Đẩy mạnh tuyên truyền hệ giá trị quốc gia, văn hoá, gia đình, con người Việt Nam thời kỳ mới

 

Chiều 25/10, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo “Hội thảo khoa học: Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Tham dự cuộc họp có các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý của Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan phối hợp thực hiện.

Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Bộ phận Thường trực Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc triển khai xây dựng, cụ thể hóa “Hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo Khoa học: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều khẳng định, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Bác Hồ luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác văn hoá. Trong Cương lĩnh và nhiều nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề cập đến văn hóa, trong đó Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đề cập rất rõ về phát triển văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã xác định, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.

Cùng với làm rõ những phần công việc liên quan tới kế hoạch và công tác chuẩn bị cũng như nội dung Hội thảo, các đại biểu cho rằng, Hội thảo là dịp để tiếp tục khẳng định về giá trị cốt lõi của hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Đồng thời, là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa trao đổi, nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp, nhiều vấn đề mới có tính định hướng về hệ giá trị hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới… Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau Hội thảo.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cảm ơn những ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng thời khẳng định Hội thảo sắp tới là một nhiệm vụ rất quan trọng, là dịp để tiếp tục khẳng định hệ giá trị quốc gia; hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Qua đó làm rõ, làm sáng tỏ, phát triển các nội hàm về văn hóa, tạo tiền đề để triển khai, sáng tạo, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhắc lại những nhiệm vụ trong bài phát biểu Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị chủ đề xuyên suốt của Hội thảo phải bám sát vào những định hướng chặt chẽ trong bài phát biểu của Tổng Bí thư. Theo đó, phải xác định cho được nội dung các hệ giá trị quốc gia, để “phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, theo như lời Tổng Bí thư đã nêu.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hệ giá trị đi vào cuộc sống, phải đi vào cuộc sống, phải thấm vào sâu đời sống của các tầng lớp nhân dân, với tinh thần Tổng Bí thư đã nhiều lần nói “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng” và “Dọc ngang thông suốt”.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu công tác chuẩn bị Hội thảo đổi mới, sáng tạo hơn, chuẩn bị nội dung thật kỹ lưỡng, sắp xếp khoa học, hợp lý, chặt chẽ. Trong đó, thành phần tham gia Hội thảo tập trung vào các chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá, các trường Đại học lớn của khu vực; nghiên cứu mời các tổ chức văn hóa thế giới như UNESCO, chuyên gia quốc tế…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan báo chí – truyền thông tích cực đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung, chủ đề liên quan đến “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; chú trọng xây dựng những chuyên trang, chuyên mục cụ thể về văn hoá, câu chuyện văn hoá…

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, bên lề Hội thảo cần tổ chức triển lãm sách, trong đó có chuyên đề sách nghiên cứu về văn hoá; nghiên cứu tổ chức triển lãm về công nghệ văn hoá trong đời sống hiện đại; đồng thời, nghiên cứu tổ chức biên soạn cuốn sách mang tính hệ thống về văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh, tình hình mới…/.

Nhận xét