“Ai bắn vào lịch sử bằng súng lục thì đại bác sẽ bắn vào họ trong tương lai”
Nhân Văn
Sai trái, hận thù không thể phủ nhận chiến thắng, chặn đường, cản bước lịch sử
Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân, thành ủy Đà Nẵng kết hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan (25/9/1952 – 25/9/2022) – Dấu ấn lịch sử, kinh nghiệm về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và trao quà tặng các cựu chiến binh Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, bộ đội chủ lực Liên khu 5, đơn vị làm nên chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan cách đây 70 năm. Dự hội thảo có đồng chí PGS, TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, TS. Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Cùng dự có các đồng chí ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng và một số bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, các vị lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, các phóng viên báo chí…
Hội thảo đã khẳng định giá trị và ý nghĩa, tầm quan trọng của chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan, làm rõ hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự phát triển vượt bậc của của bộ đội chủ lực Liên khu 5; sức mạnh của quần chúng nhân dân; thành tích của các tập thể, cá nhân làm nên thắng lợi. Đồng thời, phê phán, bác bỏ một số quan điểm sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử và hạ thấp giá trị, ý nghĩa của chiến thắng.
Thế nhưng, một số người có thái độ thâm thù với cách mạng, quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và chế độ ta, đã không thể chịu đựng nổi niềm vui chiến thắng và sự phát triển mạnh mẽ của Đà Nẵng và các tỉnh miền trung, đã tung tin xấu, độc, viết bài tán phát trên mạng xã hội phủ nhận giá trị, ý nghĩa chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan và vai trò của Tiểu đoàn 59 cũng như bộ đội chủ lực Liên khu 5; coi thường sự hy sinh xương máu của quân và dân ta.
Sau hội thảo, một số người đã dùng lời lẽ, hình ảnh thiếu thiện chí tung lên mạng xã hội, cho rằng hội thảo là “sự đánh tráo khái niệm”, hướng dư luận vào hội thảo nhằm “xoa dịu lòng dân”, bắt họ “quên đi những bức xúc hiện thời”, “lấy chuyện xưa để che lấp những hạn chế, khuyết điểm ngày nay mà Đảng, Nhà nước và thành phố Đà Nẵng, Quân đội chưa có biện pháp khắc phục. Hơn thế, có người còn hằn học phán rằng, chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan “nhỏ bé xíu”, có gì đáng nói, đó chỉ là “sự sẩy chân không đáng có” của quân đội Pháp. Họ trích dẫn lời của tướng Christian de Castries để biện minh rằng, Đồn Nhất nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, địa hình rất hiểm trở, lại được xây dựng rất kiên cố “rất dễ bảo vệ và rất khó bị tấn công hoặc đánh chiếm, vì một phía là biển, hai phía là núi. Đèo Hải Vân và núi Sơn Trà là những cao điểm thiên nhiên quý giá bảo vệ cho Đà Nẵng. Đồn Nhất án ngữ trên đèo Hải Vân nên cứ điểm quân sự này càng có vị trí quan trọng”[1], được canh phòng rất cẩn mật “đến con muỗi cũng không thể lọt”, “Việt Cộng công đồn là lợi dụng lúc quân Pháp sơ hở để đánh lén”, “thắng như thế là không vẻ vang”…
Đồng lõa với giọng điệu tuyên truyền sai trái, thái độ miệt thị của quân xâm lược Pháp trước đây, một số người “tua đi tua lại” điệp khúc ấy và cho rằng “cái gọi là bộ đội chủ lực” của Liên Khu 5 chẳng qua chỉ là “đám giặc cỏ”, “một nhóm nông dân”, “không có học thức”, “không biết kỹ thuật, nghệ thuật tác chiến”, “chưa qua trường lớpngày nào”, “vũ khí thô sơ”, “đói ăn, mặc rét”, là đối tượng “phải giáo hóa”, “khai hóa”, “không cần phải quan tâm”, v.v..
Bằng thực tiễn hoạt động cách mạng, bộ đội chủ lực Liên khu 5 đã bác bỏ những điều bịa đặt ấy; dạy cho chúng bài học làm người. Chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan và các chiến thắng Phủ Kỳ và Vân Ly (7-1952), Kỳ Lam (8-1952), Lệ Sơn (9-1952), Tú Thủy và Thượng An (1-1953), v.v., đã đập tan quan điểm sai trái nêu trên, đã làm cho quân Pháp “hồn siêu, phách lạc”, “bạt vía, kinh hoàng” nên buộc quân Pháp phải đề phòng, cảnh giác rất cao. Sự thật ấy đã được ghi vào sử sách nước Việt và nước Pháp, cớ sao có người lại ăn nói hàm hồ, chỉ vì sự tức tối, cạnh lòng vì cha ông, người thân của họ làm tay sai cho giặc Pháp, bị cách mạng trừng trị nên trút hận thù vào mấy lời nói ba hoa, nhảm nhí cho hả lòng, hả dạ. Đó là điều rất đáng hổ thẹn và vô liêm sỉ.
