Ngày 7/9, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Tuấn Lâm (trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu) để điều tra, làm rõ hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 117, BLHS.
Ngày 8/9, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk cũng thông báo về việc đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đặng Đăng Phước (trú tại số nhà 19/6, đường Giải Phóng, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) để điều tra cùng về hành vi trên.
Tung hứng, đánh tráo sự thật
Ngay sau đó, nhiều thông tin, luận điệu sai trái liên quan đến việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đã được các đối tượng xấu tung ra. Liên quan đến bị can Bùi Tuấn Lâm, trang mạng của tổ chức Việt Tân rêu rao rằng: “Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm thường xuyên lên tiếng trước những bất công, tình hình dân chủ, vi phạm nhân quyền và có đóng góp tích cực cho phong trào dân chủ tại Việt Nam”; “việc bắt giữ Bùi Tuấn Lâm là một bằng chứng tiếp theo về sự khủng bố trắng của chính quyền đối với những công dân yêu nước”… Với bị can Đặng Đăng Phước, họ tô vẽ, tạo dựng Phước thành hình tượng một “người yêu nước”, “nhà đấu tranh”, từ đó lên tiếng vu khống chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam cần bãi bỏ Điều 117, BLHS “về sự lạm quyền”, lên tiếng đòi “ngay lập tức trả tự do cho Bùi Tuấn Lâm và những người khác”. Một số báo, đài, các trang mạng xã hội hải ngoại đăng tải thông tin phụ họa dưới dạng “kẻ tung người hứng” để gây sức ép và can thiệp, yêu cầu thả tự do cho các đối tượng bị bắt.
Những luận điệu rêu rao trên là sai sự thật. Chẳng có ai bị khởi tố, bắt tạm giam chỉ vì đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật, núp danh dân chủ thực hiện hành vi chống phá đất nước, chống phá chính quyền nhân dân, bị CQĐT khởi tố, điều tra. Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can là những hoạt động tố tụng đầu tiên của quá trình điều tra. Để xác định tính chất, mức độ hành vi phạm pháp đối với Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước, các cơ quan tố tụng sẽ phải thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ và tiến hành các bước tiếp theo. Tuy nhiên, nếu ai theo dõi hoạt động của những kẻ tự xưng “giới dân chủ” thì cũng không xa lạ gì đối với hai bị can này.
Bị can Bùi Tuấn Lâm thường xuyên sử dụng tài khoản mạng Facebook “Peter Lam Bui” để đăng tải, chia sẻ các bài viết, video, phát sóng trực tiếp (livestream) có thông tin, nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; cổ súy các hoạt động chống chính quyền; xúc phạm lãnh tụ, xúc phạm uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật. Đồng thời, đối tượng này cũng công khai ủng hộ Phạm Đoan Trang, Lê Dũng Vova, Trịnh Bá Phương – những kẻ chống phá Nhà nước, đã bị cơ quan chức năng đưa ra xét xử. Ngoài ra, Bùi Tuấn Lâm còn có mối quan hệ với một số tổ chức, hội nhóm chống phá chính quyền như “Hội bầu bí tương thân”, “Con đường Việt Nam”…
Tài liệu xác minh ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy, Bùi Tuấn Lâm từng tham gia khóa huấn luyện về “xã hội dân sự”, “đấu tranh bất bạo động”; thường xuyên tham gia các buổi thảo luận về học thuyết xã hội nhằm đào tạo lực lượng hình thành xã hội dân sự, chống phá đất nước; tham gia với các đối tượng chống đối chính trị viết bài xuyên tạc chính quyền, câu kết hoạt động kích động biểu tình, gây rối… Việc chống phá của Bùi Tuấn Lâm mang tính quyết liệt, thể hiện rõ mục đích thay đổi chế độ.
Liên quan đến bị can Đặng Đăng Phước, mặc dù là giáo viên, giảng dạy tại Trường CĐSP Đắk Lắk nhưng đối tượng này không giữ chuẩn mực nhà giáo, liên tục lợi dụng mạng xã hội để lan truyền các thông tin sai sự thật. Với lăng kính nhìn nhận của Phước, mọi vấn đề trong xã hội đều trở nên đen tối, tiêu cực. Thay cho việc truyền thụ kiến thức, nhân cách cho học sinh, đối tượng này lại núp danh dân chủ, nhân quyền, đưa ra những phát ngôn xuyên tạc và thường xuyên tụ tập, tiếp xúc với các phần tử bất mãn để tuyên truyền kích động, đả phá chính quyền. Khi Luật An ninh mạng được thông qua, đối tượng này cũng là một trong số các phần tử kêu gọi tẩy chay, phản đối. Các cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở, giáo dục và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật nhưng Đặng Đăng Phước không chấp hành, ngược lại còn tiếp tục hoạt động ngày càng quyết liệt, cực đoan hơn.
