Từ những vụ án tham nhũng, tham ô, hối lộ mới được xét xử trong thời gian gần đây, một lần nữa câu hỏi “Làm thế nào để thu hồi hết tài sản do tham nhũng, hối lộ?” lại được đặt ra.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong 10 năm qua đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, mới đạt 34,7%, trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có gần 50.000 tỷ đồng được thu hồi, cũng chỉ đạt 41,3%.
Từ những vụ án tham nhũng, tham ô, hối lộ mới được xét xử trong thời gian gần đây, một lần nữa câu hỏi “Làm thế nào để thu hồi hết tài sản do tham nhũng, hối lộ?” lại được đặt ra.
Tránh “hy sinh đời bố…” – cần cân nhắc mức độ
Những vụ án tham nhũng đã được xét xử gần đây khiến chúng ta nhớ tới những băn khoăn, trăn trở bấy lâu nay từ phía các nhà chuyên môn cũng như dư luận xã hội trước tình trạng phần lớn cán bộ tham nhũng sau khi bị phát hiện và khi ra tòa vẫn tìm mọi cách để che giấu, tẩu tán tài sản chiếm đoạt phi pháp.
Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, nếu có cách hữu hiệu khuyến khích những người phạm tội tham nhũng tự nguyện giao nộp tài sản phi pháp để hưởng chính sách khoan hồng thì chúng ta có thể thu hồi được tài sản thất thoát của Nhà nước một cách nhanh nhất, không gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các cơ quan tiến hành tố tụng, hơn hết là còn thể hiện được sự nhân văn rất cao. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó thì hệ thống pháp luật của chúng ta cần chặt chẽ, hoàn thiện hơn để tránh những sự lợi dụng vào việc “khắc phục hậu quả” nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đề xuất 4 cấp độ tự giác giao nộp tài sản chiếm đoạt từ phía các đối tượng tham nhũng nhằm phân loại mức giảm án hình sự – tự thú, trước khi bị phát hiện và bồi thường đầy đủ thì tình tiết giảm nhẹ càng tăng. Theo ông, đây là cách để Nhà nước tăng thu hồi tài sản tham nhũng và cũng hạn chế tối đa tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” – ngồi tù một thời gian dài nhưng vẫn “bảo toàn” tài sản.
Trung tướng Trần Văn Độ cho biết, hơn 7 năm trước, khi thảo luận về Bộ luật Hình sự ở Quốc hội khóa XIII, ông và nhiều đại biểu cũng đã kiên trì đề xuất giảm phạt tù, tăng mức phạt tiền và thu hồi tài sản đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng.
Với tội phạm tham nhũng, ngoài hình phạt thì điều quan trọng là phải có biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Phải phân hóa các trường hợp phạm tội để khuyến khích người phạm tội tự nguyện khai báo, tự nguyện nộp lại tài sản.
Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, cho rằng việc thu hồi tài sản rất quan trọng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Để việc thu hồi được cao thì cần có những biện pháp cụ thể để khuyến khích những người tham nhũng tự nguyện nộp lại tài sản bất chính.
Theo ông, trên thực tế có nhiều người phạm tội không nghiêm trọng và nhận thức được sai phạm của mình, tự nguyện nộp và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, nếu không có những quy định cụ thể trong pháp luật thì rất khó để khuyến khích họ giao nộp tài sản tham nhũng.
Với những vụ việc, vụ án cụ thể, nếu thấy cần thiết, phù hợp, không thuộc diện nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì pháp luật, có thể tạo điều kiện để họ khắc phục hậu quả, làm lại cuộc đời.
Cũng ủng hộ việc tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng, song Tiến sỹ luật học Đặng Văn Cường nêu ý kiến về mức độ cân bằng giữa việc chống “hy sinh đời bố…” với sự tôn nghiêm của pháp luật.
Ông cho rằng nếu coi trọng việc thu hồi tài sản mà “nương tay” với hành vi tham nhũng thì sẽ không đảm bảo hiệu quả của việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cần phải tiếp tục phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh với mọi hành vi tham nhũng, dù là tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn. Phần lớn các hành vi tham nhũng ở Việt Nam đều được xác định là tội phạm và được quy định trong bộ luật hình sự. Người thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải bị áp dụng chế tài hình sự trong đó có nhiều tội danh được quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, việc xử lý hay không xử lý tội phạm không thể tùy tiện, mà phải căn cứ vào quy định pháp luật. Khi hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý. Nếu không đề cao nhiệm vụ phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mà chỉ chú trọng đến việc thu hồi tài sản thì có thể còn làm tăng nguy cơ tham nhũng. Bởi vì nếu những người tham nhũng bị phát hiện mà chỉ phải nộp lại tài sản và phần xử lý hình sự quá “nhẹ nhàng” thì họ sẽ không sợ và có thể càng củng cố quyết tâm thực hiện hành vi tham nhũng đến cùng.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến: Trong các vụ án tham nhũng thì việc thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Những bị can, người tham nhũng có ăn năn hối cải, tự nguyện giao nộp lại tài sản tham nhũng, gây thất thoát thì cần được xem xét giảm nhẹ hình phạt chứ không phải cứ bồi thường là đương nhiên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), cho biết: Trong thời gian qua, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, nhưng số tài sản thu hồi so với số bị chiếm đoạt, thất thoát còn thấp.
Do đó, khuyến khích tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế khắc phục hậu quả để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản là cần thiết. Những vi phạm nghiêm trọng vẫn phải xử lý hình sự. Chúng ta cũng cần phân biệt giữa việc kết tội với thi hành án. Ai vi phạm pháp luật thì sẽ bị kết tội bằng một bản án, nhưng nếu người này khắc phục hậu quả tốt thì được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tội danh vẫn sẽ nằm trong lý lịch tư pháp chứ không phải là trả tiền rồi trắng án.
Việc xem xét đặc xá hằng năm đối với các phạm nhân tham nhũng cũng tính đến yếu tố khắc phục hậu quả. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, người phạm tội tham nhũng phải khắc phục xong phần dân sự mới được xét đặc xá dịp Quốc khánh năm 2022. Các phạm nhân đều bình đẳng khi xét đặc xá, tuy nhiên nhóm người phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ phải kèm theo một điều kiện là “hoàn thành nghĩa vụ phần dân sự.”
Hoàn thiện chính sách về thu hồi tài sản tham nhũng
Theo Tiến sỹ Đinh Văn Minh, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong đó, việc đầu tiên là hoàn thiện thể chế công khai đăng ký tài sản, hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý để tẩu tán, che giấu tài sản.
Các cơ quan phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin tài sản đăng ký, đặc biệt là đất đai, tài sản gắn liền với đất. Cần có sự kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý tài sản với các cơ quan liên quan như công an, công chứng, ngân hàng, thuế, thi hành án… để theo dõi sự biến động cũng như kịp thời xử lý khi có vi phạm.
Đặc biệt, tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cần được kiểm soát chặt chẽ. Các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện thông qua ngân hàng để ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng.
Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng cần được nghiên cứu sửa đổi nội dung để phù hợp với tình hình mới. Ví dụ, phải có quy định thu hồi tài sản tăng thêm nếu không giải trình được nguồn gốc và cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp; thời điểm áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, số lượng, giá trị các loại tài sản bị kê biên cần linh hoạt.
Pháp luật cũng phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng, chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp điều tra để truy nguyên tài sản phạm tội, phong tỏa, kê biên và bán đấu giá tài sản là tang vật của vụ án.
Đồng thời, các cơ quan hữu trách cần chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế trong việc xác minh, phong tỏa, thu giữ, chuyển giao tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài về cho Nhà nước Việt Nam./.
Nhận xét
Đăng nhận xét