Hệ giá trị quốc gia là hồn cốt văn hóa, âm thầm chảy trong trái tim, suy nghĩ người Việt

 

9 giá trị tiêu biểu của hệ giá trị quốc gia là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Chương trình Góc nhìn văn hóa ngày 9/11 đề cập tới một vấn đề tưởng vĩ mô nhưng thực ra lại rất bình dị, là sợi dây vô hình gắn kết hàng triệu người con đất Việt. Một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam nhưng chiến thắng nhiều kẻ thù mạnh hơn mình trong lịch sử của đất nước. Nguyên nhân không gì khác bởi cả dân tộc chung một ý chí, chung một khác vọng tự do hòa bình. Đó cũng chính là biểu hiện sinh động nhất của hệ giá trị quốc gia. Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phát triển, triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia sau hơn 25 năm nghiên cứu, hoàn thiện qua nhiều kỳ đại hội.

Ngay từ Đại hội lần thứ 8 năm 1996, khi đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, Đảng đã đặt ra vấn đề phải hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới, phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại. Trải qua hơn 25 năm, những nghiên cứu đúc rút về hệ giá trị quốc gia được thực hiện qua hàng chục công trình nghiên cứu lớn và tổng kết qua các kỳ Đại hội Đảng. Đặc biệt, đến Đại hội XIII, khái niệm hệ giá trị quốc gia chính thức được xác định, như một trong 4 hệ giá trị quan trọng nhất.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết 9 giá trị tiêu biểu của hệ giá trị quốc gia là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Trong đó, giá trị được đặt lên đầu tiên là hòa bình. Bởi cùng với độc lập, thống nhất, đây là những giá trị thiêng liêng nhất, là khát vọng muôn đời của cả dân tộc Việt Nam.

“Không chỉ đúc rút từ trong quá khứ mà hệ giá trị quốc gia, hay nói chính xác là hệ giá trị quốc gia dân tộc, còn là hệ giá trị lý tưởng, nó có ý nghĩa định hướng hoạt động của con người nói chung. Bằng hai vế ý nghĩa như vậy từ bản chất của giá trị, hệ giá trị quốc gia dân tộc được chúng ta đánh thức vào thời điểm này là vô cùng có ý nghĩa để đạt được mục đích Đại hội XIII ghi rõ đến năm 2030 – 2045 và xa hơn”, GS.TS Hồ Sĩ Quý – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ.

“Khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam có ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời điểm. Dù ở lúc hòa bình thì vẫn mong cuộc sống đó được kéo dài, làm sao để bền vững”, GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Khi chiến tranh đi qua, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển và hội nhập, tất yếu sẽ hình thành những giá trị mới của quốc gia. Đó là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Đến nay, khát vọng đó càng mạnh mẽ, thôi thúc hơn bao giờ hết. Đó là nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong lao động sản xuất, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, từ người nông dân đến tri thức trẻ, để Việt Nam giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần.

Với Việt Nam, dân giàu là gắn với cả vật chất và tinh thần, là gắn với xóa bỏ bình đẳng, đảm bảo an sinh xã hội để mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả của phát triển chứ không giành riêng cho nhóm người nào. Dân giàu phải gắn liền với khát vọng cống hiến để phát triển đất nước hùng mạnh. Có thể thấy, một nền tảng xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh cho đến hệ thống lý luận của Đảng về hệ giá trị, đó là tinh thần vì dân.

“Dân quyền được tôn trọng, dân quốc được đánh thức thì toàn bộ ý chí và sức mạnh dân tộc được vươn lên. Trong giai đoạn tới, từ nay cho đến giai đoạn 2030 – 2045, tất cả sức mạnh của quốc tế, của thời đại có thể được tích lũy và tập hợp trên cơ sở phát huy sức mạnh của dân. Khi tất cả sức mạnh tổng hợp của nhân dân được nhân lên, tích hợp lại thì mới tạo thành sức mạnh to lớn để đạt được mục tiêu kỳ vọng đặt ra vào năm 2030 – 2045”, TS Hồ Sĩ Quý nói thêm.

Dân giàu nước mạnh phải dựa trên nền tảng của dân chủ, công bằng và văn minh. Đích đến cuối cùng là hạnh phúc. Đây là những giá trị mới mang tính thời đại, cần các nhà nghiên cứu, tầng lớp nhân dân phân tích, hoàn thiện để sớm đi đến thống nhất. Sắp tới đây, hội thảo quốc gia bàn về nội dung này sẽ được tổ chức. Hệ giá trị quốc gia chính là hồn cốt văn hóa, âm thầm chảy trong trái tim, suy nghĩ của mỗi chúng ta. Giờ đây, chúng ta cùng nhận diện, gọi đúng tên, đánh thức và cùng nhau thắp lửa cho những giá trị ấy.

Theo vtv.vn

Nhận xét