(ĐCSVN) – Thời gian qua, lợi dụng Internet và mạng xã hội, nhiều đối tượng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá, nói xấu Đảng, Nhà nước; vu khống, bôi nhọ, phủ nhận thành quả cách mạng, gây hiểu nhầm, làm mất đoàn kết nội bộ và làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước… Trước thực trạng đó, công tác phối hợp xử lý, ngăn chặn thông tin xấu, độc hại đã được lực lượng chức năng địa phương hết sức quan tâm, nỗ lực để giải quyết.
Công an TP Đà Nẵng xử phạt cá nhân tung tin sai sự thật về vụ việc 2 bệnh nhân người Anh trong đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng. |
Theo thống kê của Công an TP Đà Nẵng, hiện trên địa bàn TP ước tính có trên 700.000 tài khoản Facebook, trên 600.000 tài khoản zalo. Với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, người dùng các ứng dụng mạng xã hội này dễ dàng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin. Tuy nhiên, điều đáng nói, có một thực trạng đáng chú ý đặt ra là môi trường Internet và các mạng xã hội mặc dù đã được các cơ quan chức năng quản lý, giám sát, kiểm duyệt, song vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng các công cụ này để đẩy mạnh các hoạt động chống phá từ bên ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đối với nước ta.
Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, các đối tượng xấu đã lợi dụng mạng xã hội và Internet để khoét sâu, tô đậm, diễn dịch theo hướng tiêu cực và trầm trọng hoá những thiếu sót, sai phạm của một số cán bộ qua các thời kỳ hòng gây mất đoàn kết nội bộ Đảng và giảm sút lòng tin của người dân đối với các cấp lãnh đạo tại TP.
Cùng với những vấn đề trên, không ít các đối tượng còn lợi dụng tình hình dịch bệnh, các vấn đề chính trị, thời sự “nóng” diễn ra trong nước và trên thế giới để châm ngòi, tung tin bịa đặt, xuyên tạc, vu cáo cho rằng chính quyền “bưng bít thông tin”, chậm trễ trong công tác phòng, chống dịch bệnh để gây hiểu nhầm dư luận, phá hoại chủ trương và thành quả cách mạng mà các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực, tập trung nhiều nguồn lực để chỉ đạo, xử lý. Trong những trường hợp này, có những đối tượng tại Đà Nẵng đã chia sẻ, cổ suý cho các bài viết của một số phần tử chống đối chính trị đăng tải trong các hội, nhóm. Đồng thời, lợi dụng tình hình khiếu kiện trên địa bàn, các đối tượng tích cực đăng tải hàng trăm bài viết thông tin xung quanh hoạt động giải toả, đền bù, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo nhằm lôi kéo Nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trước những thông tin phức tạp trên không gian mạng, các lực lượng chức năng tham gia công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc, trong đó có các lực lượng nòng cốt thuộc Ban Chỉ đạo 35 của TP gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để giải quyết.
Trong các lực lượng ứng phó, xử lý này, lực lượng Công an TP được xác định là lực lượng nòng cốt chủ yếu để phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông TP và các sở, ban, ngành khác có liên quan để tổ chức đấu tranh, xử lý kịp thời và hiệu quả.
Trong các kết quả chung đạt được trên mặt trận này, nổi bật là các lực lượng của Công an TP và nhiều ngành, đơn vị khác đã phối hợp chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện sớm các trang blog, trang facebook, các diễn đàn thường đăng tải các thông tin liên quan đến TP Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, các lực lượng đã khoanh vùng số đối tượng, trang mạng xã hội thường xuyên thể hiện quan điểm chính trị, xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; từ đó có những phương án đấu tranh vừa quyết liệt, vừa mềm dẻo để tác động, lôi kéo và nghiêm minh xử lý. Chỉ tính trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng (từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021), Công an TP đã phát hiện và xử lý 90 trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, các sự kiện chính trị, các vấn đề “nóng” trên địa bàn TP Đà Nẵng để đăng tải, chia sẻ các thông tin giật gân, thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân. Trong đó, Công an TP đã mời làm việc, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 46 trường hợp (tổng mức phạt 405.000.000 đồng; ra quyết định khởi tố hình sự 01 trường hợp; răn đe, nhắc nhở 25 trường hợp; chuyển cho các địa phương khác phối hợp xác minh, xử lý 13 trường hợp; gỡ bỏ, vô hiệu hoá bài viết, tài khoản facebook 03 trường hợp; đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP giám định tư pháp 02 trường hợp.
