Thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều địa phương liên tục xử lý các vụ việc liên quan tới những phát ngôn, phát biểu không đúng trên mạng xã hội.
Gần đây nhất, một người được cho là có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội Facebook đã phải nhận án tù giam vì đưa những dòng trạng thái gây ảnh hưởng tới người khác. Vụ việc cho thấy hệ lụy mà mỗi cá nhân sẽ phải gánh chịu nếu sử dụng mạng xã hội nhằm phục vụ cho những mục đích cá nhân bất chính, vi phạm pháp luật.
Ngày 27/10 vừa qua, bị cáo Đặng Như Quỳnh đã bị Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) xử phạt 2 năm tù vì tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Đây là Facebooker đã đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng về một số cá nhân, doanh nghiệp. Sau quá trình điều tra, nhân vật này đã bị cơ quan an ninh kết luận là đưa nhiều thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều tổ chức, cá nhân. Trong bản án đối với Đặng Như Quỳnh nêu rõ “hành vi của bị cáo đã ảnh hưởng đến quyền được pháp luật bảo vệ của công dân, hơn nữa còn gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, chứng khoán nói chung, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp và lợi ích kinh tế của rất nhiều nhà đầu tư”.
Đây không phải trường hợp đầu tiên phải chấp hành án phạt tù vì tung những thông tin mang tính suy diễn cá nhân lên mạng xã hội. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, cơ quan an ninh các tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã nhanh chóng xử lý rất nhiều đối tượng vì đưa những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội. Những thông tin gây sốc kiểu đó khiến cho người dân hoang mang, ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của rất nhiều công dân, tổ chức.
Mong muốn thể hiện quan điểm của mình qua mạng xã hội là nhu cầu chính đáng nếu như việc làm này không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân chung quanh. Tuy nhiên, phục vụ cho mỗi nhu cầu ấy, đòi hỏi người sử dụng mạng xã hội phải thật sự biết cách kiểm soát những thông tin mà mình sẽ sử dụng cho tài khoản cá nhân mình. Biết hạn chế thông tin độc hại, gây sốc, phản cảm, cũng là góp phần xây dựng một xã hội văn minh, an toàn và thân thiện. Ngược lại, với mỗi thông tin được đưa lên chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu “câu like” cho cá nhân hay phục vụ những lợi ích bất hợp pháp, người sử dụng mạng xã hội dễ có nguy cơ đối mặt các chế tài ràng buộc mà luật pháp đã quy định rõ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng.
Hơn lúc nào hết, người dùng mạng xã hội cần thận trọng, tỉnh táo trước các thông tin đăng tải, tránh bị ảnh hưởng bởi các thông tin xấu, độc. Việc kiên quyết loại trừ những thông tin xấu, độc cũng góp phần làm lành mạnh hóa mạng xã hội, để mạng xã hội trở thành môi trường văn minh, có ích cho mọi người và xã hội.
MAI TÂM HIẾU – Báo Nhân Dân điện tử
Nhận xét
Đăng nhận xét