Quan điểm của Hồ Chí Minh về lãnh đạo và kiểm soát trong tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” và giá trị vận dụng hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lập, tháng 7-1958
Lãnh đạo và kiểm soát là vấn đề trọng tâm trong định hướng và tổ chức thực hiện quyền lực chính trị. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một mục riêng để bàn về nội dung này. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết và lâu dài, liên quan tới sứ mệnh của đảng cầm quyền. Vì vậy, làm rõ quan điểm về lãnh đạo và kiểm soát của Người là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, nhất là trong việc xác định các giải pháp kiểm soát quyền lực chính trị giai đoạn hiện nay.
1. Vấn đề lãnh đạo và kiểm soát trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc
Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc ra đời khi cuộc kháng chiến chống Pháp của Đảng và nhân dân ta bước vào giai đoạn tập trung, quyết liệt. Trước đó, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (tháng10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân”(1).
Đến tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, sau khi đề cập đến các mục “Phê bình và sửa chữa”, “Mấy điều kinh nghiệm”, “Tư cách và đạo đức cách mạng”, “Vấn đề cán bộ”, Hồ Chí Minh viết mục “Cách lãnh đạo”, trong đó phân tích ba nội dung chính là: “Lãnh đạo và kiểm soát”(2); “Lãnh đạo như thế nào?”(3) và khẳng định để lãnh đạo đúng thì Đảng và Chính phủ cần: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”(4). Từ đó, Người khẳng định nhân dân chính là chủ thể của quyền lực nhà nước; cán bộ, đảng viên phải luôn gắn bó với nhân dân, tự giác chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong xây dựng Đảng và chính quyền.
Như vậy, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đề cập vấn đề lãnh đạo và kiểm soát quyền lực chính trị đối với Đảng cầm quyền.
Thứ nhất, lãnh đạo phải lấy quần chúng nhân dân làm chủ thể
Trong mục “Lãnh đạo và kiểm soát”, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra yêu cầu đối với sự lãnh đạo của Đảng: “Chẳng những phải lãnh đạo quần chúng, mà lại phải học hỏi quần chúng”(5). Sau khi phân tích cơ sở khách quan (cách mạng là sự nghiệp của quần chúng), chủ quan (chủ thể thực hiện sự lãnh đạo là Đảng, đảng viên, quần chúng) và mối quan hệ giữa lãnh đạo và quần chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Tức là, Đảng phải luôn nhận thức được quần chúng là chủ thể, là nguồn sức mạnh của Đảng; đảng viên là gốc của mọi công việc, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Đảng không được phép lơ là trong xây dựng mối liên hệ với quần chúng. Đặc biệt, phải chống căn bệnh kiêu ngạo – nguồn gốc sinh ra bệnh quan liêu, làm hại tới sự lãnh đạo của Đảng.
Hồ Chí Minh khẳng định, quyền lực thuộc về nhân dân bắt đầu từ vấn đề chính thể. Tất cả mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng, ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình.
Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định chủ thể của quyền lực nhà nước là nhân dân, mà Nhà nước phải tạo mọi điều kiện về pháp lý và thực tế để nhân dân khẳng định quyền làm chủ của mình. Quan điểm Hồ Chí Minh về chủ thể quyền lực là một sự sáng tạo lớn trong nhận thức và tổ chức thực hiện quyền lực cho nhân dân Việt Nam, đó là thể hiện chủ thể quyền lực của nhân dân trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người cũng nêu rõ những yếu tố dẫn đến nguy cơ tha hóa quyền lực đối với tổ chức đảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên. Do vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực để bảo đảm sự lãnh đạo đúng của Đảng là yêu cầu khách quan nhằm xây dựng cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân và phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong Đảng. Đây là cơ sở tất yếu dẫn đến vai trò của kiểm soát quyền lực chính trị trong lãnh đạo, cầm quyền.
Thứ hai, kiểm soát là yêu cầu tự nhiên, tất yếu trong tổ chức, thi hành quyền lực
Bởi, quyền lực có tác động lớn đến nhận thức và hành động của con người. Với người có đạo đức, quyền lực sẽ có vai trò tích cực. Với người thiếu đạo đức thì quyền lực sẽ bị tha hóa, gây hậu quả xấu tới sự phát triển của xã hội. Vì vậy, kiểm soát là hoạt động bảo đảm tính minh bạch trong thực thi quyền lực và cải tạo, biến đổi những quyết định sai lầm. Trong xã hội dân chủ, kiểm soát phải được tiến hành có hệ thống, lấy uy tín của người đứng đầu để nêu gương cho tổ chức và cấp dưới. Tính tự chịu trách nhiệm cũng phải trở thành thước đo cho hoạt động lãnh đạo, tổ chức, điều hành quyền lực, dù là trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào; không phân biệt chủ thể là cấp cao nhất hay cấp thấp nhất.
