Không thể phủ nhận giá trị dân chủ, nhân quyền của Việt Nam
Trần Công Nghệ
Từ cuối tháng 6/2022, báo cáo của Nghị viện Châu Âu về công tác hỗ trợ những nhà hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới đưa những thông tin sai lệch, phản ánh không đúng thực tế về thành tựu, thực tế tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Các thế lực xấu tận dụng việc này để khuếch trương, bịa đặt, xuyên tạc chống phá, cho rằng Việt Nam “kìm kẹp” các “nhà hoạt động” dân chủ, nhân quyền; cùng với đó, chúng tung tin xuyên tạc kích động chia rẽ, kỳ thị dân tộc; truyền bá tư tưởng “ly khai tự trị” ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, kích động khiếu kiện, lợi dụng những vấn đề dân sinh phức tạp, nhạy cảm để lôi kéo biểu tình, tạo dựng ngọn cờ, bạo loạn lật đổ; ra sức “quốc tế hóa”, vu cáo, xuyên tạc Việt Nam có kỳ thị dân tộc, vi phạm dân chủ, nhân quyền. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận người dân còn nhận thức mơ hồ, phiến diện về dân chủ, thậm chí có ý kiến còn nhầm lẫn, lệch lạc khi cho rằng dân chủ của chế độ tư bản là đỉnh cao, là khuôn mẫu phải noi theo!.
Việt Nam chúng ta là một quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em với những đặc điểm văn hóa đa dạng bản sắc (Tày, Thái, Nùng, Ê đê, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu…), trong đó dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất, cư trú phân tán và xen kẽ nhau. Bảo vệ và thúc đẩy phát triển bình đẳng dân tộc, phát triển quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật. Bất cứ ai vi phạm pháp luật, vì bất cứ lý do gì, đều phải bị xét xử nghiêm minh; bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do của mỗi người dân trong một xã hội an toàn, trật tự và công bằng. Không ai bị bắt giữ, xét xử vì thực hiện các quyền con người một cách chính đáng. Việt Nam đã ban hành nhiều luật bảo đảm phát huy trí tuệ, quyền dân chủ (như Luật trưng cầu dân ý, các luật khác). Mới đây, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV đã góp ý cho Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”, góp phần đẩy mạnh hiệu quả và chi tiết hóa Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 8/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu về phát huy dân chủ, kỷ cương, tại nhiều diễn đàn và gần đây nhất là Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ ra, tại các cơ quan công quyền, một số cán bộ, đảng viên do không nhận thức đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ và còn tình trạng thiếu dân chủ trong Ðảng kiểu phong cách lãnh đạo, quản lý chuyên quyền, độc đoán, lạm quyền, bao biện, gia trưởng… làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Còn tình trạng tham ô, tham nhũng, sự vi phạm dân chủ khi của cải của nhân dân, của tập thể đã bị một số cá nhân có chức quyền chiếm đoạt vẫn có nguy cơ gia tăng với nhiều mức độ khác nhau. Việc phát huy vai trò của nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Ðảng, chính quyền, hoặc bàn và quyết định các vấn đề của địa phương ở một số nơi còn hạn chế… Còn tình trạng dân chủ không gắn liền với kỷ luật, kỷ cương. Việc xây dựng một số văn bản pháp luật, đề án, dự án quan trọng chưa thực sự hiệu quả, làm cho chất lượng văn bản pháp luật chưa cao, thậm chí có những dự án, quy định gây bức xúc dư luận, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Nắm bắt thực trạng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thường xuyên chú trọng lãnh đạo thực hiện dân chủ, bảo đảm nhân quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở thực sự có trình độ, năng lực, trong sạch về đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hành dân chủ và thực hiện Quy chế dân chủ ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Kiên quyết xử lý những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật Ðảng, vi phạm quy chế dân chủ, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân; phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thường xuyên việc thực hiện dân chủ ở địa phương, cơ sở, khách quan, công tâm, không né tránh, bao che, đổ lỗi, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề bức xúc dư luận quan tâm… góp phần ngăn chặn những vi phạm, hạn chế trong thực hành dân chủ, nhân quyền.
Trong thời kỳ của sự bùng nổ thông tin trên Internet và mạng xã hội, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, trắng trợ, với chiêu bài “vừa ăn cướp vừa la làng”, chúng không thay đổi mục tiêu chống phá, không ngừng xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát triển bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc, bịa đặt và kích động kỳ thị dân tộc, bịa đặt vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền” khi xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật. Nhưng chúng đã và sẽ luôn thất bại, bởi chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam là một thứ văn hóa thâm sâu từ nghìn năm lịch sử, không gì có thể chia rẽ hay phá hoại được. Nhiều người dân đã ngày càng hiểu rõ hơn các thế lực xấu và các thông tin xuyên tạc, âm mưu chống phá; ngày càng nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường dân chủ, thành tựu nhân quyền, không gian thông tin an toàn, lành mạnh…/.
Nhận xét
Đăng nhận xét