Việt Nam – Bức tranh đa sắc màu của đất nước tự do tôn giáo (Bài 2)

 

Như đã đề cập trong bài 1 của chùm bài, nhờ có sự bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo có nhiều thuận lợi trong việc sống đạo và giữ đạo, bày tỏ đức tin của mình.

Đại lễ Phật đản 2020 Phật lịch 2564 tại Việt Nam Quốc tự. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Bài 2: Thuận lợi trong việc sống đạo, giữ đạo và bày tỏ đức tin

Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết “Việt Nam – đất nước của tự do tôn giáo,” phản ánh những lát cắt rất nhỏ trong bức tranh tôn giáo đẹp và đa sắc màu ấy.

Như đã đề cập trong bài 1 “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của chùm bài, không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao đất, xây dựng cơ sở thờ tự, nhiều hoạt động khác để đảm bảo cho các tôn giáo sinh hoạt và thực hành giáo lý tốt hơn cũng được Đảng, Nhà nước luôn chú trọng, như việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo, phong phẩm, đào tạo chức sắc, chức việc. Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tôn giáo thuận lợi trong việc sống đạo và giữ đạo, bày tỏ đức tin của mình.

Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo

“Đạo Cao Đài được phát triển như hôm nay, là nhờ vào chủ trương, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và sự nỗ lực của toàn thể đồng bào đạo Cao Đài. Các đại biểu chức sắc đạo Cao Đài có mặt hôm nay là minh chứng cho tinh thần đoàn kết tôn giáo, sự quan tâm của Nhà nước đối với tôn giáo Cao Đài, đồng thời thể hiện tình thương yêu theo lời dạy của Đức Chí Tôn.”

Khẳng định trên được Chánh Phối sư Huỳnh Thanh Phong – Phó Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, thay mặt các tổ chức, hệ phái Cao Đài nêu lên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, diễn ra vào cuối tháng 8/2022.

Các tăng ni cầu nguyện hòa bình thế giới tại Đại lễ Vesak 2019. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Là tôn giáo nội sinh, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đồng bào đạo Cao Đài luôn nêu cao tinh thần yêu nước, gắn bó với dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước.

Thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã công nhận tổ chức tôn giáo đối với 10 hội thánh, 21 tổ chức hoạt động độc lập và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với 01 pháp môn Cao Đài.

Các hội thánh Cao Đài có trên 13.000 chức sắc, trên 26.000 chức việc và trên 1,24 triệu tín đồ, sinh hoạt tại hơn 1.300 ngôi thờ tự và cơ sở hành đạo, được xây dựng khang trang, kiên cố từ đất liền tới hải đảo như Lý Sơn, Phú Quốc.

Một con số đáng chú ý được Chánh Phối sư Huỳnh Thanh Phong cho hay là, hằng năm các phái Cao Đài trong hoạt động giao lưu hành đạo có khoảng một vạn tín đồ mới nhập môn; các lễ hội lớn, hội nghị thường niên của thượng hội, hội thánh, hội nhơn sanh và đại hội nhiệm kỳ của các hội thánh được tổ chức trang trọng.

Các họ đạo và tổ nghi lễ được thành lập đáp ứng nhu cầu phát triển của đạo. Việc in, xuất bản kinh sách và đồ dùng việc đạo đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ.

Đào tạo tăng tài, chức sắc, chức việc

Sự lớn mạnh của các tổ chức tôn giáo đi liền với nhu cầu đào tạo, nâng cao trình độ văn hóa cho chức sắc, chức việc ngày càng cao. Nhiều tôn giáo đã được chấp thuận thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo.

Quang cảnh Lễ Phục sinh 2020 ở Nhà thờ Hữu Bằng. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hiện trên phạm vi cả nước có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 36 tỉnh, thành phố gồm: 11 đại chủng viện, học viện của Giáo hội Công giáo Việt Nam; 4 học viện, 34 trường trung cấp Phật học, 8 lớp cao đẳng Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trường Trung cấp Phật giáo Hòa Hảo (tại An Giang), Trường Thánh kinh thần học (tại Hà Nội); Học viện Truyền giáo Cao Đài (tại Đà Nẵng); Viện Thánh kinh thần học và Trường Thánh kinh cơ đốc (Thành phố Hồ Chí Minh).

Riêng Giáo hội Công giáo Việt Nam từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành, đã có 2 cơ sở đào tạo tôn giáo được thành lập. Một số cơ sở đào tạo của tôn giáo được phép đào tạo đến trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.

Để đào tạo chức sắc kế thừa, các hội thánh và tổ chức Cao Đài đã thống nhất thành lập Học viện Cao Đài do Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên chịu trách nhiệm pháp lý và đã được Bộ Nội vụ cấp chủ trương hoàn thiện các nội dung khai giảng.

Các lớp tập huấn được tổ chức với hàng trăm học viên tham gia, góp phần nâng cao trình độ giảng dạy, đào tạo chức sắc giữa các phái Cao Đài.

