Bài 2: Không thể phủ nhận chính sách dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam

 

BBK- Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các dân tộc thiểu số là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam, thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật, được thực thi nghiêm túc trên thực tế. Dù các thế lực thù địch dùng trăm mưu nghìn kế để chống phá nhưng chúng không thể phủ nhận được chính sách ưu việt về dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam.

Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn tuyên truyền về bình đẳng giới tại xã Cổ Linh (Pác Nặm).

Hiến pháp năm 2013 (hiện hành), tại Điều 5 quy định rõ: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Tại Điều 24 hiến định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Nhiều luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, công tác tôn giáo cũng đã có những quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho bà con các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Thực tế tại Việt Nam, ngay sau khi giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc và tình cảm với đồng bào các dân tộc, thể hiện tư tưởng chỉ đạo về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, trong phiên họp của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết”. Ngày 14/6/1955, Người đã ký Sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của Nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ Nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của Nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.

Người từng kêu gọi các tôn giáo hãy xóa bỏ hiềm khích, kỳ thị đoàn kết cùng toàn dân lo cho nền độc lập của nước nhà, và lịch sử đã chứng minh, dù trong điều kiện khó khăn của đất nước, nhưng chức sắc các tôn giáo đồng bào có đạo giáo khẳng định rõ sự gắn bó đồng hành với dân tộc.

Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số Nam Bộ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”[1].

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân tộc, chính sách dân tộc được ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán tín ngưỡng của các dân tộc. Chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc”.

“Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán tín ngưỡng của các dân tộc. Chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc”.
Trích “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”

Hiện nay, các dân tộc của Việt Nam luôn được bảo đảm quyền bình đẳng trên các lĩnh vực, quyền bình đẳng về chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao. Số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số trong các khoá Quốc hội luôn chiếm tỷ lệ cao. Ở các địa phương, người dân tộc thiểu số cũng chiếm tỷ lệ cao trong HĐND các cấp. Nhiều người dân tộc thiểu số đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Những năm vừa qua, thu nhập bình quân các vùng dân tộc thiểu số tăng nhanh, tỷ lệ hộ nghèo giảm trong cộng đồng các dân tộc thiểu số 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm giảm 3,55%, cao gấp gần 2 lần mức bình quân chung của cả nước (1,83%).

Theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 137.664,959 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương: 104.954,011 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương: 10.016,721 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách: 19.727,020 tỷ đồng vốn huy động hợp pháp khác: 2.967,207 tỷ đồng.
Nguồn: Ủy ban Dân tộc

Các hoạt động tôn giáo lớn trở thành lễ hội của người dân như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, với trên 1.000 đại biểu quốc tế đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng với hàng vạn quần chúng nhân dân tham dự; Lễ hội của Công giáo, Tin lành như: Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin lành đến Việt Nam; với Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tổ chức hội thảo: Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ”; Đối thoại “Liên tín ngưỡng ASEM lần thứ VI”… Việt Nam cũng đã chủ động cung cấp thông tin về tình hình tôn giáo và chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, trao đổi tận cùng các vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm, để thấy rõ thực tiễn về đời sống tôn giáo ở Việt Nam đa dạng, phong phú. Chính sách, pháp luật đã đảm bảo quyền tự do tôn giáo chính đáng của Nhân dân.

Tính đến thời điểm 01/4/2019, dân số tỉnh Bắc Kạn là 313.905 người. Trong đó, dân tộc thiểu số có 276.284 người, chiếm 88,02%. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 35 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó: Dân tộc Tày: 165.055 người, chiếm 52,58%; Dân tộc Dao: 56.067 người, chiếm 17,86%; Dân tộc Nùng: 28.709 người, chiếm 9,15%; Dân tộc Mông: 22.608 người, chiếm 7,2%; Dân tộc Sán Chay: 1.680 người, chiếm 0,54%…
Nguồn: Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn

Bắc Kạn là một trong những địa phương có nhiều dân tộc thiểu số (chiếm hơn 88%) và nhiều người theo tín ngưỡng tôn giáo khác nhau (Trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo là đạo Phật, Công giáo và Tin lành với 11.693 tín đồ, chiếm khoảng 3,72% dân số của tỉnh). Nhận thức rõ điều đó, ngay từ năm đầu giai đoạn (2021- 2025), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 23/3/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới giai đoạn 2021-2030; Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ sáu (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/12/2021 về lãnh đạo thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày 20/6/2022 triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng chương trình, Đề án, chính sách dân tộc, công tác tôn giáo.

Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Các chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện tốt, ưu tiên đưa các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội tới vùng sâu, vùng đồng bào có đạo, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Các sở, ngành liên quan, chính quyền các địa phương trong tỉnh cũng đã kịp thời xem xét, giải quyết nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo.

Nhìn chung hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo đều tuân thủ Hiến chương, nội quy của Giáo hội, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công tác tôn giáo. Tiếp tục thực hiện treo cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo; tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng bào có đạo tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Số cấp ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025 của các đảng bộ huyện, thành phố trong tỉnh Bắc Kạn là người dân tộc thiểu số đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ở cấp tỉnh có 39 đại biểu người dân tộc thiểu số, chiếm 78%, cấp huyện chiếm 71,8%, cấp xã chiếm 87,5%.

Những kết quả trong thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đối với các dân tộc thiểu số và chính sách tự do tín ngưỡng của Việt Nam, của tỉnh Bắc Kạn đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao là những minh chứng đanh thép phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch về dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam./.

(Còn nữa)

Phú Thọ – Hồng Hạnh

Nhận xét