Content “bẩn” chiếm sóng
Trong một thế giới bùng nổ thông tin, mạng xã hội dường như đã trở thành “món ăn” không thể thiếu với mọi người. Câu chuyện nội dung “bẩn” tràn lan trên mạng xã hội đã là đề tài bàn luận của dư luận rất lâu. Chẳng khó khăn để bắt gặp một sản phẩm chứa content “bẩn” trên mạng. Nào là thử thách 24h làm động vật, tổ chức đua xe, khoe thân lộ liễu, có người còn lợi dụng trào lưu bình luận tác phẩm nghệ thuật để phán xét chê bai ngoại hình của phụ nữ.
Đáng sợ hơn trên Youtube, TikTok có kịch bản, khách mời có tiếng tăm hẳn hoi lại có nội dung mô phỏng các tư thế quan hệ tình dục phản cảm. Một điều đặc biệt nguy hiểm, “fan cứng” của những kênh này lại là trẻ vị thành niên. Dù đa số các video dạng này đều khuyến cáo không dành cho trẻ em, tuy nhiên nó có thực sự mang lại giá trị nào không cho người lớn?
Sự kiện TikToker Nờ Ô Nô như thể giọt nước tràn ly, trở thành tâm điểm được rất nhiều người chú ý. Với nội dung được cho là hành vi miệt thị, xúc phạm người nghèo, TicToker này đã bị đại đa số người sử dụng mạng xã hội tẩy chay. Cụ thể trong series “Một ngày tử tế”, TikToker tiếp cận những người nghèo và hỏi họ thích ăn món gì sẽ mua tặng. Tuy nhiên, anh chàng này lại có những phát ngôn mang tính khinh thường những người là người lớn tuổi như: “Đã nghèo còn bày đặt ăn cơm sườn”; “Không hiểu vì sao người ta nghèo mà nghèo hoài”; “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn. Giờ hỏi lại có ăn hay không?”…
Việc TikToker này đăng tải những video giúp đỡ người nghèo không còn xa lạ với người sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên sau sự việc miệt thị người nghèo của Nờ Ô Nô, nhiều người đã hoài nghi về việc liệu rằng anh chàng này có thực sự làm thiện nguyện hay không? Hay chỉ lợi dụng người yếu thế trong xã hội để làm video câu view, vì mục đích kiếm tiền cho riêng mình?
Đây không phải lần đầu Nờ Ô Nô thực hiện những nội dung gây tranh cãi. Các clip của Nờ Ô Nô thường có nội dung đánh giá các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. TikToker này thường gắn với biệt danh “Thánh review” vì thành tích “ăn đâu chê đó”. Nờ Ô Nô thường có cách nói chuyện cộc lốc, thô lỗ, với nhiều lời lẽ, hành động sỗ sàng. Dù nhiều lần nhận về những ý kiến trái chiều, Nờ Ô Nô vẫn thản nhiên khi liên tục đăng tải các đoạn clip được dân mạng đánh giá là phản cảm, xúc phạm người khác.
Thực tế nhiều năm qua, các nội dung do các TikToker hay Youtuber thực hiện có phần tiêu cực, không phù hợp tràn lan trên mạng xã hội không còn hiếm gặp. Mặc dù những người thực hiện đã cố tình đính kèm “#J4F” (viết tắt của “Just for fun”, nghĩa là chỉ vui thôi), nhưng các nội dung đều có phần nhạy cảm và không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục hoặc phát ngôn kém duyên, thô tục… khi lan truyền sẽ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc. Anh Lê Hải Bằng (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Rõ ràng đó là nội dung do chính họ sáng tạo ra, không hướng đến cụ thể một ai nhưng khi được lan truyền, vô tình sẽ có tác động đến một nhóm đối tượng, đặc biệt là trẻ em. Như con tôi ở nhà, các cháu thường xuyên có những phát ngôn mà tôi thực sự không hiểu, hỏi thì các cháu nói đó là trend của những TikToker, Youtuber nổi tiếng”.
Cách đây không lâu, một cô gái trẻ tố bị chủ kênh H.M đã xin quay phỏng vấn khi đang du lịch tại Đà Lạt. Tuy nhiên, sau khi quay, thanh niên này đã cắt ghép clip, lồng giọng đọc của người khác với nội dung phân biệt người đi xe số và xe tay ga nhằm mục đích tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều.
