Luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần vạch trần, phản bác

Chủ trương đúng, quyết sách hay

Tham ô, tham nhũng, tiêu cực là “những căn bệnh nan y, nguy hiểm” không chỉ gây hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; làm hư hỏng cán bộ, đảng viên; suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; xói mòn lòng tin của nhân dân; làm cho trắng đen, thật giả, đúng sai, phải trái, tốt xấu và các chuẩn mực đạo đức, văn hóa, xã hội “bị đảo lộn”…

Đây là một trong bốn nguy cơ đe dọa sinh mệnh của Đảng, sự an nguy của chế độ, lợi ích quốc gia – dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc chiến đấu trong thời bình” vô cùng gay go, quyết liệt và phức tạp, là “cuộc đấu trí, đấu lý và sức mạnh” giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và thoái bộ; giữa đạo đức cách mạng và kẻ địch “giấu mặt” – những thói hư, tật xấu, tệ tham ô, lãng phí, quan liêu…, những thế lực “ngầm” cản bước, ngăn đường chúng ta đi lên CNXH, phá hoại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, được nhân dân cả nước hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ vì cuộc chiến đấu này đã và đang phát triển đúng định hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Qua thực tiễn tổ chức lãnh đạo, chỉ đạocuộc chiến đấu này, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung, hoàn thiện,đi vào nền nếp, có chiều sâu, đã gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa phòng vớichống”; giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; đấu tranh phòng, chống tham nhũngtiêu cực với phòng, chống các quan điểm sai trái trong lĩnh vực này, đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội ta.

Những ý kiến khác chiều, quan điểm lệch lạc

Thế nhưng, do nhận thức, trình độ hiểu biết và quan niệm khác nhau, lại được các thế lực xấu “hậu thuẫn”, trên các trang mạng xã hội, tài liệu phản động vẫn còn có những ý kiến khác nhau về cuộc chiến đấu cam go, quyết liệt và phức tạp này. Ngoài các thông tin, ý kiến đánh giá tốt, cơ bản đồng tình, ủng hộ; đó đây, vẫn còn không ít ý kiến chưa đồng thuận, thậm chí trái chiều, bài xích, châm chính, xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất đáng để chúng ta suy ngẫm, phải có biện pháp tăng cường xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân vào cuộc chiến đấu không nghỉ, không ngừng.

Gần đây, có ý kiến cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta là “cuộc đấu đá nội bộ”, là “cuộc thanh trừng”, loại trừ lẫn nhau giữa các “phe cánh”, “sự tranh giành quyền lực” giữa phe Đảng với các phe Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các “nhóm lợi ích” của phái miền Bắc, miền Trung và miền Nam” (!) Có ý kiến cho rằng “đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cái cớ để duy trì sự độc tôn, độc quyền, toàn trị của đảng cộng sản”, là “sự thắng thế của phe Đảng đối với phe Nhà nước”, v.v..

Ý kiến khác lại cho rằng “nếu Đảng quá tập trung vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho đội ngũ cán bộ “nhụt chí”, vì lo sợ “mất chức, mất quyền” nên “chùn chân, lùi bước”, không dám nghĩ, dám làm vì sợ trách nhiệm “sợ sai lầm trong quá khứ bị khui ra”, “lòi đôi tay nhúng chàm và cái đuôi tham nhũng trước đây”; vả lại, “làm nhiều thì khuyết điểm nhiều, lại không thể chia nhau lợi ích, nhận quà biếu xén” nên tạm “dừng tay, nghe ngóng, chờ thời”. Đây là nguyên nhân của sự trì trệ, “chậm giải ngân” trong thời gian qua; đã làm “chậm” sự phát triển của đất nước.