Do đó, việc khởi tố, bắt tạm giam đối với Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước để phục vụ điều tra là tất yếu. Hoạt động của hai đối tượng này rõ ràng không phải vì mục đích thúc đẩy dân chủ, nhân quyền như những gì họ rêu rao. Thực chất, những đối tượng này luôn tìm mọi cách để chống phá, làm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Những luận điệu “tẩy trắng”, “khóc mướn” cho Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước suy cho cùng cũng chỉ là một chiêu trò để tạo dựng các “hình mẫu ngược”, làm nhiễu loạn tình hình, gây sức ép cho chính quyền và các cơ quan tiến hành tố tụng, tạo cớ cho các thế lực bên ngoài tiến hành chống phá Đảng, Nhà nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ cho người dân. Những năm qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy quyền con người; thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với nhóm người yếu thế; giải quyết tốt vấn đề tôn giáo, dân tộc… Cùng với đó, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Dân chủ, nhân quyền phải gắn liền với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bảo đảm nhân quyền phải gắn chặt với phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội. Không thể tự xưng hoạt động vì dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước, gây mất ổn định như những gì Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước và các đối tượng khoác áo “dân chủ” đang thực hiện.
Cần hành động đúng đắn, tuân thủ luật pháp
Ở bất kỳ đất nước nào thì tiền đề, điều kiện để đảm bảo thực hiện tốt quyền con người đều phải gắn với pháp luật, vừa mang tính bảo vệ, vừa mang tính quản lý. Trong giai đoạn hiện nay, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quyền con người, quyền công dân là những quyền cơ bản được ghi nhận và thể hiện trong hiến pháp và pháp luật của các nước. Tuy nhiên, mang danh nghĩa “đấu tranh cho dân chủ” để xâm phạm đến khách thể là quốc gia, dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là thủ đoạn mà một số đối tượng đã, đang triệt để lợi dụng. Như trường hợp Bùi Tuấn Lâm đã tiến hành các hoạt động đăng tải bài viết, hình ảnh, video, livestream… có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Ngày 9/9/2022 vừa qua, cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phan Sơn Tùng về hành vi tương tự. Rõ ràng, hành vi của các đối tượng trên là phạm pháp, tác động xấu đến an ninh, trật tự xã hội nên việc tiến hành các biện pháp khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, xử lý là việc làm bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng. Các hoạt động trên góp phần giữ gìn an ninh xã hội, đảm bảo tính nghiêm minh, góp phần làm cho người dân vững tin hơn vào pháp luật.
Việc kêu gọi trả tự do cho đối tượng vi phạm pháp luật là sai trái vì những lý do sau:
Trước tiên, chủ quyền quốc gia, quyền dân tộc tự quyết là những nguyên tắc cơ bản trong hợp tác quốc tế về bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Hiến chương Liên hợp quốc (26/6/1945), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966 đã để ở vị trí ưu tiên số một về quyền dân tộc tự quyết. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị quyền con người châu Á (29/3 – 2/4/1993) và một nội dung cơ bản của hội nghị quốc tế về quyền con người tổ chức tại Viên (Áo) tháng 6/1993 đã khẳng định độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết dân tộc là nguyên tắc trong quan hệ quốc tế hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người… Các quốc gia, tùy theo bối cảnh lịch sử, chế độ xã hội, điều kiện kinh tế, truyền thống văn hóa mà thực hiện những vấn đề có quan hệ tới quyền con người. Việc bắt giữ các đối tượng xâm hại khách thể được Điều 117, BLHS bảo vệ là hoạt động bình thường của cơ quan tiến hành tố tụng, tuân thủ luật pháp và làm vững chắc thêm sức mạnh, tính tôn nghiêm của luật pháp, phù hợp với điều kiện xã hội của Việt Nam, bối cảnh khu vực, quốc tế. Việc kêu gọi thả tự do cho đối tượng đang bị điều tra về hành vi phạm tội là trái với nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đồng thời là sự can thiệp vô lý đối với hoạt động tố tụng của một quốc gia.
Hơn nữa, hành vi của Bùi Tuấn Lâm và các đối tượng nêu trên là xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chế độ và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Việc HRW cũng như các tổ chức phản động, chống phá phản đối việc bắt giữ Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những đối tượng này dẫn đến sự vi phạm trong nguyên tắc giáo dục của pháp luật. Cụ thể, khi một người có hành vi phạm tội mà không bị xử phạt hoặc được sự bênh vực, hỗ trợ của cá nhân, tổ chức khác càng làm cho đối tượng ảo tưởng, cho rằng mình có thể đứng ngoài vòng pháp luật, thích làm gì thì làm mà chính quyền “không thể đụng tới”, từ đó gây khó khăn trong việc đảm bảo quyền con người. Đáng ra, HRW cần phải có các động thái khuyên răn, yêu cầu những ai phạm pháp thì phải từ bỏ, chấp hành luật pháp nhà nước sở tại thì mới phù hợp với ý nghĩa, nhân danh tổ chức hoạt động “vì quyền con người”. Ngược lại, khi HRW hay các tổ chức khác bất chấp sự thật, can thiệp sai trái cho đối tượng phạm pháp thì chính những tổ chức này đang vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm các nguyên tắc trong bảo đảm quyền con người. HRW và các tổ chức, cá nhân đang có quan điểm, hành động sai trái cần hành động đúng đắn, phù hợp các giá trị của văn minh, tiến bộ nhân loại.
Còn với những đối tượng phạm pháp, không nên chờ đợi từ sự cổ suý, can thiệp của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Chờ đợi sự cổ suý sẽ không làm họ tỉnh ngộ mà tiếp tục dấn sâu vào vết xe đổ, nối tiếp những sai lầm.
Nhận xét
Đăng nhận xét