chế độ toàn trị khác,… mà còn đối mặt với những thách thức từ phe cánh tả trong các nền dân chủ vững mạnh như Nhật Bản nhằm kiềm chế các nhóm tín ngưỡng kể từ sau vụ ám sát Cựu Thủ tướng Shinzo Abec vào năm ngoái”. Ngay phát biểu khai mạc hội nghị thông qua video gửi đến của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khác đều nhấn mạnh, trọng tâm của nó nhắm vào Trung Quốc, Nga và một số quốc gia mà Mỹ dán nhãn “độc tài” như Myanmar, Syria, Afghanistan. Như vậy, Hội nghị này bản chất là công cụ chính trị của Mỹ nhắm vào các quốc gia mà Mỹ đang bao vây, cấm vận, phong tỏa hoặc gây áp lực chính trị, tức là mục tiêu “quốc tế hóa”, “chính trị hóa” vấn đề tôn giáo mà thôi.
Thành phần tham dự Hội nghị, bản chất không khác nào “góp gạo thổi cơm chung” của các tổ chức dân sự hoạt động trên lĩnh vực tôn giáo và nhà tài trợ. Đóng nhiều tiền thì được được góp nhiều “tiếng nói”, được có logo trang trọng trên phông nền Hội nghị. Bản chất chẳng khác nào một diễn đàn cho các cá nhân, tổ chức gắn mác “đấu tranh tự do tôn giáo” khắp thế giới sang Mỹ chầu, trình báo tình hình nhân quyền với chính quyền Mỹ, vận động chính sách, chứ không phải là nơi đại diện các quốc gia đến bàn thảo, nghị sự về tôn giáo, không thật sự có tính quốc tế.
Vị thế của BPSOS trong cái gọi là “Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế”?
Trong lời kêu gọi, BPSOS tự quảng bá mình là thành phần đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh và quán xuyến 2 mảng lớn của hội nghị: phát huy lãnh đạo trẻ và điều phối chiến dịch tự do cho tù nhân lương tâm tôn giáo. BPSOS cũng đồng tổ chức mảng “quyền tự do tôn giáo bị khước từ” của hội nghị. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, ở trong Ban Chỉ đạo của hội nghị thượng đỉnh và Ban Chỉ đạo của Bàn tròn Tự do Tôn giáo Quốc tế, mạng lưới của hơn 1.000 nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo toàn cầu, và lãnh trách nhiệm về khu vực Đông Nam Á. BPSOS là tổ chức khởi xướng mạng lưới Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Khu vực Đông Nam Á…
Đọc đoạn trích này, ai cũng tưởng Nguyễn Đình Thắng và BPSOS được hội nghị chọn làm đồng tổ chức vì có chuyên môn. Ai ngờ trong hội nghị non trẻ này, ai góp tiền vào thì được chọn làm bên đồng tổ chức! Như vậy, BPSOS chỉ dùng tiền quyên góp để mua danh, rồi lại dùng danh để kêu gọi thêm tiền quyên góp nhằm thu hồi vốn mà thôi. “Lời kêu gọi” tham dự hội nghị thực ra cũng là lời quảng cáo cho BPSOS. Nhìn vào việc nhóm của Thắng chỉ được phát biểu ở một forum nhỏ bên lề Hội nghị, không có diễn giả được phát biểu tại Hội trường chính cho thấy mức đóng góp của BPSOS không nhiều. Suốt thời gian diễn ra Hội nghị, trang twitter của Ban tổ chức không hề có hình ảnh nào giới thiệu về đoàn Việt Nam của Nguyễn Đình Thắng. Khôi hài nhất là trong buổi diễn thuyết nhỏ, Nguyễn Đình Thắng tranh thủ nhét ảnh của Y Pum Byă – đối tượng phá họa chính sách đoàn kết, đang phải chịu án phạt tù, dưới chân bục phát biểu rất nhếch nhác, nhằm thu hút người để ý.
Thành phần tham dự của đoàn Nguyễn Đình Thắng, dù được tâng bốc 4 tuần trước Hội nghị là 50 người, là hùng hậu nhất tại Hội nghị này, nhưng quanh đi quanh lại vẫn là những gương mặt cũ quen thuộc chuyên tham dự từ những năm trước, thành viên hay tay chân của BPSOS. Điểm mới là năm nay có thêm linh mục Phan Văn Khải – kẻ nhân chuyến sang Mỹ chục năm trước trốn lại và đang sống lưu vong dưới mác du học. Cả đoàn chụp ảnh gom từ đứa trẻ con mới được 29 người nhẵn mặt với bất kỳ ai biết đến BPSOS và các hoạt động mang danh tổ chức này ở Mỹ. Thế mới thấy, trình độ lừa phỉnh của Nguyễn Đình Thắng trắng trợn ra sao và vì sao các kiều bào, đám phản động, chống đối trong nước cũng đều gọi y là “siêu lừa”.
Độ tín của các báo cáo nhân quyền mà BPSOS đưa ra cũng là điều đáng bàn. Trong số các thành phần dán nhãn người Việt đến dự hội nghị này, tín đồ Phật giáo Hòa hảo cực đoan ở hải ngoại chiếm số đông nhất. Trong các kỳ đại hội trước, họ đã “mách” Mỹ rằng Việt Nam “vẫn đang bắt giữ, truy tố, xét xử các nhà hoạt động tôn giáo trong nước”. Các ảnh được trưng bày “nạn nhân tự do tôn giáo ở Việt Nam” vẫn là 3 gương mặt Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa, Y Pum Bya như Hội nghị năm 2022 – đều là những kẻ bị bắt, kết án vi phạm pháp luật Việt Nam không liên quan gì đến tín ngưỡng, tôn giáo. BPSOS và các nhóm liên quan thường áp việc Công an Việt Nam bắt tín đồ của một tôn giáo trở thành vấn đề tự do tôn giáo. Khôi hài nhất là một trong những mục tiêu đoàn BPSOS đem đến “tấu” tại Hội nghị này là vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo đối với “Thiền Am bên bờ vũ trụ”, bất chấp hành vi, chứng cứ bị kết tội của Lê Tùng Vân và đồng bọn thực sự là “tuyên truyền, kích động, xúc phạm uy tín của Công an huyện Đức Hòa (Long An), xúc phạm Phật giáo, xúc phạm danh dự và nhân phẩm ông Trần Ngọc Thảo (pháp danh Thích Nhật Từ), gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương”, không hề dính dáng gì đến cản trở hay cấm sinh hoạt tín ngưỡng gì với nhóm này.
Nhìn vào diễn biến cái gọi là “Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế”, các diễn đàn mạng xã hội của Việt Nam bình phẩm rằng Mỹ biến vấn đề tự do tôn giáo thành trò hề của thành phần bát nháo. “Hội nghị gì mà chính giới các nước hoặc đại diện cho các quốc gia được nêu tên hoàn toàn không có mặt tại Hội nghị… và cái gọi là “phái đoàn Việt Nam” thật ra là những kẻ có tư tưởng chống phá đất nước, những kẻ vi phạm pháp luật, không hề mang tính đại diện cho Việt Nam mà dùng từ như vậy”, là một trong nhiều ý kiến được cộng đồng mạng xã hội lên tiếng.
Nhìn vào thành phần mà Hội nghị này vận động bảo trợ như Nguyễn Bắc Truyển, chúng ta sẽ thấy Nguyễn Bắc Truyển bị kết án 11 năm tù, 3 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, chứ không phải vì sinh hoạt tôn giáo. Hoạt động lật đổ của Truyển đã kéo dài nhiều năm và có tính hệ thống, chứ không chỉ diễn ra gần đây.
Hoặc trường hợp Nguyễn Văn Hóa, bản chất bị bắt, truy tố vì cộng tác với RFA và các tổ chức phản động lưu vong, kiếm tiền bằng viết thuê xuyên tạc về tình hình trong nước.
Từ vụ Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa có thể thấy thực chất của các hoạt động “bảo vệ quyền tự do tôn giáo” của họ. Nhằm tận dụng mọi cơ hội để hạ uy tín chính phủ Việt Nam, cũng như để “giải cứu” thành viên của mình, họ đã đánh đồng chuyện bắt những người hoạt động lật đổ với chuyện đàn áp tự do tôn giáo. Dư luận nước ngoài thì tự bịt tai che mắt trước những trò bịp này, phần vì họ chỉ nhận thông tin từ thành phần chống phá Nhà nước Việt Nam ở hải ngoại, phần vì họ chỉ cần cớ để kiếm lá phiếu trong các cộng đồng tôn giáo cực đoan hoặc phục vụ cho ý đồ chính trị có lợi cho chính sách “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ. Với tất cả những vấn đề này, “Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế” ít nhiều mang dáng dấp của một màn kịch chính trị.
Những năm qua, ở Việt Nam, nhờ có chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo ngày càng được hoàn thiện và được thực hiện nhất quán trong thực tiễn, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng phong phú; số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
So sánh pháp luật của một số nước trong khu vực và thế giới cho thấy: khi tôn giáo tổ chức các hoạt động đông người tại cơ sở thờ tự, phải tự thuê bảo vệ làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, kiểm nghiệm vệ an toàn thực phẩm. Nếu để xảy ra vi phạm, chính quyền sẽ căn cứ vào pháp luật và xử phạt tổ chức, cá nhân tôn giáo đó, nhưng ở Việt Nam, các tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động tôn giáo có đông đảo nhân dân tham gia, đều được chính quyền hỗ trợ với mục tiêu cao nhất bảo đảm an toàn để nhân dân yên tâm thực hiện nghi lễ tôn giáo.
Có thể khẳng định rằng, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam những năm qua là rất đa dạng, sôi động và phong phú. Những thành tựu đó không chỉ nhân dân trong nước, trong đó có tín đồ các tôn giáo ghi nhận, mà còn được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việc Việt Nam lần thứ hai trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 với số phiếu ủng hộ của 145/189 nước đã một lần nữa khẳng định quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam nói riêng được bảo đảm, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, không gì có thể phủ nhận.
Tạp chí Nhân quyền tháng 2/2023
Nhận xét
Đăng nhận xét