Cuộc “đổi đời” do Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại đâu phải là “tình cờ”, “sự ăn may”
Nhân Văn
Trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Thế nhưng, đó đây trong xã hội Việt Nam, nhất là trên các trang mạng xã hội vẫn còn những giọng điệu lạc lõng cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự “tình cờ”, “ăn may”, do “phát xít Nhật đã giúp Việt Nam”còn Chính phủ Hồ Chí Minh và Quân đội nhân dân Việt Nam chẳng có công cán gì. Đó là sự xuyên tạc trắng trợn, những điều bịa đặt phi lý, không thể chấp nhận.
Nhật đảo chính Phápvà sự thật không thể xuyên tạc, chối cãi
Từ đầu năm 1940, lợi dụng sự yếu thế của thực dân Pháp ở Đông Dương, phát xít Nhật từng bước lấn tới, ngày càng “can thiệp sâu vào Việt Nam” với tham vọng từng bước kiểm soát toàn bộ Đông Dương thay Pháp. Trước sự ăn hiếp của phát xít Nhật, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp ước Tôkyô năm 1940 và thừa nhận vai trò to lớn của phát xít Nhật ở Đông Dương, Nhật là nước được hưởng những ưu đãi đặc biệt tại bán đảo này. Do tình thế không thể đảo ngược, thực dân Pháp buộc phải chấp nhận hầu hết các yêu sách của phát xít Nhật, kể cả quyền chi phối nền kinh tế Đông Dương.
Sự thao túng của phát xít Nhật đã phơi bầy tội ác dã man, quân Pháp một mặt phải thực hiện các điều khoản đã cam kết với Nhật. Mặt khác, đã tính kế lâu dài, chờ cơ hội phản công Nhật, đòi lại quyền thống trị. Pháp đã ra lệnh tổng động viên, cố tình bắt lính để bổ sung cho cái gọi là “Phòng thủ Đông Dương”. Đồng thời, đưa hàng ngàn thanh niên Việt Nam sang Pháp làm “bia đỡ đạn” cho chúng. Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn kết thúc. Thực dân Pháp theo phái Đờ gôn ở Đông Dương ngóc đầu dậy quậy phá, ráo riết hoạt động quân sự, chờ quân Đồng Minh đổ bộ vào lật đổ quân Nhật, khôi phục lại quyền thống trị.
Ở trong nước, khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, chính sách bóc lột dã man, tàn bạo của Pháp – Nhật đã đẩy nhân dân ta tới bờ vực thẳm của cuộc khủng hoảng, nạn đói khổ hoành hành, cuối năm 1944, đầu năm 1945 có tới 2 triệu đồng bào ta chết đói. Tội ác của Pháp – Nhật chất cao như núi.
Trước tình hình đó, để trừ hậu họa và đề phòng quân Pháp đánh lén, đâm sau lưng khi quân đồng minh đổ bộ vào Đông Dương, quân Nhật đã quyết định hành động trước một bước. Đúng 18 giờ, ngày 9 tháng 3 năm 1945, đại diện quân Nhật trao tối hậu thư đòi chính quyền Pháp phải trao toàn bộ quyền kiểm soát Đông Dương cho quân Nhật và Pháp phải trả lời trước 21 giờ cùng ngày. Đến 21 giờ 20 phút, do quân Pháp chưa trả lời, quân Nhật lấy cớ này khởi sự tấn công Pháp. Quân Pháp bị động, kháng cự yếu ớt, quân Nhật nhanh chóng chiếm được Phủ Toàn quyền Đông Dương và bắt sống hầu hết các quan chức cao cấp của quân Pháp. Đến chiều ngày 10 tháng 3, quân Pháp chấp nhận đầu hàng, phát xít Nhật làm chủ các vùng đô thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ khác.
Sự kiện Nhật đảo chính Pháp là cuộc dùng súng cướp quyền cai trị của phát xít Nhật diễn ra rất nhanh trên toàn Đông Dương nhằm hất cẳng Pháp, giành quyền cai trị và áp đặt chế độ phát xít. Với sự kiện này, lực lượng quân sự Pháp rơi vào tình cảnh bế tắc, bị dồn đến chân tường, ngõ cụt, hoàn toàn tan rã, bộ máy thống trị của thực dân Pháp bất lực, buộc phải đầu hàng, đã bị bắt, cầm tù hoặc buộc phải làm tay sai cho phát xít Nhật. Trên thực tế, toàn bộ Đông Dương đã trở thành thuộc địa của phát xít Nhật.
Tư duy chính trị – quân sự sắc sảo, nhạy bén và bài học về chớp thời cơ hành động cách mạng kịp thời, đúng lúc, hiệu quả
Giữa lúc tình hình “nước sôi, lửa bỏng” diễn ra rất nhanh trong nước và trên thế giới, bằng tư duy chính trị – quân sự sắc sảo, nhạy bén và tầm nhìn xa trông rộng trước sự kiện Nhật – Pháp bắn nhau, quân Pháp đầu hàng quân Đức, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho rằng “đây là cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam” thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc. Người đã “tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ” hành động cách mạng. Người cho rằng chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng, với nhân dân.
