Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Chính phủ với địa phương

 

Ngày 3-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương, với sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương – Ảnh: VGP

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương. 

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Có thể nói, năm 2022 nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm.

Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực được triển khai quyết liệt, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.

Chiến lược vắc xin cũng được tiếp tục triển khai hiệu quả, kiểm soát được đại dịch COVID-19 và thực hiện mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Trên nền tảng đó là việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhiều hội nghị được tổ chức để tham vấn ý kiến, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh.

Năm 2022 đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế – xã hội – Ảnh: VGP

Thủ tướng nêu rõ, tinh thần trong chỉ đạo điều hành là đổi mới cách làm, không dàn trải, xác định trình tự ưu tiên, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Do vậy, những vấn đề còn tồn đọng trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ cũng được tập trung giải quyết. Bao gồm 6 ngân hàng yếu kém, 8/12 doanh nghiệp, dự án thua lỗ, các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú I, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn… Quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh, lành mạnh hóa các thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…

Đến nay, kết quả đạt được là kinh tế phục hồi nhanh chóng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Cùng với mục tiêu tổng quát đạt được, thì chúng ta cũng đã đạt và vượt 13 chỉ tiêu, xấp xỉ đạt 1 chỉ tiêu và chưa đạt 1 chỉ tiêu.

Nhiều điểm sáng đáng mừng về quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất, nhập khẩu; xuất khẩu nông sản; thu ngân sách nhà nước; vốn FDI thực hiện; số doanh nghiệp thành lập mới…

“Có thể nói những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận thực tế, Thủ tướng cho rằng nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức. Những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Do đó, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng nhấn mạnh sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện.

Theo đó, Chính phủ đưa ra phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được.

Đồng thời, cần tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, vừa giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.

Tuoitre.vn

Nhận xét