Những người lính luôn đi trước, về sau

 

BĐBP đóng quân trên khu vực biên giới, địa bàn có nhiều điểm xung yếu, thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên phải hứng chịu các loại hình thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán. Do đó, với tinh thần trách nhiệm và tình cảm dành cho nhân dân các dân tộc nơi biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Biên phòng luôn xông pha, có mặt đầu tiên ở những nơi nguy hiểm nhất, địa bàn xa nhất, sâu nhất để cứu giúp người dân. Họ cũng là những người rời đi sau cùng khi đã giúp bà con qua cơn hoạn nạn.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế giúp dân lợp lại mái nhà bị tốc do bão số 4. Ảnh: Võ Tiến

Xả thân vì dân

“Trong lúc khó khăn, hoạn nạn, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ, động viên của Ban chỉ huy, CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây và các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương. Các anh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, quân dân gần gũi, không ngại gian khổ, đêm hôm xông pha ra biển để tìm kiếm con trai tôi bị mất tích và trục vớt tàu cá đưa vào bờ…”. Đó là một đoạn ngắn trong bức thư cảm ơn của ông Nguyễn Văn Thà, trú tại xã Phú Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế gửi tới Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây sau khi nhận được sự giúp đỡ hết sức tận tình của đơn vị.

Ông Thà nhớ mãi chuyến đi biển hoạn nạn đêm ngày 9/7/2020. Vợ chồng ông đang câu mực thì bị một tàu cá không có biển kiểm soát đâm vào và chìm rất nhanh. Nhận tin báo, ngay trong đêm, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây cử lực lượng đi cứu nạn. Điều đáng tiếc là khi những người lính tìm được thì vợ con ông Thà đều không còn sống. Trong bức thư, ông Thà chia sẻ thêm: “Dù các anh bận nhiều công việc nhưng những ngày tôi tổ chức tang lễ cho vợ con vẫn luôn có cán bộ Biên phòng túc trực để giúp đỡ, an ủi, động viên, đó là những tình cảm hết sức quý báu”.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều bức thư của người dân bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của BĐBP trong hoạn nạn. Thực tế, mỗi khi người dân cần, dù là đêm khuya, mưa bão, sóng to, gió lớn, lũ dữ, nguy hiểm kề cận nhưng mỗi người lính Biên phòng đều luôn hết lòng xả thân vì dân. Có thể lấy nhìn thấy điều đó rất rõ ở công cuộc cứu hộ người dân vùng lũ quét ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An hồi đầu tháng 10/2022.

Với sức tàn phá khủng khiếp, trận lũ quét rạng sáng 2/10 đã cuốn đi tất cả tài sản của nhiều người dân xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, với hơn 600 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó, 55 nhà bị sập hoàn toàn. Trước tình huống đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã huy động 150 CBCS tới đây giúp dân. Là một trong số cán bộ có mặt đầu tiên tại tâm lũ, Thiếu tá Trần Văn Tùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Càn nhớ lại: 4 giờ sáng ngày 3/10, chúng tôi hành quân tới bản Sơn Hà, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, xa nhất, khó tiếp cận nhất. Chúng tôi chỉ có một suy nghĩ làm sao đến được địa bàn để giúp dân sớm nhất có thể. Đường đi sạt lở nhiều chỗ, nước suối chảy siết, chúng tôi phải cuốc bộ đi đường vòng tới 10 giờ sáng mới đến nơi.

Trước mặt chúng tôi là khung cảnh hoang tàn, ngổn ngang, người dân thì hoảng loạn. Trong bản có gần 20 nhà dân bị sập, nhiều nhà khác bị sạt lở, đất đá sát nhà nếu không kịp thời di chuyển sẽ bị sập. Do đó, anh em tập trung kê kích các cột nhà, dùng con lăn di chuyển những ngôi nhà đó ra phía trước 5-10m, tất cả đều phải làm bằng sức người. Sau đó, chúng tôi giúp người dân mất nhà dựng lại nhà tạm, cào bùn đất, thu dọn vệ sinh môi trường, làm cầu tạm.