Một số ý kiến khác lại cho rằng giữa tham nhũng và tiêu cực không có liên hệ gì với nhau, vì “tham nhũng là tham nhũng”, “tiêu cực là tiêu cực”, mỗi loại có phạm vi, mức độ, đối tượng khác nhau; không thể cấy ghép hai thứ này vào với nhau “thành một phạm trù” để bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, tăng thêm quyền lực cho Tổng Bí thư, cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; làm như thế là phình to bộ máy, đưa “tay chân”, “cánh hẩu vào tổ chức này để tăng cường lực lượng, tạo uy thế so với các nhóm lợi ích đảng” và “bội chi ngân sách, tăng gánh nặng cho dân”.

Có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với động cơ sai, dụng ý xấu; cho rằng tham nhũng, tham ô, nhũng nhiễu là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có. Đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, của “chế độ đảng cộng sản độc quyền, toàn trị”. Hơn nữa, “các quốc gia văn minh cũng tiến hành đấu tranh chống tham nhũng nhưng không đạt hiệu quả”.

Từ đó, họ cho rằng “tham nhũng là một phần tất yếu của cuộc sống”; “xã hội cần có nó để có dân chủ, các phe phái kiểm soát lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau”. Vì thế, không nhất thiết phải thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; không cần gán ghép “tham nhũng” với “tiêu cực”; không cần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; không cần “chạy đôn chạy đáo” làm gì cho mệt sức, tốn công, tốn kém tiền thuế của dân; để công sức, tiền của làm việc khác, v.v..

 Xu thế tất yếu khách quan, không thể đảo ngược

Phải nói ngay rằng các ý kiến nêu trên là sai trái, tỏ rõ “thái độ coi thường Đảng, khinh nhờn pháp luật Nhà nước”, là sự phản ứng tiêu cực với cách nhìn phiến diện, một chiều, thiếu trách nhiệm, luôn “bàn lùi”, “phá ngang”, chẳng khác gì “những kẻ chọc gậy bánh xe”, “nhăm nhe phá đám”, là sự đồng lõa với các xấu, cái ác; cản trở tiến bộ xã hội; chống đối chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 Những người này chỉ là số ít, phần lớn là những phần tử cơ hội, bất mãn, có thâm thù với chế độ; không thỏa mãn với sở thích, ý muốn của cá nhân nên đã theo đuôi bọn xấu; cố tình không hiểu hoặc không muốn thừa nhận quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là khi cuộc chiến đấu này do Đảng lãnh đạo đã trở thành phong trào, một xu thế không thể đảo ngược, phản ánh đúng “lòng dân, vận nước”; được đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân đồng tình, ủng hộ; được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

 Chúng ta cực lực phản đối các quan điểm sai trái, thái độ, hành vi, lời nói, phát ngôn thiếu trách nhiệm, luôn bài xích, kích động, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như phủ nhận sự cần thiết phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xuyên tạc vai trò, trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân “đứng nơi đầu sóng, ngọn gió” và tự giác, tự nguyện tham gia cuộc chiến đấu này.

Người có lương tâm và liêm sỉ chắc chắn là không bao giờ chấp nhận, tha thứ cho những hành vi ăn cắpăn bớt, ăn chặn của công; lấy tiền tài, của cải, vật chất của tập thể để làm của riêng hoặc lợi dụng chức quyền đểo ép người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ, dưới nhiều hình thức… với động cơ không trong sáng; dùng những đồng tiền bất lương để tiêu xài, ăn chơi xa sỉ, làm giàu bất chính và cực lực phản đối các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo.

