Học Bác, hỏi dân – phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhất định thành công
Dương Phương Duy
Tham nhũng – kẻ giấu mình cần vạch mặt, chỉ tên
Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cần phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Muốn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải đồng thời làm nhiều việc, trong đó đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là một trong những nội dung cơ bản của xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Sinh thời, Bác Hồ dạy: “Muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp, thì cần phải diệt những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại”[1]. Bác cho rằng thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt nhưng “cái nọc xấu” của nó là tham ô, lãng phí, quan liêu vẫn còn thì nhiệm vụ của cách mạng vẫn chưa thành công, bởi vì “cái nọc xấu” của việt gian, phản động ngấm ngầm ngăn cản, phá hoại cách mạng, làm hư hỏng những cán bộ, đảng viên kém rèn luyện, tu dưỡng. Tham nhũng là “giặc nội xâm” rất nguy hiểm, phải ra sức tiêu diệt nó; Đảng, Nhà nước phải coi nhiệm vụ này là “đánh giặc trên mặt trận”.
Theo Bác, tham ô “là ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của nhân dân”[2], “là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội”[3]. Bác khẳng định tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù “giấu mặt”, “không mang gươm mang súng” nhưng nó lại nằm ngay trong tổ chức, len lỏi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, núp dưới danh nghĩa “đồng chí, đồng đội” nhưng lại âm mưu hại ta bằng cách ngấm ngầm chống phá, cản trở chúng ta thực hiện nhiệm vụ từ bên trong, làm hỏng công việc cách mạng.
Vì vậy, để xứng đáng là “công bộc của dân”, là “người đầy tớ trung thành cho lợi ích của nhân dân và toàn thể dân tộc”, người cán bộ, đảng viên phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu.
Phòng tránh tham nhũng, bảo vệ mình “từ sớm, từ xa”
(1) Tránh xa tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu; đồng thời, phải xung kích đi đầu trong công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vấn đề này. Bác cho rằng trong đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với trừng phạt; trong đó, lấy giáo dục là chính, còn trừng phạt là phụ. Bởi vì, giáo dục không phải là nói suông, nói cho hay, nói lấy được mà là công tác đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, cần cho cách mạng, hối thúc cách mạng tiến lên. Muốn công tác này đạt hiệu quả, đem lại niềm tin, sự thuyết phục phải lấy sự ngay thẳng, trong sáng của cán bộ, đảng viên làm gương và Đảng, Nhà nước nhất thiết phải thực hiện nghiêm minh việc thưởng – phạt; phải hỏi ý kiến nhân dân vì nhân dân biết rõ sẽ bày cho cách chống tham nhũng hiệu quả. Theo Bác, ở đâu và bao giờ, việc thưởng – phạt thực hiện nghiêm minh và nhân dân vào cuộc chống tham ô, lãng phí, thì khi ấy và ở đó, chống tham ô, lãng phí thành công, nhân dân phấn khởi, yên ổn làm ăn, an cư, lạc nghiệp, niềm tin của họ vào cán bộ, đảng viên mới có chỗ đứng, mới thật sự có sức nặng thuyết phục, và do đó, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công; ngược lại, ở đâu coi thường dân, việc thưởng – phát không nghiêm, thì cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Để thông nhất tư tưởng và hành động, Bác và Chính phủ đã đề ra 10 điểm thưởng, 10 điểm phạt và nói rõ rằng “Ai làm công việc một cách trong sạch, ngay thẳng, sẽ được thưởng”, ai “trộm cắp của công sẽ bị xử tử”[4]. Đó là điều giải thích tại sao vào năm 1950, giữa lúc cách mạng đang vào thời “nước sôi, lửa bỏng”, Bác vẫn dành thời gian chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu vì muốn từng viên thuốc, từng bát gạo phải đến tay chiến sĩ để họ ăn no đánh giặc. Đồng thời, Bác và Chính phủ kiên quyết chỉ đạo việc xét xử các vụ án tham ô, lãng phí, quan liêu. Bác đã không chấp nhận đơn xin giảm án tử hình của một cán bộ cao cấp phạm tội tham ô (vụ án Trần Dụ Châu) dù rất buồn đau.
(2) Tham ô, lãng phí, quan liêu là “căn bệnh hiểm nghèo” nhưng không phải là vô phương cứu chữa. Bác đã phân tích và gợi mở nhiều biện pháp hay, có lý có tình để “cứu người chạy lại”. Lời dạy của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị cần vận dụng vào thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Điều đầu tiên cần suy ngẫm, nghiên cứu, học tập lời khuyên của Bác là: “đánh thông tư tưởng” sao cho “trên dưới đồng lòng”, ý Đảng – lòng dân là một khối thống nhất, làm cho công tác tư tưởng, giáo dục, thuyết phục đi trước một bước để cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm “sửa chữa những ý nghĩa sai lầm”, “khắc phục cho được những lo ngại không đúng”.
Thực tế chỉ ra rằng, trong một số hội nghị, cán bộ và đảng viên đều thể hiện rõ quyết tâm chống tham ô, lãng phí, tiêu cực nhưng khi tiến hành trên thực tế thì không ít cán bộ, đảng viên “băn khoăn, lo lắng, e sợ” vì họ cho rằng trong ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, khi kiểm điểm nhỡ may mắc phải một căn bệnh nào đó, dù là nhẹ nhưng không biết tổ chức sẽ xử trí mình như thế nào, nếu tự nhận hoặc tổ chức phát hiện thì tình cảnh “trên đe, dưới búa” sẽ diễn ra và như vậy thì rất xấu hổ, mất danh dự, có khi con đường phấn đấu “tụt dốc không phanh”, bỏ phí cơ hội. Cho nên, cán bộ, đảng viên thuộc diện này “có tật giật mình”, “lòng nặng trĩu như đeo đá”, tiến thoái lưỡng nan: Tiến lên thì sợ lòi ra cái đuôi cũ; nằm yên mọt chỗ thì bị Đảng phê phán, nhân dân la ó vì thiếu trách nhiệm, không có năng lực…
Thấu hiểu và chia sẻ, Bác đã gợi ý các tổ chức đảng phải công tâm, khách quan, xem xét khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, thực tiễn và phát triển; cá nhân cán bộ, đảng viên phải thật thà, thành khẩn, cầu tiến bộ, thực hiện nghiêm túc công tác phê bình, kiểm thảo để giúp nhau tiến bộ chứ không phải là mang nhau ra hội nghị đấu tố, cạo trọc đầu, làm cho nhau mất mặt, nao núng tinh thần, tụt nhuệ khí phấn đấu; làm như thế là mất cán bộ, có hại cho cách mạng.
Vì vậy, cần xem xét kỹ lưỡng công việc để đánh giá đúng sai rõ ràng, đúng việc, đúng người, đúng tội; công tác cán bộ, đánh giá con người cần phải hết sức thận trọng, không được làm đại khái, qua loa. Phải căn cứ vào nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả, thành tích phấn đấu để tha thứ cho cán bộ, đảng viên vi phạm tham ô, lãng phí, quan liêu chưa đến mức phải xử phạt. Nếu có công với cách mạng nhưng khi làm việc có sai sót chút đỉnh thì cũng nên tha thứ cho họ, cần chú ý những cán bộ, đảng viên không nắm giữ quyền lực, quản lý kinh tế, tiền bạc nên họ không thể tham ô, lãng phí.
Nếu vì thiếu kiến thức, chưa có kinh nghiệm quản lý, vả lại họ tự nhận sai lầm, biết rõ trách nhiệm, thành thật kiểm thảo trước tổ chức và nhân dân thì căn cứ vào sự thành khẩn ấy mà xem xét cho khách quan, mở con đường cho họ sửa chữa khuyết điểm, sai lầm để tiến bộ, “lấy công chuộc tội”. Quan điểm này rất nhân văn, cần học Bác, vận dụng nó một cách linh hoạt, sáng tạo vào cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
(3) Cấp ủy, tổ chức đảng cần có biện pháp phù hợp, thật thấu tình, đạt lý để cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tiếp tục học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đặc biệt là thấm nhuần sâu sắc và học tập đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là thứ thuốc bổ dưỡng “mầu nhiệm” nhất để tăng sức đề kháng để tự bảo vệ mình, chống sự xâm nhập của mọi loại vi rút tham ô, lãng phí, quan liêu; giúp cán bộ, đảng viên “miễn dịch” không bị tham ô, lãng phí, quan liêu tấn công, “làm mờ mắt”, không để “chân bị nhúng chàm lại bước lên thảm đỏ”.
