Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng

 (VTC News) - 

Trước đây, Đảng chủ yếu quan tâm tác hại trước mắt, nay Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn của tham nhũng, tiêu cực là làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của dân.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” vừa ra mắt đúng dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng vừa qua, là cuốn sách thứ 2 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cuốn sách đầu tiên về chống tham nhũng của Tổng Bí thư được xuất bản vào năm 2019 với tiêu đề “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng”.

Nếu như cuốn sách đầu tiên giúp độc giả hiểu rõ thêm về những kết quả đạt được, những kinh nghiệm cũng như sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì cuốn sách thứ hai có thể coi là cuốn cẩm nang về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng - 1

Bà Phạm Thị Thinh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Cẩm nang về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

- Với hơn 600 trang, gần 100 hình ảnh minh họa, được trình bày theo phong cách báo chí hiện đại, chia thành 3 phần, điểm mới trong cuốn sách thứ hai của Tổng Bí thư về chống tham nhũng là gì, thưa bà?

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” có các điểm mới cơ bản đó là:

Thứ nhất, cuốn sách tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, khẳng định những kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm và gợi mở những giải pháp trong giai đoạn tới.

Thứ hai, cuốn sách cho thấy rõ những bước tiến mới về tư duy lý luận của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là cái gốc của tham nhũng. Vì vậy, Tổng Bí thư kết luận: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.  

Thứ ba, cuốn sách cũng khẳng định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, với nhiều cách làm sáng tạo, khoa học, bài bản, chắc chắn; nhiều quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã được khẳng định, phát huy hiệu quả trên thực tế, được cụ thể hóa, thể chế hóa thành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Thứ tư, cuốn sách thể hiện theo phong cách báo chí, hiện đại, sinh động, đặt câu hỏi lớn để dẫn giải và đặt các câu hỏi nhỏ rồi lần lượt trả lời, rất cuốn hút người đọc, mỗi vấn đề đều có tiêu đề nhỏ để truyền tải những thông điệp quan trọng; các thông tin, số liệu được sơ đồ hóa, có hình ảnh minh họa… nhưng vẫn mang đậm tính chính luận.

- Rất nhiều người cho rằng cuốn sách của Tổng Bí thư có thể coi là cuốn cẩm nang về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Dưới góc độ của Nhà xuất bản, theo bà, những yếu tố nào cho thấy đây là một cuốn cẩm nang?

Dưới góc độ của người làm xuất bản và trực tiếp tham gia biên tập cuốn sách, tôi nghĩ cuốn sách này là xứng đáng là cuốn cẩm nang, bởi lẽ:

Cuốn sách đã đưa đến cho bạn đọc những thông tin chính thức về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng trong thời gian qua, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về công cuộc quan trọng này; củng cố niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cuốn sách hệ thống những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua. Bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách các chỉ đạo của Tổng Bí thư qua từng phiên họp, cuộc họp Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo;= hoặc các số liệu về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua hoặc là lý giải tại sao cùng với chống tham nhũng, lại phải chống cả tiêu cực; rồi các bài học kinh nghiệm, các giải pháp về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới…

Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng - 2

Cuốn sách thứ 2 của Tổng Bí thư về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng

- Như trên bà đã chia sẻ, cuốn sách còn thể hiện rất rõ bước tiến mới về tư duy lý luận của Đảng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vậy những tư duy mới ở đây là gì?

Khi biên tập cuốn sách, đọc kỹ và thấm từng lời của Tổng Bí thư, chúng tôi thấy cuốn sách thể hiện rõ bước tiến mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là:

Một là, Đảng đã nhận diện đúng và ngày càng rõ ràng hơn về tham nhũng, tiêu cực. Trước đây, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu tập trung vào các hành vi: tham ô, chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản nhà nước và nhận hối lộ, đưa hối lộ. Nay, tham nhũng được xác định là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực, vì tiêu cực là căn nguyên dẫn đến tham nhũng.

Phạm vi tham nhũng cũng được mở rộng, trước đây chỉ tập trung phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thì nay, phòng chống cả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xác định đây là cái gốc của tham nhũng. Trước đây, tham nhũng chỉ tập trung ở khu vực nhà nước thì nay được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Sự cấu kết giữa những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất trong khu vực nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước là một dấu hiệu có tính phổ biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Do đó, Đảng đã từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Hai là, xác định rõ tác hại của tham nhũng, tiêu cực và vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trước đây, Đảng ta chủ yếu quan tâm đến tác hại trước mắt, về vật chất (kinh tế, tiền bạc), nay Đảng nhìn rõ hơn tác hại tiềm ẩn, khôn lường của tham nhũng, tiêu cực là làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cuối cùng là mất chế độ. Đảng đã nhiều lần chỉ rõ, tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước” (Đại hội VI); “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước” (Đại hội XI); “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước” (Đại hội XII).

Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (Đại hội XIII).  

Trước đây, Đảng ta xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta”; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nhận thức là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đặc biệt, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được gắn với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Như Tổng Bí thư đã chỉ rõ: nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Vì vậy, phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng. Đây là lý do từ tháng 9/2021 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chỉ đạo cả công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tiêu cực.

Ba là, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, với nhận thức: đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đảng ta đã đề ra mục tiêu tổng quát, định hướng toàn bộ phương châm, tư tưởng hành động và các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đó là: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí, mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bốn là, cùng với xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, bảo đảm nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Thực tiễn cho thấy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực càng đi vào chiều sâu, quan điểm chỉ đạo của Đảng ngày càng thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt, mạnh mẽ với tham nhũng, tiêu cực. Điểm đột phá và cũng là dấu ấn nổi bật, đó là công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực đã được Đảng chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, nghiêm minh từ trên xuống dưới, nhưng qua đó cũng rất nhân văn.

Năm là, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đảng đã rất chú trọng công tác xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Từ năm 2012 đến nay, Trung ương Đảng và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối đầy đủ, cần sự thống nhất cao về ý chí, hành động và tổ chức thực hiện để bảo đảm hiệu quả.

Tham nhũng là vấn nạn của nhiều quốc gia, do vậy Đảng đã chỉ đạo từng bước đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ các đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài.

- Qua quá trình tham gia biên tập cuốn sách, bà nhận thấy thông điệp Tổng Bí thư muốn nói đến trong cuốn sách là gì?

Đọc toàn bộ cuốn sách thì thấy, thông điệp của Tổng Bí thư về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là phải nhất quán phương châm: không dừng, không nghỉ, phải làm lâu dài, quyết liệt, kiên trì, bền bỉ và đồng bộ; phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, gắn kết chặt chẽ giữa phòng và chống, giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trong đó phòng là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Đây cũng là lý do để trong cuốn sách có phần thứ hai, tuyển chọn những bài viết tiêu biểu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư viết từ năm 1973. Đọc 22 bài viết này thì thấy, không phải đến khi làm Tổng Bí thư rồi, đồng chí Nguyễn Phú Trọng mới quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, mà từ khi còn là biên tập viên, mới 29 tuổi, đồng chí đã có những bài viết rất sắc sảo về công tác xây dựng Đảng.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với “chống” là “xây”, cùng với “đẩy lùi” là “ngăn chặn”, cùng với xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc là phòng ngừa, giáo dục, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực, làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cán bộ, đảng viên; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với phòng, chống tiêu cực, với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bởi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng; lợi ích về kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, với chức vụ, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc gian nan, khó khăn và lâu dài, không phải của riêng một người, một cơ quan hay một ngành, mà là công việc của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

- Xin cảm ơn bà!

THANH HÀ(VOV.VN)

Nhận xét