Vì vậy, sau khi về nước (tháng 2-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng với Trung ương Đảng ta trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi – Mặt trận Việt Minh, tổ chức lực lượng vũ trang, huấn luyện quân sự, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chủ trương khởi nghĩa vũ trang từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ các đội tự vệ ở Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập (22-12-1944), đã kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chiến tranh du kích, đưa phong trào toàn quốc kháng Nhật, chống Pháp lên cao.
Với dự báo thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, diễn biến của tình hình và chủ trương của Đảng ta sau đó đã diễn ra gần như khớp với tình hình thế giới và Việt Nam lúc bấy giờ. Từ tháng 1-1944 đến tháng 1-1945, Hồng quân Liên Xô tấn công và quét sạch quân đội phát xít trên toàn lãnh thổ Liên Xô, giải phóng nhiều nước châu Âu, sau đó tiến thẳng vào giải phóng Béclin. Tại Đông Dương, mâu thuẫn giữa Nhật và Pháp ngày càng gay gắt. Ngày 9-3-945, giữa lúc Nhật nổ súng, thực hiện đảo chính để lật đổ Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Sau khi phân tích, đánh giá kỹ tình hình, nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến rất gần; ngày 12-3-1945, Hội nghị quyết định ra bản Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị là lời hiệu triệu mạnh mẽ đối với dân chúng cùng khẩu hiệu chỉ đạo hành động quyết liệt “phá kho thóc giải quyết nạn đói” cho dân như một luồng gió mạnh thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng, tạo nên thác đổ triều dâng trong phong trào kháng Nhật, cứu nước.
Chỉ thị nêu rõ: Kẻ thù của nhân dân Đông Dương lúc này là phát xít Nhật và tay sai của chúng. Vì vậy, cần thay đổi khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật – Pháp trước đây bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật và đề ra việc “thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương”. Cùng với chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng và Bác Hồ, bản Chỉ thị đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thời khắc Nhật – Pháp bắn nhau, đưa ra quyết định táo bạo, thôi thúc cao trào kháng Nhật, cứu nước lan rộng trên phạm vi cả nước. Nắm vững các yếu tố “thiên tời, địa lợi, nhân hòa”, đặc biệt là yếu tố thời cơ cách mạng, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (13-8 đến 15-8-1945) đã kêu gọi toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 16-8-1945, tại Tân Trào, Đại hội quốc dân được triệu tập và hoàn toàn nhất trí với chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa đến đồng bào, chiến sĩ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm. Tiến lên!”[1].
Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ, 25 triệu đồng bào cả nước, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đã nhất tề vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân trong 15 ngày (từ 13 đến 28-8-1945), chấm dứt sự thống trị gần trăm năm xâm lược của thực dân Pháp và ngàn năm của chế độ phong kiến, thiết lập nền dân chủ cộng hoà. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc chuẩn bị kỹ lưỡng nội lực với sự nhanh nhạy trong đón bắt và triệt để sử dụng thời cơ; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định. Các sự kiện trên đã được lịch sử kiểm chứng không ai có thể xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo và chắc chắn người dân Việt Nam không ai tin những lờituyên truyền nhảm nhí, sặc mùi phản động, hại nước, hại dân.
Bài học còn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực, cần vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Xử lý đúng đắn sự kiện “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất và lâu dài của nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ tư duy lý luận chính trị – quân sự của Đảng.
77 năm đã qua, cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng bản Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực, rất cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đây là minh chứng sinh động để bác bỏ mọi quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc giá trị và ý nghĩa của Cách mạng Tháng tám năm 1945.
Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” thể hiện sâu sắcgiá trị và ý nghĩa về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, chớp thời cơ và định hướng đấu tranh sát với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, tạo tiền đề để tập dượt chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Trong đó, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” là một trong những bài học thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài học ấy được thực hiện trong Cách mạng Tháng Tám, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được phát huy lên tầm cao mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thành công.
Ngày nay, khi xem xét, đánh giá, nhận định về thời cơ, chúng ta nhận thấy bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Nếu chúng ta phân tích, nhìn nhận thấu đáo, dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trên cơ sở khách quan, toàn diện, cụ thể, lịch sử, thực tiễn và khoa học, thì chúng ta nhất định sẽ nắm bắt được thời cơ, tranh thủ được vận hội, nhất là nhân tố thuận lợi trong khó khăn, thách thức, biến “nguy thành cơ”. Đó là cơ sở khoa học để chúng ta xây dựng, củng cố khối đại đoàn đoàn kết toàn dân tộc, tận dụng được thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sự thật ấy, ý chí quyết tâm ấy rất đáng trân trọng, cần nâng niu, gìn giữ và phát huy trong bối cảnh lịch sử mới; là vũ khí sắc bén, hiệu quả để chúng ta sử dụng, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy./.
[1] Trích Bức thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi kêu gọi quốc dân Việt Nam ngày 18-8-1945
Nhận xét
Đăng nhận xét