Ai cũng biết: Đất nước có hòa bình, nhân dân có cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc; dẫu chúng ta chưa thật giầu sang, nhưng so với thời ông cha “nếm mật nằm gai”, không quản khó khăn, gian khổ chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để đem lại cuộc sống ngày nay, quả thật là rất đáng tự hào, đáng trân trọng. Là công dân Việt Nam sống trên dải đất hình chữ S, thẳm sâu từ trái tim, lương tri và nhân cách con người, lẽ ra phải nhận thức rõ đâu là phải, đâu là sai trái mà “tắt còi” xuyên tạc, bôi đen lịch sử, làm những việc sai trái, “ngựa quen đường cũ”. Đó là điều không thể chấp nhận. Sai thì sửa nhưng các người cần nhớ rằng “nhìn cây phải thấy rừng”, “uống nước phải nhớ nguồn”, “ăn quả phải nhớ người trồng cây”; đừng vì chút “ghen tức”, “thù riêng” mà “ôm giữ hận thù trong lòng”, đeo mặt nạ “ném đá giấu tay”, làm những điều sai trái, phi đạo lý, phi pháp lý.
Đạo người không dung tha, pháp luật sẽ trừng trị bất kể là ai nếu có thái độ, hành vi sai trái, chống lại cách mạng, phủ nhận lịch sử.
Trường đời và thực tiễn cách mạng dạy cán bộ, chiến sĩ biết đánh thắng quân xâm lược bằng ý chí, nghị lực và niềm tin
Ra đời (ngày 10-6-1950) và những chiến công vang dội của Tiểu đoàn 59 do đồng chí Nguyễn Lựu làm Tiểu đoàn trưởng đã khẳng định chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương là hoàn toàn đúng đắn; đồng thời, đem lại tín hiệu vui, ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của quân và dân Liên khu 5. Chính điều đó trở thành “cái gai chọc vào mắt” quân xâm lược Pháp và bọn tay sai, làm cho chúng “ăn không ngon, ngủ không yên”, “tiến thoái lưỡng nan”, tìm mọi cách xuyên tạc, trả thù.
Không thể chịu đựng thêm sự tức tối và mất mát, Chính phủ và cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã ra lệnh cho “chóp bu” chỉ huy quân đội Pháp ở Việt Nam phải tìm cho ra tông tích của Nguyễn Lựu – Người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 là ai, đã tốt nghiệp trường sĩ quan quân sự nào, qua học viện quân sự nào, ở đâu, có bằng cấp gì. Tai sao lại dám tuyên chiến, chống quân Pháp – một đội quân nhà nghề “bất khả chiến bại”, đã từng chinh chiến khắp nơi trên thế giới, chinh phục nhiều quốc gia. Tại sao Nguyễn Lựu “dám cả gan” làm cho một số “quan hai, quan ba Pháp mất chức nhục nhã”. Hơn thế, quân Pháp còn treo giải 2.000 quan tiền nếu ai bắt sống hoặc diệt được Nguyễn Lựu.
Lúc bấy giờ, trong quân đội Pháp ở Đông Dương cũng có ý kiến cho rằng, thực dân Pháp có quân hùng, tướng mạnh, vũ khí tối tân, hiện đại, lương thực, thực phẩm được cung cấp đầy đủ, sợ gì “đám giặc cỏ”, “du kích nông dân”, “chân đất, áo rách” ở Liên khu 5. Chúng coi Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là “thủ lĩnh nông dân”, “không đáng sợ” vì “chưa học qua trường lớp quân sự nào”, “biết gì về nghệ thuật tác chiến mà đánh với đấm”. Với thái độ miệt thị và khinh thường, quân Pháp đã phải “nếm trái đắng”, bị những đòn đau sau những lần chạm trán với Tiểu đoàn 59 do đồng chí Nguyễn Lựu chỉ huy.
Đồng chí Nguyễn Lựu sinh năm 1913 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, tại xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông không có điều kiện học tập, tu nghiệp ở trường sĩ quan quân đội, chỉ học ở trường đời mang tên “đại học tổng hợp cách mạng”, học ở sách vở, ở nhân dân.
Từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông là một trong những đội viên tích cực của Đội du kích Ba Tơ; sau đó tham gia bộ đội chủ lực. Ông là biểu tượng của sự cầu thị, ham học hỏi, ý chí vươn lên mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên chính mình, say mê huấn luyện quân sự, tôi rèn trong bão táp cách mạng; quyết tâm tự học, tự rèn, nắm vững và thành thạo các khoa mục tác chiến; tận tình chỉ bảo anh em đội viên mới về cách sống, kinh nghiệm, tri thức quân sự; phương pháp tác chiến và cách đánh du kích. Qua công việc, ông truyền cảm hứng cho bộ đội với niềm tin, sự giác ngộ, lòng thủy chung và phương cách hiến thân vì lẽ sống, mục tiêu, con đường đã lựa chọn: suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây là cội nguồn sức mạnh, động lực to lớn giúp đồng chí Nguyễn Lựu “vượt qua và chiến thắng chính mình”; không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, giữ vững khí tiết, phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thực tiễn chiến đấu đã giúp ông bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch và duy tâm, sự coi thường, tuyên truyền “làm nhục”, “bêu xấu” của địch. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh và đều giành thắng lợi. Dấu ấn nổi bật, đáng nhớ là, trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 59 đánh trận đầu chống càn ở Điện Hòa – Quảng Nam, ngày 4-11-1950 và chỉ huy đánh trận cuối cùng của Tiểu đoàn 59, đêm 19-6-1954, tập kích sân bay Đông Tác ở Phú Yên – một sân bay mới xây dựng trong kế hoạch của Át Lăng của thực dân Pháp. Với cách đánh táo bạo, “xuất quỷ nhập thần”, ông là “khắc tinh” của kẻ thù, địch “nghe tên ông là khiếp sợ”. Tên tuổi của ông đã được đăng ở trang đầu một số tờ báo Pháp và Việt Nam.
Mong muốn đến cháy bỏng của ông là cùng đồng chí, đồng đội tiến về Quảng Nam, Đà Nẵng và các địa phương khác để giải phóng đồng bào, mở rộng căn cứ cách mạng và vùng tự do để “đồng bào được nhìn ánh sáng của Đảng”, “được thở khí trời tự do” dù kẻ thù không bao giờ muốn.
Đây là điểm nhấn, “cái còn đọng lại” sâu lắng, mang giá trị nhân văn cao cả; là “viên gạch hồng” xây móng, đắp nền, dựng xây nên “tượng đài bất tử trong lòng dân Liên khu 5”. Đây cũng là “vũ khí sắc bén” mà quân xâm lược không bao giờ có được. Nó còn “mạnh hơn tàu bay, súng cối và đại bác của địch”. Chính điều đó đã đem đến cho ông sức mạnh niềm tin, đủ dũng khí để bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thái độ miệt thị, coi thường, hạ thấp nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” mà ông ngưỡng mộ, tin yêu.
Cho đến ngày nay và mai sau, ở bên kia chiến tuyến, nhiều cựu binh Pháp, các nhà báo quốc tế và không ít người dân Việt Nam vẫn còn băn khoăn với câu hỏi: Tại sao Nguyễn Lựu chưa từng qua trường sĩ quan hay học viện quân sự nào, “chỉ học ở trường đời cách mạng” nhưng đã Đảng lựa chọn, giao cho ông giữ chức Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 59. Ông đã chỉ huy hàng chục trận đánh, đánh là thắng quân xâm lược Pháp dù chúng có vũ khí tối tân, hiện đại, được trang bị các phương tiện quân sự “từ chân đến đầu”, ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 xây dựng nên “tượng đài bất tử trong lòng dân Liên Khu 5 và cả nước”.
Không thể phủ nhận niềm tin và giá trị lịch sử
Đồng chí Nguyễn Lựu và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 là những nhân chứng lịch sử “đánh giặc bằng trái tim, khối óc”, niềm tin là sức mạnh ý chí, đã bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch, sự xuyên tạc vô căn cứ; chứng minh tính đúng đắn của chân lý: Trọn đời tin tưởng, đi theo Đảng, Bác Hồ, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, học tập ở sách vở, ở nhân dân, học ở trường đời cách mạng, nhất định tiến bộ, trưởng thành, đủ sức đánh thắng quân xâm lược.
Ai đó còn nghi ngờ về sự thật, lấn cấn về sự đúng, sai, hãy đọc lại lịch sử bộ đội chủ lực Liên khu 5, truyền thống đánh giặc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ mở rộng tầm mắt, hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn lý do: Tại sao Tiểu đoàn 59 “chân đất, vai thép”, cán bộ, chiến sĩ là con em nông dân lại đánh thắng 59/59 trận, làm cho quân Pháp “bạt vía, kinh hoàng”. Tại sao đồng chí Nguyễn Lựu chỉ học ở “trường đời cách mạng” nhưng đã chỉ huy Tiểu đoàn 59 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và ông trở thành biểu tượng của niềm tin, tấm gương sáng về tự học, tự rèn; trau dồi đạo đức cách mạng để thế hệ trẻ học tập và noi theo. Ai đó bắn vào lịch sử bằng súng lục, thì trong tương lai, đại bác sẽ bắn vào người đó./.
[1] Kỷ yếu hội thảo khoa học: “70 năm chiến thắng Đồn Nhất – Hải Vân Quan (25/9/1952 – 25/9/2022) – Dấu ấn lịch sử, kinh nghiệm về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, Nxb CTQGST, H. 2022, tr.22.
Nhận xét
Đăng nhận xét