Khi hoa mận đã nở trắng sườn đồi thôn Nặm Cáp, xã Công Bằng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cũng là lúc gia đình anh Hoàng Văn Khìn, 39 tuổi, dân tộc Mông trong thôn soạn sửa đón Tết.
"Tết năm nay ấm rồi nhà báo ạ, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an, chúng tôi có nhà tình nghĩa chắc chắn, mưa gió hay sét to cũng không sợ nữa...", anh Khìn phấn khởi chia sẻ khi tôi theo chân Đoàn công tác của Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Bắc Kạn và Công an huyện Pác Nặm thăm, tặng quà Tết Nguyên đán Quý Mão cho đồng bào.
Pác Nặm là một trong những huyện vùng cao xa xôi, khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, cách TP Bắc Kạn hơn 90km về phía Tây Bắc. Đường đi quanh co, đèo dốc với nhiều đoạn gấp khúc, cua tay áo khiến chúng tôi mất gần 2 giờ đồng hồ mới đến được trung tâm huyện. Từ huyện vào xã Công Bằng thêm hơn chục cây số đường khúc khuỷu, xe nảy xóc liên tục. Còn đi bộ vào thôn Nặm Cáp là đoạn đường đất bùn lầy trơn trượt, qua những dốc cao dựng đứng, rất dễ trượt ngã mới tới ngọn đồi nhà anh Khìn - nơi người Mông hay sinh sống theo phong tục, tập quán.
Trong không gian lạnh buốt của núi đồi, nơi gia đình anh Khìn sinh sống mới thấy ngôi nhà màu trắng, mái tôn xanh, khang trang mà Đại tá Hà Văn Tuyên, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn quyết định hỗ trợ xây tặng trong một lần đi công tác chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh có ý nghĩa thiết thực. Ôm chầm lấy Đại uý Giàng Văn Sa, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Pác Nặm như người thân lâu ngày không gặp, anh Khìn say sưa "buôn chuyện", kể về ngôi nhà mới, kế hoạch đón Tết, gói bánh chưng... Đúng là từ mênh mông giá lạnh bước vào nhà ấm hẳn, dù đồ đạc còn sơ sài, giường chiếu mỏng manh, nhưng anh Khìn bảo "vậy là ấm lắm rồi" khi chỉ tay so với căn bếp ghép lại từ số gỗ, nứa từ ngôi nhà cũ xiêu vẹo với những khe hở lớn nghe rõ tiếng gió rít từng cơn.
Rót chén rượu ngô hồ hởi mời khách, anh Khìn kể lại chuyện từng tham gia tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình: "Từ những năm 1989, cha mình đã theo rồi, thì lớn lên mình cũng theo. Nhưng nghĩ lại theo Dương Văn Mình không được cái gì, nhà vẫn nghèo, không đủ ăn, đủ mặc...". Tham gia tổ chức bất hợp pháp theo kiểu "cha truyền con nối", trước anh Khìn cũng giúp sức tích cực cho tổ chức, thường xuyên tham gia các nghi lễ... Thế nhưng, sau đó, được sự tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an, gia đình anh dần chuyển biến cả về tư tưởng và hành động.
Đại uý Giàng Văn Sa cho hay, trước đây, toàn huyện Pác Nặm có 49 hộ, 277 khẩu theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, cư trú tại 7 thôn, 5 xã và 8 đối tượng cốt cán, tích cực, thường xuyên bàn bạc tái dựng "nhà đòn", viết đơn khiếu kiện, không tham gia các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tổ chức "Tết chung"... nhằm khuếch trương thanh thế, gây sức ép đòi công nhận tổ chức bất hợp pháp. Sau khi thực hiện Đề án của Chính phủ, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, hiện Pác Nặm đã xoá hoàn toàn 5 thôn, 3 xã bị ảnh hưởng, nay chỉ còn 13 hộ, 78 khẩu và không có hoạt động nổi cộm, phức tạp liên quan đến ANTT...
"Đặc thù địa bàn bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình chủ yếu ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Mông, trình độ nhận thức và kiến thức pháp luật còn hạn chế. Trong tư tưởng của họ, có "một đấng siêu nhiên" nào đó có thể giúp được, họ tin là theo Dương Văn Mình sẽ có kết quả, được giúp đỡ. Và số tin theo chủ yếu thuộc dòng họ Hầu, họ Lý, họ Hoàng, họ sống gắn kết trong dòng họ, dòng tộc", Đội trưởng An ninh Công an huyện Pác Nặm thông tin.
Trước tình hình ấy, Công an huyện đã tham mưu Huyện uỷ, UBND huyện và các cơ quan ban, ngành đồng tình vào cuộc; thành lập các tổ công tác của huyện gồm các đồng chí trong Thường vụ Huyện ủy trực tiếp phụ trách địa bàn, trực tiếp chỉ đạo các tổ công tác; lãnh đạo các phòng, ban của Huyện ủy, UBND huyện trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động. Để có được kết quả tốt đẹp ngày hôm nay, Đại úy Giàng Văn Sa hay Thượng úy Hoàng Văn Lành, cán bộ Đội An ninh; Đại úy Mã Quang Thái, cán bộ Phòng An ninh nội địa... cùng nhiều cán bộ khác đều đã "mòn gót chân" trên các tuyến đường bám thôn, bám bản, thăm gặp, vận động bà con nhân dân.
