Hôm nay, 29/11, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Nhân dịp này, Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn GS, TS Phùng Hữu Phú-Nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương về các nội dung quan trọng của Hội thảo.
Múa rồng ở đền vua Đinh Tiên Hoàng trong Lễ hội Hoa Lư (Ảnh minh họa: Lê Hồng). |
PV: Thưa Giáo sư, vì sao tại thời điểm này Hội thảo quốc gia về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, lại được tổ chức?
GS, TS Phùng Hữu Phú: Trước hết, Hội thảo quốc gia lần này là triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng. Văn kiện Ðại hội XIII trong định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người, đã đặt lên hàng đầu việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Về ý nghĩa sâu xa, chúng ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, xã hội đang chuyển đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa… Trong chuyển đổi ấy các giá trị trước đây dần dần thay đổi và đang từng bước định hình các giá trị mới. Trong khi giá trị cũ chưa mất hẳn đi, còn giá trị mới chưa định hình hẳn làm nảy sinh tình trạng “hẫng hụt về mặt giá trị”, thậm chí là “khủng hoảng về mặt giá trị”. Việc phải sớm đẩy nhanh việc định hình một hệ giá trị mới để định hướng và dẫn dắt xã hội, dẫn dắt cộng đồng, dẫn dắt con người là rất quan trọng.
Bởi vậy Hội thảo quốc gia lần này vừa triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII, vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đây là Hội thảo rất quan trọng và thiết thực.
PV: Văn kiện Ðại hội XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 đã đề cập về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Giáo sư có thể chia sẻ rõ hơn việc xác định những hệ giá trị này và ý nghĩa của nó với công cuộc phát triển đất nước?
GS, TS Phùng Hữu Phú: Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới là vấn đề hệ trọng. Nhưng đây cũng không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Nhiều công trình nghiên cứu đã bàn về vấn đề này. Ðảng ta, trong các văn kiện quan trọng cũng đã đề cập vấn đề này.
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991 đã đưa ra những định hướng bước đầu về giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) tiếp tục đi sâu và đưa ra những khái niệm về các hệ giá trị đó. Trong thực tiễn, các thành tố của hệ giá trị cũng đã được gợi ra, được đúc kết và ở một chừng mực nhất định đã được thực hiện trong đời sống.
Kế thừa và phát triển các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Ðảng qua các kỳ đại hội và các hội nghị Trung ương về lĩnh vực văn hóa, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh yêu cầu: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
Cuối năm 2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hệ thống lại, khái quát và định hướng khá rõ về những nội dung cơ bản của các hệ giá trị này.
Về hệ giá trị quốc gia, đó là hệ giá trị phản ánh khát vọng cốt lõi, là đích đến để phấn đấu đối với dân tộc, là điều chúng ta đang phấn đấu, đang hướng tới để có một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Từ sự tích hợp những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tư tưởng trong nghị quyết của Ðảng, yêu cầu của đời sống để bước đầu nêu lên những giá trị cốt lõi, cơ bản của quốc gia. Có thể xác định hệ giá trị quốc gia là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Về giá trị văn hóa, trên cơ sở tổng kết lại, kể từ Ðề cương văn hóa (1943) đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) rồi Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra mấy giá trị lớn: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Ðó là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng thấm đẫm tính dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học-những giá trị cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam.
Về hệ giá trị gia đình, là sự tổng kết các phong trào, định hướng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm, đã phấn đấu xây dựng trong thực tế, ở bốn giá trị cơ bản: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Ðây cũng là những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam hiện đại.
Về giá trị con người Việt Nam thời kỳ mới có sự kết hợp những giá trị truyền thống (yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình) với những giá trị mới hình thành trong quá trình phát triển đất nước, trong đổi mới và hội nhập (trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo). Như vậy, giá trị con người Việt Nam thời kỳ mới vừa có những giá trị truyền thống vừa có những giá trị mới đang hình thành từng bước trong đời sống.
