Phát huy vai trò của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài

 

Bước sang năm mới, người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài đều háo hức chuẩn bị đón Tết cổ truyền 2023. Không khí đón Tết năm nay đặc biệt hơn vì 2 năm đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, việc đi lại, về thăm quê hương của kiều bào gặp nhiều khó khăn.

Những chuyến bay từ khắp các châu lục đưa kiều bào ta về nước trong những ngày đầu năm mới đã phần nào cho thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thực sự trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước.

Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Được trở về quê hương ăn Tết, hay hồi hương sinh sống lâu dài là một nhu cầu lớn và dần trở thành xu thế tất yếu đối với các kiều bào.

Hiểu được nhu cầu, tâm tư, tình cảm của bà con ta, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện để kiều bào trở về, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của họ vào quá trình phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực.

Qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, các chủ trương và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước ngày càng được bổ sung và hoàn thiện nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn. Một trong những dấu mốc quan trọng đó có thể kể đến Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó khuyến khích bà con kiều bào đầu tư phát triển kinh doanh và dịch vụ trong nước.

Đặc biệt Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (Nghị quyết 36) ban hành ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị như một cú huých, tạo sự chuyển biến tích cực đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, góp phần tích cực vào việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ, động viên người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương, đất nước, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào nước sở tại, thể hiện rõ nét trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài… Đất nước ngày càng có nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng với kiều bào.

Thực tế, dù sống ở đâu ngoài Việt Nam, tâm lý “sống ở nước tạm dung” cũng là một nỗi buồn, mà mỗi người Việt xa xứ luôn canh cánh bên lòng. Cụm từ “hòa hợp – hòa giải dân tộc” có thể nói là chủ đề, đề tài được mang ra bàn luận sôi nổi nhiều nhất trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, nơi có khoảng 2 triệu bà con ta đang sinh sống và làm việc.

Giới truyền thông, báo chí và cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng rất quan tâm, mạnh dạn tìm hiểu, tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều kênh thông tin, nhất là từ các cán bộ của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự, nhằm tìm hiểu thêm luật pháp, các thủ tục hành chính về đầu tư, du lịch thăm thân hay lưu trú, làm việc lâu dài ở Việt Nam.

Ngày 19/5/2015, Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, được ban hành.

Chỉ thị thể hiện quyết tâm cao của Đảng ta trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào ổn định đời sống, hội nhập vào nước sở tại, đồng thời chung tay đóng góp mọi nguồn lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ thị 45 đã được nhiều người Việt Nam sống ở nước ngoài đón nhận và hưởng ứng.

Ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó chỉ rõ: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh…; giải quyết nhu cầu chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài liên quan quốc tịch phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36; hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế, uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao. Người Việt ở nước ngoài ngày càng tin cậy, nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò đóng góp tích cực của mình đối với Tổ quốc dù sống ở trong hay ở ngoài nước bằng những việc làm cụ thể.

Bất chấp thực tế đó, một bộ phận người Việt cực đoan vẫn tìm mọi cách để lập ra các ban đại diện cộng đồng, các hội nhóm chống cộng,… đồng thời tìm mọi âm mưu, thủ đoạn hòng xuyên tạc những chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phủ nhận thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được. Bản thân tôi, rời đất nước ra đi năm 1988, sống tại Mỹ.

Đến năm 2013, tôi quyết định trở về Việt Nam sống và làm việc. Tôi đã xin được Hộ chiếu công dân Việt Nam rất dễ dàng. Ở Việt Nam, tôi được đối xử rất công bằng, được bảo đảm các lợi ích xã hội như mọi công dân Việt Nam khác trên các phương diện. Nhờ vậy, tôi đã an cư lạc nghiệp ở thành phố Yên Bái. Sống ở Việt Nam, tôi luôn chấp hành các quy định luật pháp, sống an nhiên, hài hòa với bà con hàng xóm.

