Sáng 21/2, tôi gặp Đại úy Đỗ Hữu Hiến, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an Hà Nội, một thành viên trong đoàn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đại úy Hiến đã có những chia sẻ về lần đầu thực hiện công tác cứu hộ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ của anh và đồng đội.
Sự bỡ ngỡ trong lần đầu thực hiện nhiệm vụ tại nước ngoài
Lần đầu tham gia công tác cứu hộ thảm họa động đất và lại là ở nước ngoài, trên một địa hình hoàn toàn xa lạ, Hiến cho biết bản thân anh và nhiều đồng đội không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng đứng trước nhiệm vụ được giao, không ai chùn bước bởi họ đều hiểu, dưới những đống đổ nát tại nước bạn có thể còn có những sinh mạng đang chờ được giải cứu.
"Đã có kinh nghiệm trong công tác này nhưng trước khi lên đường, tôi vẫn tự hỏi, sang nước bạn mình sẽ phải bắt tay vào công việc như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cũng như làm sao để tạo dựng hình ảnh tốt về người cán bộ Công an Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế", Đại úy Hiến cho biết.
Khi tới nơi, Đại úy Hiến và đồng đội không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến một khung cảnh hoang tàn do động đất gây ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều năm công tác, từng tham gia cứu người mắc kẹt trong các công trình sập đổ song khi nhìn thấy những ngôi nhà tại thành phố Adiyaman giờ chỉ còn là đống đổ nát, Đại úy Hiến mới cảm nhận hết được về sức tàn phá của thảm họa tự nhiên này.
Sự bỡ ngỡ không chỉ đến với Đại úy Hiến và đồng đội mà còn cả với gia đình anh. "Bố mẹ có chút lo lắng khi tôi phải đi công tác rất gấp như thế. Từ lúc tôi lên đường, gia đình luôn theo dõi tin tức về tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dù đã quen với công tác của tôi nhưng mọi người vẫn lo khi biết tại nước bạn vẫn còn dư chấn của động đất", Đại úy Hiến cho hay và chia sẻ thêm rằng, ngay sau khi đặt chân tới nước, anh và đồng đội cũng có liên lạc về nước dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ trận động đất khiến hạ tầng viễn thông tại Thổ Nhĩ Kỳ bị tàn phá.
Cũng theo Đại úy Hiến, may mắn với anh trong lần thực hiện nhiệm vụ này là có được sự chia sẻ cảm thông từ gia đình mà đặc biệt là vợ. Người bạn đời của Đại úy Hiến là một cán bộ thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng, từng công tác tại Nam Sudan nên chị hiểu và đã động viên chồng yên tâm lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Trải qua chuyến bay hơn 10 tiếng, Đại úy Hiến và đồng đội đặt chân tới nước bạn, sau đó họ di chuyển thêm 300 km nữa đến tới khu vực thực hiện nhiệm vụ. Trên đường di chuyển, chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát do trận động đất gây ra, anh và đồng đội có thêm quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ.
2h sáng phân đội của tới nơi. Đoàn cứu hộ phân công một nhóm đi khảo sát hiện trường, trong khi nhóm còn lại tiến hành công tác chuẩn bị. Đại úy Hiến và đồng đội thuộc nhóm thứ 2 bắt tay vào dựng trại, chuẩn bị các phương tiện để tham gia cứu hộ. "Từ lúc tới nơi cho đến sáng, anh em bắt tay ngay vào công việc nên cũng không có thời gian chợp mắt", Đại úy Hiến chia sẻ.
Với kinh nghiệm công tác của bản thân, Đại úy Hiến cho biết, anh không quá bất ngờ khi đứng trước những công trình sập đổ tuy nhiên điều khiến anh day dứt chính là hình ảnh người dân nước bạn xuất hiện xung quanh."Tôi và đồng đội đều cảm thấy xúc động khi bắt gặp hình ảnh những người dân đứng đợi lực lượng cứu hộ bên cạnh các ngôi nhà bị sập. Chúng tôi biết họ đang chờ để lực lượng cứu hộ tới giải cứu người thân đang mắc kẹt bên trong", Đại úy Hiến nhớ lại.
Thời tiết tại nước bạn cũng là một trong những yếu tố gây bất ngờ cho Đại úy Hiến và đồng đội. Ban ngày cũng có lúc nhiệt độ dưới không độ C, còn ban đêm thì nhiệt kế có thể báo từ -4 đến -6 độ C. “Tại hiện trường, hệ thống cấp nước bị phá hủy khá nặng, chúng tôi chia nhau sử dụng nước đóng chai do nước bạn cấp, có những buổi sáng anh em cầm chai nước nên thì thấy cả băng đá bên trong”, Đại úy Hiến chia sẻ.
Tạo ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế
Cùng đồng đội tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại úy Hiến cho biết, điều anh ấn tượng nhất chính là tình cảm bạn bè quốc tế giành cho cán bộ Công an Việt Nam. Dù bất đồng về ngôn ngữ nhưng nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ khi biết đoàn cán bộ PCCC&CHCN Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ đều dùng cử chỉ để bày tỏ tình cảm.
"Nhiều người dân sở tại khi nhìn thấy đoàn cán bộ PCCC&CNCH Việt Nam đã đưa tay lên ngực trái như một cách để cảm ơn", Đại úy Hiến cho biết và chia sẻ thêm rằng bản thân anh rất xúc động khi đọc được dòng chữ "Việt Nam anh hùng" được một số người dân dùng điện thoại thông minh dịch ra tiếng Việt.
Sở dĩ người dân sở tại và bạn bè quốc tế ấn tượng đến thế về đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam là bởi họ đã tận mắt chứng kiến những nỗ lực không biết mệt mỏi của các CBCS Việt Nam khi thực thi công tác mà theo Đại úy Hiến nói đùa rằng anh em đã rất "nhiệt". Theo chia sẻ của Đại úy Hiến, đoàn cứu hộ chia thành hai ca, nhóm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ từ sáng cho đến khoảng 15-16h chiều, nhóm thứ hai sẽ tiếp tục cho đến đêm.
“Có những đêm chúng tôi làm việc cho đến 3-4 giờ sáng. Cũng có những buổi sáng anh em còn đến sớm hơn cả nhân viên nước bạn”, Đại úy Hiến cho biết.
Vào ngày 12/2, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tại vị trí tòa nhà trên đường 531, Adiyaman Merkez, TP Adiyaman, lực lượng cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Đoàn cứu nạn của Pakistan đã tìm thấy và giải cứu an toàn một một bé trai khoảng 17 tuổi sau nhiều ngày bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Đại úy Hiến cho biết, anh và đồng đội coi điều này như phần thưởng cho những công sức và nỗ lực đã bỏ ra.
Theo Đại úy Hiến, khi đưa được cháu bé ra khỏi đống đổ nát, cả đoàn không giấu được niềm vui. “Khi đưa được cháu bé ra khỏi đống đổ nát, CBCS đang thực hiện nhiệm vụ cũng như những người trực tại sở chỉ huy đều không giấu nổi niềm vui. Đã từng phát hiện và di chuyển thi thể nhưng hôm nay chúng tôi đã cứu được một sinh mạng”, Đại úy Hiến không giấu được xúc động khi kể với tôi về giây phút đó và cho biết mọi người trong đoàn ai cũng cảm thấy vui và tự hào về khoảnh khắc đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét