Quyền tự do hội họp, lập hội ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm

 

Quyền tự do hội họp, lập hội ở ViệtNam luôn được tôn trọng và bảo đảm

Quốc An

Một trong những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam thời gian qua là quyền tự do hội họp, lập hội. Các thế lực thù địch, phản động cho rằng ở Việt Nam quyền tự do hội họp, lập hội không được tôn trọng và bảo đảm, còn nhiều người bị phạt tù do thực hiện quyền tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác…

Theo cách nói của các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động thì quyền tự do hội họp, lập hội là thứ “tự do tuyệt đối” và vì thế lợi dụng thực hiện quyền tự do hội họp, lập hội họ cố tình tìm cách gieo rắc vào trong nhân dân tư tưởng “tự do hội họp, lập hội tuyệt đối”, đòi “tự do vô hạn độ” không trong khuôn khổ pháp luật. Đây là một sự suy diễn vô lối, một đòi hỏi vô lý và rất nguy hiểm mà chúng ta cần cảnh giác đấu tranh bác bỏ.

Chúng ta đều biết tự do hội họp, lập hội là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948. Điều 20 của Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình”. Tại Công ước châu Âu về nhân quyền năm 1950 (Điều 11) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (Điều 21), quyền tự do hội họp và lập hội tiếp tục được khẳng định. Tuy nhiên, đây không phải là quyền tự do tuyệt đối, tự do vô hạn độ, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định, quyền tự do hội họp và lập hội được giới hạn khi cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ quyền và tự do của người khác (Điều 21); không ai được phép lợi dụng quyền tự do hội họp, tự do lập hội để tuyên truyền cho chiến tranh, hằn thù dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, kích động phân biệt đối xử, tạo thù địch, bạo lực (Điều 20)…

Trên cơ sở luật pháp quốc tế, pháp luật các quốc gia đều khẳng định, tự do hội họp là quyền có thể bị giới hạn trong những trường hợp nhất định nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của công dân.

Tại Việt Nam, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định công dân có quyền tự do hội họp, lập hội… Ngoài ra, quyền tự do hội họp, lập hội của người dân còn được quy định cụ thể tại Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự và nhiều văn bản pháp luật khác. Cùng với việc hiến định trong Hiến pháp, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành một số Chỉ thị liên quan đến hiệp hội như Chỉ thị 01-CT/HĐBT năm 1989 về quản lý tổ chức và hoạt động của các Hội quần chúng; Chỉ thị 202-CT/HĐBT năm 1990 về chấp hành các quy định của Nhà nước về lập hội… Các văn bản luật quy định về quyền tự do hội họp, lập hội của người dân ở Việt Nam đều tương thích với luật quốc tế và tình hình cụ thể của đất nước.

Việt Nam hiện có hàng nghìn hội, đại diện cho ý chí, lợi ích, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các tổ chức và hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật…; các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ đã đăng ký hoạt động.

Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể bao gồm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu Chiến binh Việt Nam…, hàng trăm tổ chức nhân dân bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc với hàng chục triệu hội viên.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc…” ; “…là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”. Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quy định. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức đại diện và hiệp thương ý kiến của tất cả các đoàn thể và tổ chức nhân dân trong lĩnh vực chính trị, xã hội và các tổ chức nghề nghiệp, tôn giáo, dân tộc với đại diện của tất cả 54 dân tộc anh em.

Ngoài hàng chục tổ chức công đoàn cấp quốc gia, ở Việt Nam còn có hàng nghìn tổ chức công đoàn ở cơ sở địa phương. Thực tế cho thấy các tổ chức này đã tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua các văn bản hướng dẫn và hợp đồng lao động, đồng thời đóng vai trò đại diện cho người lao động trong thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể… Bên cạnh các tổ chức của thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh…ở Việt Nam còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ… hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó chủ yếu là từ thiện và cứu trợ nhân đạo.

Các tổ chức và hiệp hội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, độc lập và tuân thủ pháp luật. Chính phủ chỉ trợ giúp tài chính nếu các chương trình, dự án và hoạt động phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và lợi ích chung của cộng đồng. Các cơ sở của tổ chức xã hội và cơ sở của tổ chức xã hội nghề nghiệp ở Việt Nam cũng tăng nhanh. Sự phát triển mạnh của các loại cơ sở này chứng tỏ nhu cầu thành lập hiệp hội của người dân tăng nhanh, quyền tự do thành lập và tham gia các tổ chức, hiệp hội của người dân được tôn trọng và bảo đảm. Như vậy, trên cơ sở luật pháp quốc tế luật pháp các quốc gia trên thế giới cũng như luật pháp Việt Nam công nhận quyền tự do hội họp, tự do lập hội của người dân nhưng đó không phải là “tự do vô hạn”, mà phải trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân. Đó là một thực tế khách quan không thể bác bỏ! Những luận điệu tuyên truyền, gieo rắc tư tưởng tự do hội họp, tự do lập hội vô hạn độ thực chất chỉ là trò xuyên tạc, bịp bợm nhằm thực hiện mưu đồ đen tối hòng gây mất ổn định chính trị, ngăn cản sự phát triển bền vững của Việt Nam.   

Nhận xét