Thực tiễn lịch sử dân tộc đã chứng minh, triều đại nào biết trọng dụng nhân tài thì đất nước thái bình, vương triều thịnh trị; ngược lại, tất sẽ thất bại, suy vong. Từ bài học lịch sử, là Người sáng lập và rèn luyện Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều cách thức khác nhau, với tư duy sáng tạo, tầm nhìn đặc biệt đã từng bước xây dựng nên một lớp nhân tài thời đại Hồ Chí Minh, đóng góp to lớn vào thành công của sự nghiệp cách mạng. Những cách thức của Người là cơ sở quan trọng để chúng ta vận dụng trong bối cảnh hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nhân tài, xem nhân tài là hồn cốt, quyết định sự thịnh suy của sự nghiệp cách mạng
Sinh thời, Người đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, đến đào tạo nhân tài. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Như vậy, mọi việc đều bắt đầu từ con người và sự nghiệp cách mạng như thế nào đều do con người quyết định. Với tư tưởng ấy, ngay từ khi tìm ra con đường cứu nước, một trong những việc làm đầu tiên của Người đó là “tìm ra những hạt giống đỏ” để huấn luyện trở thành những người chiến sĩ cách mạng. Năm 1925, Người lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên nhằm mục đích này. Nhưng “những hạt giống đỏ ấy” không chỉ kinh qua lý luận, mà cần rèn luyện bản lĩnh, ý chí sắt đá trong thực tiễn, do vậy Hội đã thực hiện “vô sản hóa” nhằm rèn luyện bản lĩnh cách mạng, hình thành lớp nhân tài đầu tiên của Đảng.
Tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô, sang căn cứ địa Diên An, Trung Quốc hoạt động.Tại đây, Người liên lạc với tổ chức Đảng, tập hợp xây dựng đội ngũ cán bộ, Người như một cánh chim kết đoàn thành một đàn chim với những nhân tài thời loạn của Việt Nam lúc bấy giờ. Mùa xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước, tiếp tục xây dựng đội ngũ nhân tài, chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong điều kiện đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, Người đã ra chiếu cầu hiền để kêu gọi “nhân tài” góp sức kiến thiết đất nước. Khi đất nước bước vào thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trải qua các kỳ Đại hội II, III với những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề Người vẫn thường xuyên “thực hiện chiêu hiền, đãi sĩ”, xây dựng những lớp nhân tài kế cận khác nhau cho Đảng, cho đất nước, góp phần quan trọng giải quyết những yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh biết nhìn người, nhìn được chiều hướng phát triển của sự nghiệp cách mạng, đất nước từ đó sáng tạo, linh hoạt trong lựa chọn, đánh giá, sử dụng nhân tài
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của người đứng đầu hay tổ chức chính trị trong việc trọng dụng nhân tài là phải biết nhìn người, nhìn tướng, nhìn được khả năng và nhân phẩm của họ. Đồng thời phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược thấy được sự phát triển của cách mạng, cái cần của sự nghiệp cách mạng và đặt người đó vào vị trí ấy sẽ tỏa sáng, tạo ra sự phát triển cho sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rất tốt điều này.
Năm 1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, lúc bấy giờ là những thanh niên yêu nước, nghe nói nhiều đến Nguyễn Ái Quốc, có sức hút rất lớn, đã vượt biên sang Trung Quốc và may mắn được gặp Bác tại Thúy Hồ, Côn Minh Trung Quốc. Cuộc gặp lịch sử giữa những vĩ nhân ấy đã tạo ra bước ngoặt cho sự nghiệp cách mạng của riêng cá nhân và đất nước. Trong cuộc gặp Bác đã định hướng rằng, “chú Văn nên học thêm về quân sự, chú Tô nên học thêm về hành chính”, có lẽ từ cuộc gặp ấy Bác đã thấy được một tư chất, năng khiếu riêng của hai con người ấy, để sau này một người là Đại tướng lừng lẫy và một người là Thủ tướng. Năm 1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng, báo chí nước ngoài đã hỏi rằng ông Giáp chưa học qua một trường lớp nào về quân sự tại sao lại phong Đại tướng, Bác đã trả lời rằng đánh thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng. Hay như Bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch trong thời kỳ kháng chiến đầy khó khăn, chưa kinh qua trường lớp về hành chính nhưng được Bác trực tiếp đến phong tại nhà riêng, Bác nói rằng “chú là chủ tịch thành phố, Bác là chủ tịch nước nhưng chúng ta đều là đầy tớ của dân”. Từ câu nói ấy, Bác sĩ Trần Duy Hưng đã lấy đó làm tôn chỉ, vừa làm vừa học, vừa tự chỉnh đốn hoàn thiện bản thân, tạo nên một chủ tịch thành phố in đậm trong lòng người dân Tràng An – Hà Nội dù trong điều kiện chiến tranh rất khó khăn. Điều ấy để nói rằng trong đánh giá “nhân tài” không phải chỉ trọng bằng cấp mà phải biết nhìn người, coi trọng sự tự học, tự rèn luyện và hiệu quả thực tiễn.