Riêng Đại úy Giàng Văn Sa là người Mông tại địa bàn, với 15 năm công tác, biết 6 thứ tiếng dân tộc: Mông, Kinh, Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ thì như thể là "người trong nhà" của bà con nơi đây. "Đặc thù công việc phải gần gũi quần chúng nhân dân, đến gặp người dân tộc nào phải giao tiếp với họ bằng tiếng dân tộc ấy, đặc biệt có những đồng bào không biết tiếng phổ thông nên mình phải học. Trong mấy thứ tiếng thì Sán Chỉ nói khó nhất ", anh chia sẻ. Quá trình đến nhà người dân tuyên truyền, vận động, nhiều trường hợp có niềm tin sâu sắc vào tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đến mức gần như cuồng tín nên đôi khi họ có những lời nói, hành động không hay. Tuy nhiên, anh và đồng đội vẫn kiên trì vận động, đi lại nhiều lần, tìm nhiều cách thuyết phục...
Và quả nhiên, tâm sức của các anh đã được đền đáp khi những hộ dân như anh Hoàng Văn Khìn cũng dần nhận ra. "Trước kia theo Dương Văn Mình, mình cứ phải tiêu tiền, giờ thấy không hiệu quả nên từ bỏ luôn. Theo Đảng, Nhà nước thì được hỗ trợ một ngôi nhà tình nghĩa như thế này mình rất phấn khởi, yên tâm lao động, sản xuất. Giờ họ Hoàng của mình sắp bỏ hết rồi. Trước mình mà biết cái sai thì đã không khổ như này rồi...", anh Khìn chia sẻ thêm.
Câu chuyện đang dở thì chị Sầm Thị Sí, vợ anh Khìn đi lấy lá dong về chuẩn bị gói bánh chưng. Chị là người Mông không biết tiếng Kinh, nhưng nhờ anh Sa "phát sóng ngắn" và phiên dịch thì tôi hiểu rằng, chị đang mời các cán bộ cùng gói và nấu bánh chưng. Anh chị là hộ nghèo trong xã, thiếu đất canh tác nên cuộc sống rất khó khăn, chủ yếu làm thuê kiếm sống qua ngày. Vợ chồng có 3 người con thì con gái đã lập gia đình, có hai cháu ngoại; hai con trai đi làm thuê các tỉnh đến Tết mới về. "Tết này có nhà mới ấm áp, biết đâu lại có dâu mới...", anh Khìn cười vui, cạnh bên chị Sí cũng tủm tỉm hạnh phúc. Một không khí gần gũi, đầm ấm, tiếng cười nói rổn rảng khi Đại uý Giàng Văn Sa cùng xắn tay áo gói bánh chưng với vợ chồng anh Khìn...
Rời nhà anh Khìn, đoàn đến nhà anh Hầu Văn Vành, 38 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, tuy khác xã nhưng chỉ cách một quả đồi. Trao những món quà Tết ý nghĩa đến gia đình anh Vành trong ngôi nhà mới hoàn thiện nhờ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, các thành viên Đoàn công tác ai nấy đều vui mừng trước sự đổi thay của những người Mông nơi đây. Tất bật pha nước mời Đoàn, chị Lý Thị Chậư, vợ anh Vành cho biết, mùa đông năm nay, anh chị yên tâm không bị rét nữa. Vất vả mưu sinh với 5 người con, đứa lớn 18 tuổi, đứa bé mới 5 tuổi, chị Chậư trông già dặn và khắc khổ hơn nhiều so với tuổi 36. "Đi theo Dương Văn Mình thì làm gì được hỗ trợ xây nhà như thế này, chúng tôi biết ơn Đảng, Chính phủ nhiều lắm", chị nói.
Bên bếp lửa bập bùng, anh chị kể về việc từ bỏ không tin, không nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Cùng với đó là sự quan tâm, chăm lo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, của những CBCS Công an huyện Pác Nặm, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Bắc Kạn giúp anh chị thu hoạch mùa màng, dựng lợp nhà cửa khi mưa bão trước đây, hay những buổi chập choạng tối đến nhà tuyên truyền, vận động sau khi anh chị đi làm thuê từ nơi xa về...
Rời nhà anh Vành hơn 18h, trời xẩm tối khi các hộ dân bắt đầu lên đèn và sương xuống mỗi lúc một dày khiến không khí đậm đặc, rét buốt, nhưng trong lòng chúng tôi trào lên một cảm giác chộn rộn khó tả. Đoàn công tác rảo bước xuống núi trong bảng lảng khói bếp nhà ai nấu bánh chưng toả hương ấm áp
Nhận xét
Đăng nhận xét