P.N, cô gái bị cắt ghép nội dung trong đoạn clip bức xúc: “Sau khi xem lại, biết đoạn clip đã bị cắt ghép, tôi cảm thấy oan ức và phẫn nộ với hành vi làm nội dung bẩn, lợi dụng người khác một cách trắng trợn để thu hút lượt tương tác như vậy. Tôi cơ bản không nói được giọng miền Nam. Tôi đã cố gắng liên lạc đến chủ kênh H.M để tìm cách giải quyết nhưng chỉ nhận lại sự phớt lờ. Không những thế, khi biết được tài khoản facebook cá nhân của tôi, người này đã chia sẻ lên MXH, khiến rất nhiều người tìm vào, dùng nhiều lời lẽ xúc phạm công kích tôi. Tôi gửi đơn trình báo vì không muốn những bạn nữ khác sau này cũng như tôi, và mong muốn chủ kênh H.M công khai xin lỗi và đính chính thông tin cho chính tôi và cho những bạn nữ khác”.
Hay như năm 2021, nữ TikToker H.P.N từng làm nhiều video với nội dung gợi ý các thủ thuật giúp học sinh, sinh viên lách luật, gian lận trong học tập. Video với nội dung hướng dẫn gian lận khi thi vấn đáp online đã thu hút 3,1 triệu lượt xem và hơn nghìn lượt bình luận, tương tác của nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên.
Với một video khác có nội dung “Hack đáp án bài tập online chính xác 100%”, nữ TikToker H.P.N đưa ra các bước sử dụng công nghệ cơ bản giúp tìm ra đáp án chính xác, nhanh chóng cho bài tập khi học online. Nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh bình luận chỉ trích TikToker này là “vẽ đường cho hươu chạy”, thậm chí có ý kiến cho rằng cô gái này đang góp phần “làm hỏng cả một thế hệ”…
Không chỉ trên mạng xã hội Tiktok mà trên Youtube cũng xuất hiện rất nhiều clip có nội dung “bẩn” khiến dư luận rất bức xúc. Cách đây không lâu, Youtuber Thơ Nguyễn cũng từng gây ra cuộc tranh cãi khi đăng tải một clip dài gần 1 phút về việc xin vía học giỏi cho các em học sinh. Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng “mẹ” và gọi búp bê là “con”. Các bậc phụ huynh có con cái thường xuyên theo dõi kênh YouTube của Thơ Nguyễn tỏ ra khá bức xúc và cho rằng cô đang truyền bá việc nuôi Kumanthong (một loại búp bê tâm linh có nguồn gốc từ Thái Lan). Nhiều người bày tỏ lo lắng bởi đoạn video có thể gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ. Dù Thơ Nguyễn đã lên tiếng đính chính, nhưng nhiều phụ huynh vẫn không chấp nhận và tiếp tục chỉ trích nội dung mà YouTuber này đã đăng tải.
Có thể thấy, Tiktok hay Youtube là nền tảng giúp nhiều người sáng tạo nội dung độc lạ, thu hút người xem với tính chất giải trí cao. Tuy nhiên rất nhiều người lợi dụng phương tiện này để chia sẻ những nội dung có phần sai lệch, tiêu cực, trong khi đối tượng xem đa phần là thanh thiếu niên và thậm chí là trẻ nhỏ.
Hãy là người dùng tỉnh táo
Chúng ta đều không thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng, mạng xã hội đã giúp cho việc giải trí, học tập và kinh doanh thuận lợi. Đặc thù của mạng xã hội là tính đào thải cao, để kênh của mình tăng số người theo dõi, không ít người bất chấp chiêu trò, sáng tạo ra những content “bẩn”. Trong khi đó đa số người theo dõi các kênh nội dung này đều là trẻ vị thành niên, chưa có đủ nhận thức các vấn đề xã hội nên rất dễ bị chi phối và “dắt mũi”.