Đặc biệt, bên cạnh việc tổ chức các khóa hạnh đường để bổ sung kiến thức chung cho chức sắc, chức việc trong đạo Cao Đài, trong mỗi lớp hạnh đường, đều lồng ghép các nội dung học tập về pháp luật Nhà nước, quy định hoạt động về tôn giáo.

Theo Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, đáp ứng nguyện vọng của các chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer, ngày 8/8/2006, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và sau đó gần 1 năm, khóa đào tạo đầu tiên đã chính thức được khai giảng.

Từ nơi học tạm tại chùa Pôthisômrôn, được Nhà nước giao đất ở trung tâm quận Ô Môn, năm 2019, Học viện đã đưa vào sử dụng cơ sở mới khang trang, khuôn viên rộng thoáng mát, đời sống sinh hoạt của chư tăng, tăng sinh tốt hơn, chất lượng dạy và học được đảm bảo. Nhiều đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành đã đến thăm và làm việc tại Học viện.

Song song đó, lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ Học viện. “Điều đó nói lên sự quan tâm của quý lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố cùng các ban, ngành giúp cho Học viện từ vật chất lẫn tinh thần, từ giao đất đến xây dựng,” Hòa thượng Đào Như chia sẻ.

Những chính sách ưu đãi cùng sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi ấy đã tạo đủ “duyên lành” cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer trong hoạt động Phật sự, giáo dục đào tạo.

Tập thể Hội đồng Điều hành Học viện luôn vận động nhau đoàn kết một lòng để thực hiện mọi công tác Phật sự, duy trì, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, giữ gìn bản sắc và nét đẹp truyền thống dân tộc, phục dựng ghe ngo, lò hỏa táng…, xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer.

Tạo điều kiện thực hành giáo lý

Không chỉ hoạt động đào tạo mà nhiều nhu cầu chính đáng khác của các tổ chức tôn giáo cũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, từ việc phong phẩm, đăng ký hoạt động tôn giáo, cho đến đời sống sinh hoạt của chức sắc, chức việc.

Nhà thờ Lớn Hà Nội đêm Noel. (Nguồn: Vietnam+)

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, đến nay, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 26,5 triệu người có đạo, chiếm 27% dân số cả nước, trong đó có trên 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự.

Hoạt động phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong các tổ chức tôn giáo đã được cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hướng dẫn nên thực hiện cơ bản thuận lợi. Trong 3 năm thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2018-2021), tại 62/63 tỉnh, thành phố có 5.572 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 12.421 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc.

Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trên cả nước được tạo điều kiện. Trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, có tổng số 2.691 điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; sau khi Luật có hiệu lực, theo báo cáo của 61/63 tỉnh, thành phố có 1.112 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài tại Việt Nam cũng luôn được chính quyền các cấp đảm bảo. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh, thành phố với hàng trăm người tham gia, nhiều nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (41 điểm nhóm), Hà Nội (13 điểm nhóm) và có quốc tịch từ nhiều nước như Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Malaysia, Nga, Mỹ, Pháp.

Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc cho biết theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức tôn giáo được phép hoạt động xuất bản kinh sách và các ấn phẩm khác về tôn giáo. Để thực hiện quyền này, nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo đã đăng ký xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo.

Theo thống kê, Nhà xuất bản Tôn giáo từ năm 2018 đến năm 2021 đã có quyết định xuất bản 2.027 ấn phẩm với trên 7 triệu bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc.

Ở Việt Nam hiện có 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động. Phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. 6 tháng đầu năm 2022, chính quyền các cấp đã cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với trên 684 nghìn bản in.

Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện hướng dẫn cách quản lý kinh sách, sử dụng kinh sách khi nào, ở đâu và văn tự tín ngưỡng, tôn giáo cho những người thuộc diện quản lý tại cơ sở giam giữ.

Trong các trại giam, tạm giam, các đơn vị, địa phương luôn tích cực tuyên truyền đến toàn thể phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam để hiểu rõ các quy định về sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng… của mình phù hợp với nội quy của trại; tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam được thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo.

Một số trại giam, tạm giam còn tổ chức nấu cơm chay cho phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam; phối hợp với các ngành, tổ chức tôn giáo liên quan tặng quà cho phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam nhân các ngày lễ, Tết.

Những chia sẻ của ông Lý Du Sô, Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) Thành phố Hồ Chí Minh về thời gian thực hiện giãn cách xã hội, khi những thành viên Ban Đại diện và các ban quản trị thánh đường bị COVID-19 trong đợt cao điểm của dịch đã nói lên phần nào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới các tôn giáo nói chung và cộng đồng người Hồi giáo nói riêng: “Cộng đồng Hồi giáo thành phố biết ơn sâu sắc đến các bộ, ban, ngành chức năng, nhất là cá nhân Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã luôn quan tâm, thấu hiểu, tôn trọng đời sống tâm linh, tôn giáo và những quy định khắt khe của cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh, thường xuyên chăm lo về mọi mặt cho cộng đồng, hỗ trợ lương thực thực phẩm, thuốc dụng cụ y tế, các gói an sinh xã hội”./.

Đón đọc Bài 3: Tốt đời, đẹp đạo

Chu Thị Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nhận xét