Ðại hội XIII nêu mục tiêu phấn đấu rất cao cho đất nước: Năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Ðể thực hiện được mục tiêu ấy, mấu chốt là phải phát huy cho được sức mạnh của văn hóa, sức mạnh con người; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị sức mạnh của nền văn hóa và con người Việt Nam làm động lực để phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc xây dựng bốn hệ giá trị này có ý nghĩa thiết thực góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người.
PV: Thưa Giáo sư, vì sao phải xây dựng đồng bộ cả bốn hệ giá trị?
GS, TS Phùng Hữu Phú: Bốn hệ giá trị này mang tính chính trị, xã hội, được thể nghiệm để đưa vào đời sống, có quan hệ tương tác rất mật thiết, trong đó các chuẩn mực giá trị con người là trung tâm (con người là chủ thể). Hệ giá trị này tương tác với hệ giá trị kia trong mối quan hệ nhân quả. Giá trị này vừa là nhân của giá trị kia vừa là kết quả tác động của giá trị kia, người ta gọi đây là mối quan hệ rất khăng khít và biện chứng. Chính con người góp phần tạo ra giá trị của gia đình, góp phần tạo ra giá trị của văn hóa và tạo ra giá trị của quốc gia.
Giá trị gia đình Việt Nam là sự tích hợp các giá trị của cộng đồng, thành viên trong một tổ ấm gia đình, có sự tác động, bồi đắp của văn hóa, có những giá trị của quốc gia và chính là những giá trị trực tiếp tạo môi trường để nuôi dưỡng những chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam.
Còn giá trị văn hóa là tổng hòa các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, giá trị nền tảng, trên cơ sở đó bồi đắp giá trị con người, bồi đắp giá trị gia đình và là thành tố cơ bản để tạo nên giá trị quốc gia. Giá trị quốc gia vừa là sản phẩm tích hợp của các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người, đồng thời là một giá trị tổng quát, xác định mục tiêu hướng tới của một quốc gia, dân tộc, có tính động lực cho cả một đất nước, dân tộc phấn đấu phát triển.
PV: Vậy làm thế nào để đưa những hệ giá trị này thấm sâu và trở thành những điều tự nhiên trong đời sống hằng ngày, thưa Giáo sư?
GS, TS Phùng Hữu Phú: Văn hóa là lĩnh vực rất tự nhiên, nó phải thấm dần và thấm một cách tự nguyện. Công cuộc xây dựng các hệ giá trị cần những giải pháp rất cụ thể, cần phải triển khai một cách đồng bộ, có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt phải kiên trì, nghiêm túc, thực hiện thường xuyên, liên tục.
Sau Hội thảo, công việc sẽ rất bộn bề. Phải có “tổng chỉ huy”, phải có “bộ tư lệnh”, có “đội quân chủ lực” để thực hiện. Trong đó đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà báo là những người tiên phong tuyên truyền, định hướng, quảng bá, tổng kết, động viên cổ vũ thường xuyên…, để vấn đề xây dựng các hệ giá trị trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội.
Trước tiên, phải tuyên truyền đầy đủ, hệ thống, sâu sắc về việc xây dựng các hệ giá trị. Phải thay đổi bằng được nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vấn đề này.
Trên cơ sở những việc phải làm, phải cụ thể hóa thành các tiêu chí, các chuẩn mực cụ thể, phù hợp từng địa bàn, từng đối tượng. Nhà nước, chính quyền các cấp phải thể chế hóa các hệ giá trị thành pháp luật, thành các quy định, quy chế, chế tài làm bệ đỡ, làm hành lang pháp lý để nuôi dưỡng, phát triển và bảo vệ các hệ giá trị này.
Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội phải xem đây là công việc quan trọng, cốt lõi của mình. Phải vận động thuyết phục từng nhà, chăm lo từng người thì mới hình thành được các giá trị mới, lấy cái tốt dẹp cái xấu. Từ đó mới hình thành được các hệ giá trị bắt đầu từ các chuẩn mực giá trị con người.
Hy vọng trong vòng 5-10 năm tới, các hệ giá trị mà chúng ta đang hướng tới sẽ định hình ngày càng rõ hơn, phát huy sức mạnh ngày càng tích cực hơn trong đời sống.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
TÔ NAM (thực hiện)
Nhận xét
Đăng nhận xét