Người giải thích lý do phải thực hiện kiểm soát: “Vì ba điều mà cần phải có kiểm soát như thế: 1. Có kiểm soát như thế mới biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu. 2. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các cơ quan. 3. Mới biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”(6). Như vậy, kiểm soát là bà đỡ cho quyền lực chân chính, là phương thức hữu hiệu để đề phòng, ngăn chặn và chữa trị những biểu hiện tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh khẳng định, quyền lực thuộc về nhân dân bắt đầu từ vấn đề chính thể. Tất cả mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng, ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình.
Để kiểm soát tốt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nguyên tắc: “kiểm soát theo nguyên tắc dân chủ tập trung, phê bình và tự phê bình, những nguyên tắc mà Đảng phải thực hành triệt để”; “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Điều kiện của kiểm soát là: “muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.
Người đặt câu hỏi: “Kiểm soát cách thế nào?… phải đi tận nơi, xem tận chỗ”(7) và khẳng định kiểm soát có hai cách: một cách là từ trên xuống, một cách là từ dưới lên. Người nói thêm: “Ở quần chúng, khai hội, phê bình và bày tỏ ý kiến, bầu cử các ủy ban, các hội đồng, v.v.; đó là những cách quần chúng kiểm soát những người lãnh đạo”(8).
Thực tiễn khẳng định, một mặt kiểm soát bảo đảm quyền lực nhà nước không nằm ngoài pháp luật; mặt khác, kiểm soát giúp quần chúng nhân dân được thực hiện đầy đủ các quyền công dân như quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận. Các quyền này đều có giá trị quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do bầu cử, ứng cử vào các cơ quan nhà nước. Đây là những phương thức cơ bản để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong điều kiện kháng chiến và kiến quốc ở Việt Nam.
Thứ ba, kiểm soát là nội dung, phương thức, nguyên tắc bảo đảm cho lãnh đạo đúng
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lãnh đạo đúng nghĩa là: 1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng… 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng… 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(9). Có thể khẳng định, “lãnh đạo đúng” bao gồm ba nội dung: ra quyết định, tổ chức thi hành quyết định và tổ chức kiểm soát. Theo Hồ Chí Minh, cơ sở của lãnh đạo đúng là sự tin tưởng, lắng nghe và ủng hộ của quần chúng nhân dân. Trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo là hoạt động nhận thức, tổ chức và kiểm soát quyền lực, nên ba nội dung này có mối quan hệ biện chứng, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Trong đó, kiểm soát là yêu cầu, phương thức, điều kiện bảo đảm cho việc ra quyết định và tổ chức thi hành quyết định lãnh đạo đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.
Lãnh đạo là hoạt động của Đảng ta, là quá trình tổ chức, thi hành quyền lực chính trị cho nhân dân; lấy đội ngũ cán bộ, đảng viên làm lực lượng chính; lấy xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân làm thể chế quản lý xã hội; lấy các tổ chức chính trị – xã hội làm thiết chế giám sát, hỗ trợ cho các nội dung lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước. Thực chất của lãnh đạo đúng là vấn đề tổ chức kiểm soát quyền lực chính trị có hệ thống, thúc đẩy đổi mới và phát triển đất nước.
Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, trong điều kiện quá độ lên CNXH, các công việc trên giữ vị trí trọng yếu bảo đảm cho quyền lực chính trị thực sự thuộc về nhân dân. Vì thế, Người nhất quán vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị không chỉ dừng lại ở việc Đảng định hướng, Nhà nước thực hiện quyền lực công mà còn hướng đến xây dựng Nhà nước tích cực hơn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy tối đa năng lực làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Đây là biện pháp hữu hiệu để gia tăng vai trò của kiểm soát quyền lực trong xây dựng Đảng và chính quyền.
2. Vận dụng quan điểm về lãnh đạo và kiểm soát quyền lực chính trị của Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Từ Đại hội VI (năm1986) đến Đại hội XIII (năm2021), cụ thể là các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta hết sức chú trọng. Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và được xem là nền tảng, trụ cột trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Sự ra đời của các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức, đặc biệt là Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là một trong những văn kiện thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta.
Để vận dụng và phát triển quan điểm Hồ Chí Minh về lãnh đạo và kiểm soát quyền lực chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cần tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
Một là, lãnh đạo phải dựa vào dân: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”(9). Đây là giải pháp căn bản, có tính chiến lược đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quan điểm lấy dân làm gốc của Hồ Chí Minh phù hợp với quan điểm hiện đại về quyền lực, khi mà năng lực lãnh đạo, cầm quyền không chỉ hạn chế trong quyền lực cứng của quân đội, công an, hay quyền lực tài chính mà còn phụ thuộc rất lớn vào quyền lực mềm. Tức là “cách thiết lập những chương trình từng bước thu phục mà không cần gây ảnh hưởng tới thực thể khác bằng sự khôn ngoan của trí tuệ, bằng sức hấp dẫn và sự hợp tác chứ không phải bằng vũ lực hay tiền bạc”(10).
Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền gắn với tăng cường công tác dân vận. Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phải nhận thức sâu sắc rằng, nhân dân là chủ thể của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân phải trở thành nhu cầu tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy, nâng cao nhận thức và thái độ phục vụ nhân dân của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-02-2019, của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, lấy lôi cuốn, thuyết phục hơn là ép buộc, cưỡng chế.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận lấy việc tuân thủ các quy tắc, nghĩa vụ đạo đức đối với nhân dân là một giải pháp có tính quyết định tới các giải pháp khác nhằm thu hút các nguồn lực của dân để làm lợi cho dân. Mặt khác, sự nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu sẽ là phương thuốc hữu hiệu để hạn chế những biểu hiện tha hóa quyền lực nhằm tôn trọng tối đa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Tuy nhiên, Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra,công tác dân vận có nơi, có lúc còn hạn chế, nhất là vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp. Quyền lực chính trị của Đảng và Nhà nước ta được bảo đảm bằng sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách. Do đó, hoàn thiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội là giải pháp rất quan trọng đối với sự phát triển của Đảng và dân tộc.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền thì Đảng cần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả. Đây là giải pháp trọng tâm trong công tác dân vận chính quyền, nhất là ở các cơ quan hành chính nhà nước. Các giải pháp này sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ.
Hai là, muốn lãnh đạo đúng thì Đảng phải tổ chức sự kiểm soát, trước tiên là vấn đề “chọn người và thay người”(11). Lựa chọn đúng cán bộ, đảng viên có đức, có tài là vấn đề trọng yếu, liên quan đến hiệu quả lãnh đạo và kiểm soát quyền lực chính trị.
Hồ Chí Minh xem lựa chọn cán bộ là khâu then chốt của then chốt, trong đó, Người đặc biệt đề cao vấn đề đạo đức. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Mỗi người đứng đầu phải trở thành tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, có tín nhiệm cao nơi làm việc. Sự gương mẫu của họ trở thành một phương thức lãnh đạo mới, xây dựng môi trường văn hóa chính trị tốt đẹp để tạo ra sự hứng khởi từ quần chúng nhân dân, thu hút nhân dân tham gia vào xây dựng Đảng và chính quyền. Đây là giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả lãnh đạo và kiểm soát quyền lực chính trị.
Ba là, tổ chức kiểm soát quyền lực đúng và đủ.
Thực chất quan điểm Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là vấn đề kiểm soát quyền lực chính trị. Cơ sở thực hiện kiểm soát quyền lực là vấn đề nhận thức và tổ chức kiểm soát của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, với tư cách là người được ủy quyền, thay mặt nhân dân trong thực thi quyền lực.
Kiểm soát quyền lực chính trị phải dựa trên quan điểm Hồ Chí Minh về nội dung, phương thức, nguyên tắc của kiểm soát. Từ việc lựa chọn đúng cán bộ, đảng viên có đức, có tài đến thực hiện các chương trình phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân bị tha hóa quyền lực, đặc biệt là tình trạng lạm quyền trong công tác cán bộ.
Thực tiễn sự ra đời của Quy định 205-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là sự vận dụng quan điểm kiểm soát quyền lực chính trị của Hồ Chí Minh nhằm khắc phục những sai phạm trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Tiếp tục thực hiện tốt và tổng kết kết quả thực hiện các quy định trên là một giải pháp trọng tâm.
Việc sử dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho nhân dân cần được kiểm soát có hệ thống với quy trình cụ thể. Chú trọng xác định hệ chuẩn mực mối quan hệ giữa Đảng với dân, giữa Nhà nước với nhân dân, giữa các tổ chức chính trị – xã hội với thành viên, giữa nhân dân với nhân dân để mang lại lợi ích cao nhất cho nhân dân.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không chỉ phân quyền mà còn quy định rõ phải phân công, phân nhiệm và kiểm soát giữa ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nội dung này là cơ sở pháp lý quan trọng để kiểm soát quyền lực ở nước ta. Vì vậy, xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ,chặt chẽ với các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực là yêu cầu khách quan để tổ chức kiểm soát quyền lực đúng và đủ. Trong đó, cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng, quy trình công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt gắn với kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng cấp trên đối với cấp dưới, phát huy vai trò giám sát của nhân dân và chú trọng ứng dụng khoa học – công nghệ vào hoạt động kiểm tra, giám sát cán bộ là những giải pháp hạn chế sự độc đoán, chuyên quyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.
Mối quan hệ giữa lãnh đạo và kiểm soát thể hiện trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị đến hiện nay. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thực hiện kiểm soát khéo thì căn bệnh tha hóa quyền lực sẽ khó có cơ hội nảy sinh trong Đảng. Mặt khác, lãnh đạo đúng sẽ tạo ra môi trường văn hóa cho hoạt động kiểm soát được thực hiện đúng và đủ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Vận dụng quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng cơ chế, giải pháp kiểm soát quyền lực chính trị ở nước ta là yêu cầu tất yếu nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng và sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.
(Nguồn LLCT)
————————————-
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.64-65.
(2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.325, 327, 333, 325, 325, 327, 328, 327, 326, 326.
(11) Joseph S. Nye Jr.: Quyền lực để lãnh đạo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, tr.78-79.
Nhận xét
Đăng nhận xét