Theo đại diện Công an TP Đà Nẵng, việc đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Công an TP với các lực lượng là thành viên của Ban Chỉ đạo 35 TP có ý nghĩa rất quan trọng, mà cụ thể là việc hiệp đồng lan toả đăng các tin bài phản bác, tuyên truyền trên báo chí, truyền hình như: Báo Công an TP Đà Nẵng (nay là chuyên trang thuộc Báo Công an Nhân dân); chương trình truyền hình “An ninh Đà Nẵng” định kỳ phát sóng hằng ngày, hàng tuần với hàng trăm tin, bài nhằm kịp thời đưa thông tin chính thống đến với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân TP, thu hút trên 350 triệu lượt tiếp cận, góp phần định hướng dư luận, phản bác các thông tin xấu, độc; lan toả những thông tin tích cực, nâng cao tinh thần cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, kích động tụ tập biểu tình gây rối an ninh trật tự.
Cạnh đó, Công an TP cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ, các lực lượng vũ trang trong và ngoài TP tổ chức hàng ngàn lượt đấu tranh trên không gian mạng bằng hình thức báo cáo vi phạm của các fanpage, tài khoản cá nhân có bài viết, hình ảnh, video có nội dung tiêu cực.
Công an TP Đà Nẵng mời các đối tượng có thông tin đăng lên mạng gây tác động xấu trong dư luận đến làm việc. |
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ và xử lý thông tin xấu độc, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian tới, theo đại diện Công an TP Đà Nẵng, có 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Công an TP và các lực lượng có liên quan xác định. Trong đó, trước hết là để ngăn chặn, bóc gỡ, xử lý đẩy lùi các thông tin xấu độc, các cơ quan chức năng phải chủ động phối hợp thống nhất trong việc cung cấp kịp thời cho người dân thông tin định hướng, những kiến thức cần thiết để mọi người có thể tự sàng lọc, nắm bắt những thông tin chính thống, chính xác, đáng tin cậy, áp đảo những thông tin lệch lạc gây nhiễu loạn, tác động xấu cho xã hội.
Cùng với đó là cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực báo chí, truyền thông và thông tin điện tử; ngành Thông tin và Truyền thông tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng trong việc đấu tranh, gỡ bỏ, xử lý thông tin xấu độc. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để kịp thời giải toả, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ TP hiện nay.
Các đơn vị chức năng chủ động nghiên cứu dự báo, liên kết trao đổi thông tin để sớm phát hiện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kịp thời ngăn chặn việc tuyên truyền, phát tán các thông tin xấu, độc, tài liệu xuyên tạc, thù địch, chống đối trên không gian mạng; thường xuyên cập nhật, nghiên cứu tính năng, cơ chế hoạt động mới của các loại hình mạng xã hội để có phương pháp đấu tranh kịp thời, hiệu quả.
Xác định rõ công tác đấu tranh với thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, chống Đảng và Nhà nước cần phải được tổ chức đồng bộ, thường xuyên và lâu dài giữa các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội cùng tham gia. Phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để mang lại hiệu quả tích cực.
Chủ động xây dựng, kết nối các tài khoản facebook, các trang, hội, nhóm, kênh Youtube… của các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 35 TP và Trung ương để chia sẻ, lan toả thông tin tích cực, truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo ra thế trận thông tin góp phần mang lại hiệu quả lớn trong cuộc đấu tranh này…./.
Nhận xét
Đăng nhận xét