Đồng thời trong sử dụng “nhân tài” phải linh hoạt vừa nhẹ nhàng, nhưng phải cương quyết, bởi họ cũng là con người, có lúc này lúc khác. Trong buổi lễ phong tướng năm 1948, tướng Nguyễn Sơn, một vị tướng rất giỏi, được mệnh danh là “lưỡng quốc tướng quân”, được phong thiếu tướng, ông đã tỏ thái độ không vừa lòng, buột miệng nói rằng “thừa tướng ta còn không làm huống chi thiếu tướng”, sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm một bài thơ rất ý nghĩa để nhắc nhở tướng Nguyễn Sơn, có những câu như “tâm dục tế, đảm dục đại, trí dục viên, hành dục phương”. Nhưng nếu những người đó mà mất đạo đức thì Người cũng xử lý rất cương quyết như trường hợp của Đại tá, Cục trưởng cục quân nhu Trần Dụ Châu. Trong điều kiện chiến tranh khó khăn nhưng Trần Dụ Châu đã tha hóa, sa vào lợi ích cá nhân, vui chơi hưởng lạc, Người đã cương quyết diệt một cái cây để cứu lấy cả khu rừng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu trí thức Quốc hội khóa III
Chủ tịch Hồ Chí Minh là trung tâm của sự hội tụ nhân tài, kết tinh và biểu tượng của giới tinh hoa đất nước thời đại Hồ Chí Minh
Trong chuyến thăm Pháp năm 1946, Người đã thuyết phục được nhiều nhân tài về phục vụ cho đất nước, tiêu biểu như Phạm Quang Lễ, sau này là Giáo sư viện sĩ Trần Đại Nghĩa, sẵn sàng từ bỏ mức lương rất cao, đến mấy chục lạng vàng lúc bấy giờ để theo Bác về hoạt động trong kháng chiến. Bác cũng cảm hóa được người từng có ý định giết mình như Tạ Đình Đề để đi theo cống hiến cho cách mạng. Bác như là viên nam châm có sức hút lớn, tạo ra niềm tin, động lực cho các “nhân tài” cống hiến hết mình.
Vậy, cái gì có sức hút mãnh liệt như vậy? Có lẽ đó là xuất phát từ cái tâm chính trị trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 21/1/1946, khi trả lời báo chí nước ngoài, Người nói rằng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Với ham muốn cao cả vì dân, vì nước ấy, Người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng.
Trong đánh giá, sử dụng cán bộ cũng vậy. Người luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, mà không màng đến những điều gì khác, hi sinh cá nhân vì sự nghiệp cao cả. Trong bối cảnh đất nước mới giành được độc lập, Người đã không chọn người trong Đảng để giao quyền khi sang thăm Pháp hơn 4 tháng mà giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ yêu nước. Trong bối cảnh đất nước bị chia làm hai miền, Người đã không cử những người thân cận như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và đặt niềm tin vào đồng chí Lê Duẩn, một người hiểu cách mạng miền Nam, hiểu nhân dân miền Nam cần gì và điều cuối cùng đó là “đất nước trọn niềm vui”.
Ngày nay, đất nước sau hơn 35 năm Đổi mới “đã có cơ đồ, tiềm lực, vị thế” lớn hơn bao giờ hết, đó là cống hiến tài năng, trí tuệ và đạo đức của biết bao lớp thế hệ nhân tài kết tinh thành sức mạnh dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Trong vận hội mới, điều kiện mới, một bài học quan trọng là Đảng cần phải tiếp tục tăng cường tập hợp, xây dựng trong Đảng những “nhân tài” của thời đại mới. Muốn làm được điều đó, các cấp ủy Đảng cần phải đẩy mạnh học tập phong cách Hồ Chí Minh, học Bác những cách làm hay trong sử dụng, đánh giá cán bộ, học Bác “để lòng ta trong sáng hơn”.
Nhận xét
Đăng nhận xét