Không có cái gọi là “bắt người bất đồng chính kiến” ở Việt Nam

 

Không có cái gọi là “bắt người bất đồng chính kiến” ở Việt Nam

Trần Công Nghệ

Trang của tổ chức Việt Tân và “baotiengdan” tiếp tục phát tán các bài viết về cái gọi là “tại sao bắt giữ người bất đồng chính kiến” cố ý xuyên tạc, chĩa mũi công kích vào một số hoạt động pháp lý ở Việt Nam, vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền”… Chúng còn tận dụng cả công nghệ IA để “viết bài” phát tán các luận điệu xuyên tạc, kiểu như hỏi Chat GPT, mà ai cũng biết rằng GPT lấy dữ liệu để đưa ra câu trả lời từ chính các trang và các nguồn thông tin của các đối tượng đó. Ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác, việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật không phải là “vi phạm nhân quyền”, không phải là “bắt giữ người bất đồng chính kiến”. Mà đây là sự thực thi quyền năng của bất kỳ nhà nước nào nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá xã hội, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người dân.

Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến”, “bảo vệ nhân quyền”. Như các quốc gia khác, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền dân chủ, tự do để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác. Các hoạt động điều tra, xét xử và giam giữ tuân theo các quy định của pháp luật. Quyền con người do pháp luật quy định và bảo đảm, không một tổ chức hay cá nhân nào được tùy tiện đưa ra quy định về việc thực hiện quyền con người để áp dụng cho một quốc gia. Nếu một xã hội không có thể chế pháp luật, mỗi cá nhân có hành vi tùy tiện theo ý muốn của mình thì xã hội sẽ trở nên hỗn loạn.

Thế mà, từ lâu, một số tổ chức quốc tế, một số nước phương Tây vẫn “dương cao” quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” nhằm áp đặt vào những quốc gia và cộng đồng khác, mà thực chất là xuất phát từ mục đích chi phối công việc nội bộ, hòng thay đổi chế độ chính trị ở một số nước. Trong khi, thực tế ở chính các nước đó thì quan điểm “nhân quyền cao hơn chủ quyền” không hề có giá trị đối với việc thúc đẩy quyền con người, mà nó còn khiến khả năng xâm hại quyền con người, phân biệt chủng tộc, phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo tiếp diễn nghiêm trọng. Ví dụ như ở Mỹ, thực tế có sự khác nhau giữa lời nói và việc làm về quyền con người của nước này. Thật hài hước, khi Mỹ tự cho mình cái quyền đánh giá, chỉ trích mức độ bảo đảm quyền con người của các nước khác, song chính trong nội bộ lại tồn tại những vấn đề nghiêm trọng về quyền con người. Như năm 2021, ở Mỹ đã xảy ra 693 vụ xả súng (tăng 10,1% so với năm 2020), khiến hơn 44.000 người thiệt mạng; năm 2021, 9 tiểu bang của Mỹ đã đề xuất hơn 420 dự luật nhằm hạn chế việc bỏ phiếu của cử tri; chỉ 7% thanh niên Mỹ tin rằng hệ thống dân chủ Mỹ vẫn “lành mạnh”. Còn tại biên giới phía Nam, Mỹ đã giam giữ hơn 1,7 triệu người nhập cư, trong đó có 45.000 trẻ em. Chính nước Mỹ bên cạnh “nhấn mạnh” tính phổ biến của quyền con người nhưng lại từ chối ký kết nhiều điều ước quốc tế về quyền con người (như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước về quyền trẻ em…).

Bất kỳ quyền và tự do nào cũng là tương đối, trên thế giới không có quyền và tự do tuyệt đối mà không chịu sự hạn chế hay chỉ có quyền mà không có nghĩa vụ. Với một con người, một công dân, quyền và nghĩa vụ không thể tách rời. Ở Việt Nam, bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan; được tôn trọng, triển khai trên thực tế, được khẳng định qua các thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các nỗ lực và thành công đó cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong nhiều khuôn khổ song phương và đa phương, như Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rõ qua sự phát triển của báo chí cũng như thông tin trên các nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam (với có hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng Internet, mạng xã hội).

Trên phạm vi quốc tế hay ở mỗi quốc gia, quyền con người chịu sự chế ước và hạn chế bởi pháp luật. Khoản 2, Điều 19 trong Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người chỉ rõ, khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự xã hội và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. Quyền con người không thể thoát ly khỏi quy định pháp luật và nguyên tắc pháp quyền. Trên thế giới, không có quốc gia nào cho phép công dân của nước mình có quyền tự do vô hạn mà không chịu sự hạn chế và điều chỉnh của pháp luật.

Tóm lại, chúng ra rút ra một kinh nghiệm quý báu là, đừng nghe những gì người ta nói, hãy nhìn những việc, hành vi của người ta, nhất là đối với những kẻ không có thiện chí xây dựng mà chỉ có thiện chí phá hoại, cường quyền!. Việc đấu tranh, vạch trần âm mưu chống phá, những thông tin sai lệch này là rất cần thiết, và cần được mỗi người đọc thông thái tỉnh thức, đó là một cách để nâng cao nhận thức và bảo vệ quyền con người đúng đắn…/.

Nhận xét