Hầu hết tác giả của những sản phẩm kém chất lượng này đều là những người có tư tưởng non trẻ, “chân ướt chân ráo” muốn đi lên bằng tai tiếng nên không ngại “giật gân” câu view. Họ đọc vị được tâm lí con người thường có khuynh hướng tập trung vào những điều tiêu cực hơn là tích cực. Vô hình trung, việc tạo ra content “bẩn” đã khiến cho tác giả của chúng thất bại trong việc định hình thương hiệu cá nhân. Nguy hiểm hơn chính là đầu độc tư tưởng của trẻ em, làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam luôn đề cao thuần phong mỹ tục. Với số lượng các sản phẩm chứa content “bẩn” tràn lan như hiện nay, các nền tảng xã hội ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Thế nên, việc đào thải các thành phần tuyên truyền nội dung “rác” là việc nên sớm triển khai.
Việc này đồng nghĩa rằng các bậc phụ huynh cần cẩn trọng hơn trong việc quản lí và giáo dục con cái. Người xem cũng nên có thái độ yêu ghét rạch ròi hơn để bài trừ content “bẩn”. Mặt khác, những nhà sáng tạo nội dung nên có hoạch định rõ ràng để nâng cao chất lượng content và xây dựng kênh cá nhân mang giá trị nội dung thật sự bổ ích.
Tiến sĩ Bùi Phương Thảo, chuyên gia tâm lý, Giảng viên Trường đại học Thủy Lợi Hà Nội cho biết: “Trên thực tế có không ít những facebooker, tiktoker… bất chấp tất cả để làm ra những clip có nội dung xấu, miễn có thể câu like, câu view được tốt nhất. Họ ứng dụng những quy luật tâm lý của con người vào việc thu hút sự chú ý của đám đông. Có 3 quy luật họ thường sử dụng là: xóa bỏ, bóp méo và khái quát hóa.
“Xóa bỏ” là cố tình bỏ đi 1 chi tiết quan trọng nào đó để kích thích tính tò mò; “bóp méo” là biến vấn đề trở nên không bình thường; “khái quát hóa” là biến một sự việc nhỏ, một phạm vi nhỏ thành một thứ lớn lao, to tát. Họ vận dụng 3 quy luật này vì mục đích riêng gây ảnh hưởng đến đám đông để câu like, câu view. Muốn để các bạn trẻ nhìn nhận sự việc một cách tỉnh táo thì các bạn trẻ cần biết tư duy phê phán, hay nói cách khác đó là tư duy phản biện. Cụ thể, khi chúng ta xem một nội dung nào đó trên facebook, trên tiktok hay trên các nền tảng xã hội nói chung thì chúng ta không nên nhanh chóng like, share. Chúng ta không nên chạy theo trend, mà hãy tỉnh táo tư duy xem vấn đề đó có đáng để like, share hay không. Để những bạn trẻ làm được điều này thì việc cốt yếu là phải tăng nhận thức, tăng tư duy phản biện cho người trẻ. Muốn làm được điều này thì sẽ phải thông qua gia đình và nhà trường. Chúng ta cũng cần dạy các bạn trẻ tư duy độc lập để không bị ảnh hưởng quá lớn bởi tư duy của đám đông.
Thời gian của giới trẻ cũng chính là tiền của họ. Cụ thể khi bạn bỏ ra nhiều thời gian để xem những thứ nhảm nhí thì cũng là lúc bạn bớt đi thời lượng học hỏi những điều tốt đẹp, học hỏi kiến thức để kiếm tiền. Nhiều người sẽ bảo: “có vấn đề gì đâu, chỉ là xem những video vui vui để giải trí thôi mà” nhưng họ không biết rằng nó tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như bị thu hút, bị quan tâm và bị nghiện những video xàm. Ở những video đó không có tính khoa học, không có chiều sâu và không đem lại bất cứ giá trị nhân văn nào. Ngoài ra chính những video ấy nó sẽ khiến những người trẻ có tư duy đơn giản, quen tiếp nhận những thứ đơn giản và chỉ làm được những việc không cần tư duy.
Chúng ta không thể chỉ phòng, chống, quét để loại bỏ những video xàm đó, bởi quét cái này họ sẽ tạo ra cái khác. Cái chúng ta có thể làm tốt hơn là tạo dựng nhiều hơn nữa những clip có tính giáo dục sâu sắc. Chúng ta nên lan truyền nhiều hơn nữa những điều tốt đẹp trên mạng xã hội. Quan trọng là tạo ra những video vừa bổ ích lại vừa thú vị hấp dẫn với giới trẻ”.
Nhận xét
Đăng nhận xét