Đặc biệt, sẽ là sai lầm nếu ai đó lợi dụng uy quyền, chức vụ đang nắm giữ để “rung chà cá nhảy”, “thả thính, quăng chài” nhằm vơ vét, làm giầu cho cá nhân, gia đình, ê kíp, lợi nhóm; sử dụng tiền, vàng có được để xây nhà lầu, “biệt thự, phủ chúa”, sắm xe hơi sang trọng, dùng đồ đắt tiền, cho con cháu đi du học nước ngoài với chi phí hàng trăm ngàn đô la mỗi năm, trong khi đất nước còn nghèo, dân còn khổ; đồng lương chỉ đủ sống… Chúng ta cần phải vạch mặt, chỉ tên những người tung tin xấu, độc; kiên quyết đưa “lũ sâu mọt” ra ánh sáng, phải nghiêm trị chúng theo đúng pháp luật Việt Nam…

Tham nhũng và tiêu cực dính chặt vào nhau, cùng tương tác, gây hại cho dân, cho nước. Tham nhũng và tiêu cực không phải là “hai lĩnh vực khác nhau” như một số người suy nghĩ “siêu hình”, viết bài, tung tin “bào chữa”, bênh vực cho hành vi sai trái ấy.So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơnlà những hành vi có liên quan đến tham nhũng; đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.Còn tham nhũng,đương nhiên là một loại hành vi tiêu cực nhưng do người có chức, có quyền thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sốngcó mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vào hùa với nhau phá hoại công cuộc đổi mới đất nước.

Nguồn gốc sản sinh ra tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo  đức, lối  sống. Ở đây, tiêu cực là môi trường làm nảy  sinh tham nhũng và chính tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Nó giống như “một con đỉa hai vòi – một vòi là tham nhũng, vòi kia là tiêu cực”. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực phải gắn chặt với phòng chống tham nhũng, phải chặt đứt cả hai vòi của con đỉa. Cần phải xác định cho rõ: phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là đặc biệt cần thiết vì nó là gốc của tham nhũng; không thể tách rời hai vấn đề trên. Vì lẽ đó, Đảng ta phải huy động sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cả hệ thống chính trị để cùng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phản bác các quan điểm sai trái trong lĩnh vực này.

Đến nay, điều đáng mừng là “trên nóng dưới cũng nóng”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc bởi tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng đi vào hoạt động, đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ.

Sự thật nói lên tất cả; phẩm giá khẳng định niềm tin

Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai, hễ vướng vào tham nhũng và hành vi bao che cho nó cho dù nó có chạy trốn ở đâu cũng không thể thoát tội. Tính nhân văn, nhân đạo của việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, là để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính nhằm thực hiện “bốn không”: “không thể” – “không dám” – “không muốn” – “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Ai đó xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc đấu đá nội bộ”, “thanh trừng lẫn nhau” là hết sức vô lý, không thể chấp nhận.

Có thể khẳng định các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hợp lòng dân, vận nước, đúng ý Đảng; là sự tự giác, tự tin cùng vào cuộc đấu tranh, thể hiện sự thống nhất cao về ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; biểu hiện đáng mừng nhất là trong công tác cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, địa phương, “thân quen”, “cánh hẩu”, “lợi ích nhóm” đã giảm hẳn; các luận điệu tuyên truyền sai trái về vấn đề này đã được người dân cảnh giác cao.

Luận điệu cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “cuộc đấu đá nội bộ”, “thanh trừng lẫn nhau” là vu cáo, xuyên tạc sự thật. Nếu như có hiện tượng ấy thì làm sao lòng dân, vận nước hưng thịnh, nhân dân ta có được sự đoàn kết, thống nhất như hôm nay; làm sao nước ta có được cơ ngơi, tiền đồ, tiềm lực, uy tín, vị thế quốc tế như bây giờ.

Hãy nhìn lại tất cả các vụ xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự của Nhà nước trong hơn 10 năm qua đều đã cho thấy rõ quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta mạnh mẽ biết dường nào. Đảng ta đã nói là làm; nói được, làm được. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế. Hãy xem xét kỹ các số liệu, tài liệu về kết quả 10 năm kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam (2013-2023) có thể khẳng định chân lý. Sự thật nói lên tất cả; phẩm giá khẳng định niềm tin; uy tín, danh dự người đảng viên là điều thiêng liêng nhất. Các luận điệu sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thất bại; không thể ngăn bước, cản đường chúng ta đi tới (!).




Nhận xét