Ý nghĩa Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam là không thể xuyên tạc

 Trong thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước thường xuyên lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, chúng coi đây là một trong những mũi tiến công chủ đạo nhằm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Đáng chú ý trên không gian mạng, chúng trắng trợn xuyên tạc ý nghĩa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Chúng cho rằng Nhà nước Việt Nam ban hành Luật “không để phục vụ nhân quyền mà chỉ để phục vụ cho sự cai trị của đảng cộng sản…”. Những người đưa ra luận điệu trên chứng tỏ họ chẳng hiểu gì về tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Cần phải khẳng định rằng, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền nhân thân cơ bản của con người. Điều này không chỉ được thể hiện rất rõ ràng trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà còn được quy định cụ thể trong hệ thống luật pháp của các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16-12-1966 (Việt Nam đã tham gia Công ước này ngày 24-9-1982), ghi rõ: “1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm tự do có theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do bày tỏ tín ngưỡng, tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo; 2. Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng; 3. Quyền tự do bày tỏ tôn giáo, tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức của công chúng hoặc những quyền tự do cơ bản của người khác.”

Trên cơ sở Công ước quốc tế và điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội lịch sử truyền thống của mỗi quốc gia, các nước trên thế giới đều ban hành những quy định pháp lý về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Trên thế giới không có nơi nào tín ngưỡng, tôn giáo đứng ngoài pháp luật, hoạt động theo kiểu tự do vô tổ chức mà đều có những hạn chế theo luật pháp quy định vì một nền trật tự an ninh chung, vì sức khỏe hay đạo đức cộng đồng hoặc vì sự bảo vệ các quyền và tự do của người khác.

Chẳng hạn ở châu Âu, Cộng hòa Pháp được xem là một trong những quốc gia có nhiều thành tựu về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng đây cũng là quốc gia có hệ thống pháp luật đầy đủ và chi tiết nhất về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đạo luật ngày 09-12-1905 của nước này ghi rõ: “Nền Cộng hòa bảo đảm quyền tự do lương tâm, bảo đảm quyền tự do thực hành các việc thờ phụng với những hạn chế duy nhất được ban bố… vì lợi ích trật tự công cộng” (Điều I). Tại Điều 25 của Đạo luật trên cũng ghi: “Các cuộc hội họp để cử hành một việc thờ phụng được điều hành trong những trụ sở thuộc một hiệp hội tôn giáo… là công cộng. Chúng được đặt dưới sự giám sát của nhà chức trách vì lợi ích của trật tự công cộng”.

Tương tự ở châu Á, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là một nước có truyền thống tín ngưỡng, văn hóa lâu đời. Nghị định 145 ngày 31/01/1994 của nước này quy định: “Các nơi hoạt động tôn giáo phải đăng ký theo thể thức do Cục Tôn giáo Quốc gia ấn định. Các nơi đó không thể do người nước ngoài điều khiển. Các nơi thờ tự không được nhận tiền bạc của các tổ chức và cá nhân từ nước ngoài gửi về. Tiền bạc do người nước ngoài tặng hoặc dâng cúng phải được tiếp nhận theo luật pháp quốc gia… Nghị định 144 ngày 31/01/1994 của Trung Quốc cũng quy định: “Cấm người ngoại quốc không được thành lập các tổ chức tôn giáo và các cơ cấu phụ thuộc tôn giáo… không được hoạt động truyền đạo trong nhân dân trừ phi được phép của chính quyền. Cấm người nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc các sách, báo và tài liệu tôn giáo. Các tài liệu khác như sách tôn giáo, băng video, cát-sét tôn giáo thì được phép mang theo và chỉ sử dụng riêng cho bản thân”.

Còn ở Việt Nam, sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ (9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chính sách “tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết”. Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cũng đã nêu rõ: “Mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Đến bản Hiến pháp năm 1959, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được tái khẳng định và mở rộng hơn, trong đó quy định: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26).


Sau khi đất nước thống nhất, Hiến pháp năm 1980 đã ghi: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 80). Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước” (Điều 70).

Bước vào thời kỳ đẩy CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013, hiến định một cách toàn diện hơn các quyền chính trị, dân sự của người dân; trong đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện khá toàn diện và đầy đủ, đảm bảo dân chủ, tôn trọng và tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người được thực hành tín ngưỡng và tôn giáo của mình. Điều 24 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Hệ thống các văn bản pháp luật, pháp lệnh, chỉ thị về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam thường xuyên được chú trọng xây dựng và hoàn thiện nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước về tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phù hợp với với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Có thể khẳng định rằng pháp luật Việt Nam hiện nay hoàn toàn phù hợp với những chuẩn mực quốc tế có liên quan đến lĩnh vực này. Chính điều đó đã đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân phù hợp với Công ước quốc tế và ngang tầm với luật pháp của nhiều nước có nền pháp chế lâu đời. Nhà nước Việt Nam không những tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn giúp đỡ nhân dân thực hiện quyền lợi ấy. Đồng thời cũng như mọi quốc gia trên thế giới pháp luật Việt Nam sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những việc khác trái pháp luật.

Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo hộ cơ sở vật chất như chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, điện, đền, trụ sở của tổ chức tôn giáo, trường lớp tôn giáo; kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng của tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước ta vừa nghiêm cấm việc kỳ thị hoặc xúc phạm người có tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời cũng nghiêm cấm việc lợi dụng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lạm dụng tôn giáo để làm trái pháp luật. Nếu những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm nghiêm trọng pháp luật như gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đến trật tự công cộng, ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đến truyền thống văn hóa dân tộc… có thể bị đình chỉ. Quy định như vậy chính là đảm bảo cho những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng những nhu cầu chính đáng của quần chúng nhân dân, không bị các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái với thuần phong, mỹ tục làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, sức khỏe, nhân phẩm, tiền bạc của nhân dân…chứ hoàn toàn không phải chỉ để “phục vụ cho sự cai trị của đảng cộng sản…” như giọng điệu của các thế lực thù địch, phản động từng xuyên tạc, rêu rao./.

Nhận xét