Các cán bộ, công an khu vực khi biết tôi là kiều bào trở về Việt Nam sinh sống, họ quý mến, tôn trọng và tạo điều kiện, giải thích cặn kẽ những gì tôi không hiểu trong các thủ tục hành chính, giúp tôi hòa nhập cuộc sống bình thường. Ngôi nhà nhỏ của tôi đã đón tiếp hàng trăm lượt khách, kể cả người thân, bạn bè là người nước ngoài về thăm cũng như lưu trú. Ai trong họ cũng đều mong muốn có ngày được về sống an vui tại quê nhà.

Theo quan sát của tôi, đại bộ phận kiều bào trở về đã có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, nhanh chóng hội nhập vào xã hội hiện tại, khẳng định được vai trò và uy tín trong đời sống. Đối với những người Việt ở nước ngoài cũng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xem là một bộ phận không thể tách rời, đánh giá cao sự đóng góp của kiều bào ta với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực, là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, thúc đẩy hoạt động ngoại giao nhân dân phát triển thuận lợi.

Từ năm 2012 đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, tổ chức những chuyến đi đặc biệt dành cho kiều bào ra thăm các đảo thuộc lãnh hải Việt Nam, thăm và động viên các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển quê hương. Trong những chuyến đi này, một số cơ quan truyền thông Việt ngữ ở nước ngoài cũng được mời tham gia, tiếp cận những thông tin chính xác, những câu chuyện hiện thực ngoài biển đảo của Tổ quốc.

Các phóng viên người Việt ở nước ngoài đã có điều kiện kịp thời chứng kiến, ghi nhận khách quan mọi sinh hoạt cũng như đời sống của đồng bào, chiến sĩ ở nơi hải đảo, qua đó góp phần phản biện những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở nước ngoài về vấn đề chủ quyền biển đảo. Sau mỗi chuyến đi giúp cho kiều bào ta hiểu, gắn bó hơn với Tổ quốc.

Đối với thế hệ trẻ gốc Việt lớn lên ở nước ngoài, kể từ năm 2004, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng tổ chức các trại hè Việt Nam hằng năm, thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên kiều bào đăng ký tham gia. Mỗi trại hè đều có những chương trình cụ thể, thiết thực giúp các em học hỏi thêm về tiếng Việt, về lịch sử, về truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, về văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt bằng hình thức trực tuyến, dành cho các thầy cô trẻ người Việt ở nước sở tại giúp bổ sung kỹ năng sư phạm, xây dựng giáo án tiếng Việt phù hợp với chủ trương giáo dục chính thống, củng cố niềm tin vào việc giảng dạy môn tiếng Việt cho thế hệ trẻ lớn lên ở nước ngoài.

Kể từ năm 2022, Chính phủ phê duyệt và chọn ngày 8/9 là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030, nhằm nâng cao nhận thức, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng và bạn bè quốc tế.

Tết đến, xuân về, bà con Việt từ khắp các châu lục lại háo hức trở về Việt Nam ăn Tết, đoàn viên với người thân, gia đình, bạn bè, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng tổ chức lễ hội Xuân Quê hương vô cùng đặc sắc giúp kiều bào tham dự được trải nghiệm một cái Tết truyền thống đúng nghĩa.

Trên truyền thông đại chúng, các thông tin chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn được chú trọng. Các tin, bài, hình ảnh sinh động về đất nước, phản ánh kịp thời những biến chuyển tích cực trong đời sống kinh tế, xã hội ở Việt Nam giúp bà con sống xa quê hương có thể nắm bắt mọi thông tin nhanh chóng, chính xác; nhờ đó, góp phần xóa bỏ những mối nghi hoặc, bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo, sai sự thật, kích động của các thế lực thù địch, âm mưu phá hoại các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước gây chia rẽ, mất lòng tin trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.

Bước sang năm 2023, từ những thành tựu gặt hái được trong năm qua, tinh thần của người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài rất phấn khởi, tự hào và an tâm đón một mùa xuân tràn đầy niềm vui và lạc quan. Niềm vui ấy như tia nắng của mùa xuân mang nguồn năng lượng tích cực, lan tỏa đến mọi miền, đến các quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi có người Việt Nam sinh sống, giúp nhân lên tình yêu, sự gắn kết và trách nhiệm với Tổ quốc.

Nhân dân

Nhận xét