Điều này có nghĩa là tự mình chiến thắng chính mình, tự mình vượt qua “nghịch cảnh”, mọi sự cám dỗ của đời thường; không bị mua chuộc bởi đồng tiền, vật chất,…Tức là tự mình phải gột rửa, loại bỏ mọi lăn tăn, vướng mắc trong đầu về thiệt hơn, được mất bởi sự ham muốn, tham vọng của chủ nghĩa cá nhân – căn bệnh nan y sinh ra mọi thói hư, tật xấu, lòng tham muốn danh lợi, địa vị, tiền tài cho cá nhân, gia đình mình đến bán rẻ lương tâm, danh dự, làm tay sai cho đồng tiền nhơ nhuốc; những kẻ bán nước, hại dân.
Vì vậy, Bác khẳng định “muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân”[5]; thực hành tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, chân thành; phải luôn luôn đặt lợi ích của tập thể, của quốc gia – dân tộc lên trên hết và trước hết. Đây là biện pháp giúp cán bộ, đảng viên vững tin, luôn ngẩng cao đầu bước qua vòng danh lợi; từ bỏ được động cơ cá nhân, vụ lợi, thu vén, tư túi cho mình, cho người thân, vì “lợi ích nhóm”.
(4) Phòng, chống tham ô, lãng phí phải gắn chặt với phòng, chống quan liêu. Theo Bác, “bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô... Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có lãng phí, tham ô”. Bác chỉ rõ: “Quan liêu là do cán bộ xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình, quan hệ của họ với nhân dân. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng…thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãng đạo tập thể, phân công phụ trách”[6]. Chính vì thế, cán bộ “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí…. Cho nên Bác kết luận: “Muốn trừ sạch tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch quan liêu”[7].
(5) Để thực hiện tốt lời căn dặn của Bác về đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu cần có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và sự hăng hái tham gia của quần chúng nhân dân. Đây là những nhân tố có ý nghĩa quyết định sự thành công của công tác quan trọng này. Muốn vậy, cần tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, Đảng, Nhà nước phải hỏi nhân dân, phải dựa hẳn vào nhân dân để phòng, chống tham nhũng; bởi nhân dân có “nghìn mắt nghìn tay”, có quyền kiểm soát quyền lực của mình đã giao cho cán bộ. Họ biết rất rõ cán bộ, đảng viên nào vì nước, vì dân; sống thanh cao, trong sáng; cán bộ, đảng viên nào “ăn cắp của nhân dân”, làm giầu bất lương, bất chính, phải nghiêm trị.
Gặp vướng mắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hãy mở sách của Bác Hồ mà đọc và đi hỏi nhân dân
Đây là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động và là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng tránh việc một số cán bộ nắm giữ chức quyền trong các cơ quan nhà nước nhưng lạm dụng quyền lực phục vụ cho lợi ích cá nhân, tự tư lợi cá nhân. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; xử phạt nhiêm minh nhũng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước cho dù người đó là ai, giữ chức vụ gì; kiên quyết phải “chặt cành để cứu cây”, “kỷ luật một vào người để cứu muôn người”. Khi tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, nếu gặp khó khăn, vướng mắc gì thì mở sách Bác Hồ mà đọc và đi hỏi nhân dân về biện pháp phòng, chống; nhân dân sẽ bày cho. Lời dạy của Bác và sự giúp đỡ của nhân dân sẽ giúp chúng ta đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành công./.
Nhận xét
Đăng nhận xét