Quy định 69 được kỳ vọng như một chốt chặn để những phần tử cơ hội không thể “chui sâu, leo cao” vào bộ máy và cũng khiến cán bộ, đảng viên khác nhìn thấy mà chùn chân, không dám vi phạm.
Làm “chùn bước” người có động cơ không trong sáng
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Một trong những điểm mới đáng chú ý là, lần đầu tiên có một điều khoản riêng trong văn bản về xử lý kỷ luật đảng đề cập đến mức kỷ luật khi đảng viên chạy chức, chạy quyền.
Cụ thể, tại Điều 30 Quy định 69 tách hành vi chạy chức, chạy quyền thành một hành vi bị kỷ luật riêng biệt với các hành vi khác.
Theo đó, đảng viên vi phạm với các biểu hiện cụ thể thì sẽ phải chịu mức kỷ luật tương ứng là khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) và khai trừ khỏi Đảng.
Có thể thấy, Điều 30 đã cụ thể hóa Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền và các quy định liên quan. Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt làm trong sạch đội ngũ cán bộ, góp phần chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội không thể “chui sâu, leo cao” vào bộ máy.
GS.TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Quy định 69 thể hiện quyết tâm lớn của Đảng ta nhằm bịt kín những lỗ hổng, dập tắt những mối đe dọa ngày càng nguy hiểm hơn trong công tác cán bộ. Đồng thời đề cao tính kỷ luật, răn đe đối với các tổ chức đảng và đảng viên. Những ai đã trót “nhúng chàm” thì tự biết mình sẽ đối diện với hình thức kỷ luật nghiêm khắc nào của Đảng, đồng thời quy định cũng mang tính cảnh báo, răn đe, làm “chùn bước” người có động cơ không trong sáng.
“Đây là một căn cứ, là thước đo để trong sinh hoạt Đảng, chúng ta dễ dàng hình dung các hình thức kỷ luật đảng viên khi mắc vi phạm về chạy chức, chạy quyền. Đây cũng là biện pháp để chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm lành mạnh hóa công tác nhân sự của Đảng” – GS Phan Xuân Sơn cho biết.
Quy định 69 nêu rõ, chạy chức, chạy quyền là các hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất khác, dùng tình cảm nam nữ không trong sáng nhằm mua chuộc, tạo sự ủng hộ của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan để có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cho mình hoặc người khác.
Trong đó, Điều 30 nêu cụ thể các biểu hiện chạy chức, chạy quyền với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Ví dụ, hành vi tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn; Can thiệp, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân… được xác định là biểu hiện tiêu cực, chạy chức, chạy quyền.
“Trước đây, những chuyện vậy nhiều khi trong sinh hoạt đảng cũng “kêu ca” và nhiều khi cũng chậc lưỡi cho qua, coi như đó là chuyện “cuộc sống phải như vậy”. Còn bây giờ chúng ta đã có quy định rất cụ thể các hành vi, với hình thức kỷ luật tương ứng từ nhẹ đến nặng thì đây là nét rất mới, là cơ sở quan trọng trong sinh hoạt Đảng sắp tới” – ông Phan Xuân Sơn cho biết.
Chạy chức, chạy quyền là biểu hiện của tham nhũng trong công tác cán bộ
Theo ông Phan Xuân Sơn, chạy chức, chạy quyền là một trong những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội. Khi cán bộ lên chức nhờ chạy chọt mà không đủ năng lực, trình độ đảm đương công việc nên hiệu quả công việc thấp, thậm chí mắc khuyết điểm, sai lầm, làm uy tín của tổ chức giảm sút.
Do lên chức không phải bằng năng lực của mình, nên khi cán bộ vào vị trí lãnh đạo, quản lý dễ sa vào lộng quyền, lạm quyền, nhũng nhiễu, gây nên bức xúc trong xã hội. Thực trạng này khiến người dân bất bình, niềm tin, sự công bằng trong xã hội bị suy giảm, làm mất sức chiến đấu của đảng viên và suy giảm uy tín của tổ chức Đảng.
“Cán bộ đi lên nhờ chạy chức, chạy quyền khiến chúng ta không lựa chọn đúng người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ mà Đảng và nhân dân mong muốn. Chắc chắn sẽ gây những thiệt hại to lớn về uy tín của Đảng cũng như năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Vì vậy, một trong những vấn đề Quy định 69 nêu ra là rất coi trọng công tác cán bộ. Nếu thực hiện nghiêm Quy định, chắc chắn sẽ có tác dụng rất lớn làm giảm hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong công tác nhân sự và góp phần cùng với các công tác khác xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu trong hình mới”- ông Phan Xuân Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa – Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, phải kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền bởi vì hiện tượng của nó tương đối phổ biến ở nhiều nơi, với nhiều hình thức, mức độ khác nhau, gây bức xúc trong xã hội. Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Quy định 69 là rất cần thiết, giúp Đảng ta ngăn chặn hành vi tiêu cực và đặc biệt là cảnh báo cán bộ, đảng viên thấy được những hành vi có thể sai phạm, có thể bị xử lý mà tránh.
Theo ông, với việc chỉ rõ những biểu hiện cụ thể với các mức kỷ luật tương ứng mang tính răn đe mạnh mẽ về việc chạy chức, chạy quyền, Quy định 69 được kỳ vọng như một chốt chặn để những phần tử cơ hội không thể “chui sâu, leo cao” vào bộ máy và cũng khiến cán bộ, đảng viên khác nhìn thấy mà “chùn chân”, không dám vi phạm.
Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, hình thức “chạy” diễn ra trong “bóng tối”, nơi bí mật, nên gần như chỉ có người “chạy” và người được “chạy” biết với nhau. Để phát hiện, tố giác được hành vi này, ngoài việc siết chặt hình thức kỷ luật của Đảng, cần phát huy vai trò, chức năng giám sát của nhân dân và các tổ chức, đoàn thể xã hội như Mặt trận Tổ quốc.
“Như vậy, không chỉ có những người trong Đảng mà các tổ chức đoàn thể cùng nhau góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng, cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên”– ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh./.
Nhận xét
Đăng nhận xét