Điều kiện làm việc rất khó khăn, không có nước sạch, không có nơi ăn nghỉ. Mỗi ngày, anh Tùng và đồng đội phải di chuyển 10km từ điểm tập kết vào bản Sơn Hà. “Những ngày đầu, đường chưa thông, nước lũ vẫn chảy mạnh, có nhiều nơi đất vẫn sụt lún, chúng tôi phải vừa đi, vừa chú ý quan sát. Dù có lúc rất mệt mỏi, nhưng tất cả anh em đều thể hiện rõ quyết tâm và trách nhiệm, cố gắng giúp đỡ nhân dân nhiều nhất có thể, có khi quá giờ cơm trưa rồi, anh em vẫn ráng làm cho xong việc mới nghỉ tay” – anh Tùng kể lại. Ròng rã gần 1 tháng trời, những người lính Biên phòng Nghệ An đã làm việc không biết mệt mỏi để giúp bà con. Chỉ đến khi những người dân đã có nhà để trú tạm, bắt đầu ổn định lại cuộc sống, anh Tùng và những đồng đội của mình mới rút về đơn vị.

Có mặt ngay lúc dân cần

Do đặc thù đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng xung yếu trong thiên tai, dễ bị chia cắt, cô lập, nên các đơn vị Biên phòng luôn chủ động xây dựng và thường xuyên bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai tùy theo diễn biến tình hình thực tế. Phương châm “bốn tại chỗ” luôn được các đơn vị BĐBP đề cao và quán triệt thực hiện nghiêm túc nhất để có thể chủ động trong mọi tình huống.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Định cùng nhân dân và các lực lượng kéo tàu thuyền nhỏ lên bờ tránh bão. Ảnh: H.C

Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, BĐBP Thừa Thiên Huế từng nói với tôi rằng, khi nghe bản tin dự báo sắp có mưa bão, lũ lớn…, Ban chỉ huy đơn vị thường cử các tổ công tác đi rà soát, kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường thì có thể xử lý sớm. Chính sự cẩn thận, phòng xa đó mà đơn vị đã kịp thời ứng cứu người dân rất nhiều lần. Gần đây nhất, vào giữa tháng 10/2021, nhờ chủ động rà soát địa bàn, đơn vị đã kịp thời cứu giúp 5 người dân đang bị cô lập giữa sông A Sáp trong khi dòng lũ từ thượng nguồn đang ào ào đổ về.

Thực tế, khi có tình huống thiên tai, những người lính Biên phòng luôn là lực lượng xung kích có mặt đầu tiên ứng cứu dân và là những người sau cùng rời đi khi đã đảm bảo an toàn cho người dân. Các anh đến với người dân bằng trái tim đầy nhiệt huyết một cách nhanh nhất, kịp thời nhất mà không nề hà gian khổ, nguy hiểm, không mảy may tính toán thiệt hơn.

Trong ký ức của người dân miền Trung hẳn không thể nào phai nhòa những hình ảnh mưa lũ, sạt lở đất kinh hoàng trong gần hai tháng xảy ra lũ chồng lũ, bão chồng bão vào cuối năm 2020. Doanh trại bị hư hỏng do mưa bão, nhà riêng của nhiều CBCS BĐBP cũng bị ngập lũ, tốc mái… nhưng tất cả đều gác lại, tỏa xuống địa bàn, ưu tiên cứu giúp dân trước. Trong lũ dữ, những người lính quân hàm xanh di chuyển như con thoi bằng các loại phương tiện chạy đua với thời gian để cứu dân.

Đêm tối mịt mùng, trong biển nước mênh mông, CBCS BĐBP Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… đã ngược dòng lũ dữ tới từng thôn xóm, di tản người dân tới nơi an toàn. Cũng chính những người lính Biên phòng chạy ca nô tìm tới từng nhà dân vùng ngập sâu tiếp tế lương thực, thực phẩm, đảm bảo người dân không bị đói, khát và rét. Nhiều CBCS BĐBP mệt lả vì dầm mưa, vì nhiều đêm không được ngủ vẫn gắng sức chăm lo cho dân chu toàn. Trong cảnh nước lũ mênh mông, BĐBP đã trở thành điểm tựa giúp người dân yên tâm hơn, bớt lo lắng, căng thẳng, có thêm động lực tinh thần để vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Có thể nói, trong thiên tai, hoạn nạn, mỗi khi gian nguy, người ta càng thấy rõ hơn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” hết lòng vì dân trong mỗi người lính Biên phòng.

Bích Nguyên

Nhận xét