Phản bác luận điệu “Tham nhũng, suy thoái là phổ biến, là bản chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam”
Từ một số vụ việc tham nhũng và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã lên tiếng quy chụp, đó là phổ biến, là bản chất của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy việc nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1]. Vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, nhìn lại thành tựu đất nước sau hơn 35 năm đổi mới càng khẳng định rõ sự phát triển và đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ trong Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên thời gian qua, có một số cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ với động cơ không trong sáng dẫn đến các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Bài học từ nhiệm kỳ khoá XII vẫn còn nguyên giá trị với hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm kỷ luật Đảng đến những vụ đại án tham nhũng nghiêm trọng khiến nhiều cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam, gây bức xúc trong dư luận, làm suy giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh việc công kích, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng rêu rao, nói xấu, bôi nhọ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta không còn khả năng, uy tín để lãnh đạo đất nước; tham nhũng, suy thoái là phổ biến, là bản chất của đội ngũ cán bộ,... Để lập luận cho luận điểm này, chúng đưa ra rất nhiều luận điệu xảo trá để tấn công như: “Tham nhũng là căn bệnh nan y của chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo”; “Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thể chống được tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực”; đồng thời chúng phủ nhận kết quả, thành tựu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái của cán bộ, đảng viên ở nước ta thời gian qua…
Có thể thấy các quan điểm sai trái trên là hoàn toàn vô căn cứ, mang tính áp đặt, cực đoan. Đây là những luận điệu hết sức nguy hiểm, phản động của các thế lực thù địch, gây tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dựng xây chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhân dân ta. Chúng ta cần nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn mà các thế lực thù địch sử dụng và có cách thức đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, tham nhũng, suy thoái không phải chỉ có ở những nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở mọi chế độ, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hoá gây ra, chứ không phải do chế độ một đảng cầm quyền sinh ra. Thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ án nổi tiếng ở các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”, do giai cấp tư sản lãnh đạo như: Cựu thống đốc bang Illinios (Mỹ) George Ryan chịu 6 năm tù vì tham nhũng (2007); Cựu Tổng thống Philippin Joseph Estrada lĩnh án chung thân do tham nhũng (9/2007); Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị phế truất do tham nhũng (12/2016),… Hiện nay, theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, một số nước có chế độ đa đảng, không phải Đảng Cộng sản cầm quyền như: Myanmar, Venezuela, Somalia, Afganixtan, Uzbekistan,… đều là những nước có nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất thế giới. Như vậy, việc cho rằng tham nhũng, suy thoái là do Đảng Cộng sản cầm quyền sinh ra là hết sức sai lầm, vô căn cứ. Điều này đã được đồng chí Tổng Bí thư khẳng định trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”: “Chúng ta đều biết, tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là một hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”[2]. Do đó, không thể cố tình quy chụp tham nhũng là bản chất của chế độ ta.
Thứ hai, tham nhũng, suy thoái không phải là phổ biến, là bản chất của đội ngũ cán bộ trong Đảng và Nhà nước ta. Xuất phát từ bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của Nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam và bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Đảng cũng quy định rõ trách nhiệm của người đảng viên: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”[3]. Do đó, mọi cán bộ, đảng viên đều gắn bó mật thiết với Nhân dân, vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ trung thành của Nhân dân, một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, suy thoái thời gian qua chỉ là cá biệt, thiểu số, có thể khắc phục. Tổng kết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm giai đoạn 2012–2022 cho thấy có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, trong đó có hơn 170 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý. Nguyên nhân chính là do thiếu rèn luyện, tu dưỡng, do lòng tham, không biết sợ, cộng với thiếu sự kiểm soát, kiểm tra, giám sát của cấp trên, dẫn đến tự đánh mất mình trước những cám dỗ quyền lực, tiền bạc, vật chất. Những con sâu tham nhũng, suy thoái đó chỉ là số ít trong tổng số hơn 5,2 triệu đảng viên cả nước nhưng đã làm hoen ố danh dự người cộng sản, cần phải loại trừ để hàng ngũ cán bộ trong sạch hơn, Đảng mạnh hơn, giữ vững niềm tin trong Nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ: “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “gặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu tranh giữa các “phe cánh”, hay “đấu đá nội bộ” như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”[4].
Thứ ba, Đảng ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, suy thoái là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thời gian qua, Nhà nước cũng đã ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tham gia và ký kết nhiều văn bản quốc tế về phòng, chống các tệ nạn này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc chiến chống tham nhũng, suy thoái chưa bao giờ diễn ra quyết liệt như hiện nay, thể hiện chủ trương: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không kể cán bộ đương chức hay đã nghỉ hưu, tham nhũng vật chất hay tham nhũng quyền lực. Nhiều vụ việc, cá nhân được phát hiện, xử lý nghiêm minh thể hiện quyết tâm và kết quả bước đầu của phòng, chống tham nhũng, suy thoái. Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng dần được hoàn thiện, trong đó lần đầu tiên đã mở rộng việc phòng, chống tham nhũng sang cả khu vực tư nhân. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận”[5]. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012–2022 (30/6/2022) đã khẳng định: tham nhũng đang từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin trong Đảng và Nhân dân, tạo khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Rõ ràng, mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận cuộc đấu tranh chống tham nhũng “không có vùng cấm” của Đảng ta đều là bịa đặt, mang tính thù địch.
Thứ tư, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước chứ không đơn thuần chỉ là giải quyết vấn đề tham nhũng, suy thoái. Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng như: Chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tại Hội nghị Trung ương 3 khoá VIII (6/1997); Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII, XIII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng,… Đến nay, đội ngũ cán bộ toàn quốc không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, phát triển toàn diện, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước.
Đồng thời, nhận thức rõ việc Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền nên quyền lực chính trị của Đảng rất lớn, vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề kiểm soát quyền lực, luôn xây dựng và thực thi những thiết chế bảo đảm mọi quyền lực của tổ chức và đảng viên đều được kiểm soát, hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng quyền lực dẫn đến lộng quyền. Tiêu biểu như: Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm…
Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, tự mình phải là một minh chứng sống, hiện thân của người cán bộ “liêm, dũng, chính, trực”. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[6]. Làm được như vậy tất yếu sẽ tự đập tan mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, được Nhân dân đặt trọn niềm tin xây dựng Đảng tiên phong và hoàn toàn đủ năng lực lãnh đạo đất nước trong mọi thời kỳ.
Như vậy, quan điểm cho rằng tham nhũng, suy thoái là phổ biến, là bản chất của đội ngũ cán bộ trong Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn sai trái, phản động, vô căn cứ. Cần đẩy mạnh đấu tranh, phản bác quyết liệt hơn nữa những luận điệu sai trái trên nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, bảo vệ danh dự, phẩm chất, uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái hiện nay.
Đàm Thị Hồng
Nhận xét
Đăng nhận xét