Ông Nguyễn Túc cho rằng, để việc giám sát tài sản cán bộ đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải huy động tối đa sức mạnh của nhân dân.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng việc giám sát tài sản cán bộ vẫn được coi là chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về vấn đề này.
– MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia giám sát việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập cán bộ thế nào, thưa ông?
+ Trước đây, chúng ta đã có quy chế dân chủ ở cơ sở, hiện Quốc hội đang bàn để nâng lên thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, quy định rất rõ trách nhiệm của MTTQ Việt Nam với cán bộ trên địa bàn và những cán bộ sống ở địa bàn dân cư đó.
Để góp phần vào phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thì việc giám sát cán bộ, giám sát tài sản cán bộ là rất quan trọng. Việc giám sát sẽ giúp phát hiện những biến động bất thường của cán bộ trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là tài sản. Nếu cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực thì thông thường sẽ có những biến động nhất định về tài sản được biểu hiện ra ngoài.
Chẳng hạn xây nhà cửa, mua nhiều đất đai, cuộc sống có những thay đổi nhanh chóng. Khi giám sát mà nhận thấy những dấu hiệu bất thường thì các cơ quan và người dân sẽ phản ánh lên cấp uỷ, chính quyền, HĐND ở địa phương đó.
Và điều quan trọng, khi nhận được phản ánh về những biểu hiện bất thường của cán bộ thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải nhanh chóng vào cuộc để xác minh. MTTQ Việt Nam chỉ giám sát chứ không có chức năng điều tra những biểu hiện bất thường của cán bộ.
– Vừa qua rất nhiều vụ việc nổi cộm về cán bộ sau khi bị phát hiện sai phạm mới “lộ” ra có khối tài sản rất lớn, điển hình như vụ cựu Chủ tịch TP Hạ Long với biệt thự, xe sang hàng chục tỷ, hay cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, chỉ riêng căn biệt thự đã được định giá khoảng 100 tỷ đồng, ông nhận định ra sao về vấn đề này?
+ Rõ ràng người dân có quyền thắc mắc vì sao một vị Chủ tịch thành phố của Hạ Long lại có nhiều tài sản như thế? Xe ô tô sang hàng chục tỷ, nhà cửa thậm chí xây dựng như để khoe khoang, dư luận dễ dàng nhìn thấy nhưng các cơ quan chức năng dường như lại “làm ngơ”.
Hay như vụ việc của ông Chu Ngọc Anh, rất nhiều người dân cho rằng làm sao với thu nhập của một vị Bộ trưởng, Chủ tịch Thành phố lại có thể có căn nhà bề thế như vậy? chưa kể những tài sản khác chưa nhìn thấy được.
Nếu các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong vấn đề này, lắng nghe ý kiến của nhân dân và vào cuộc sớm thì có lẽ đã có thể ngăn chặn sớm hơn.
Đặc biệt, vụ việc ở Hà Nội thời gian qua khi 2 đời Chủ tịch thành phố phải “vào lò” làm những người Hà Nội có tự trọng cảm thấy rất đau lòng. Rõ ràng, công tác cán bộ, trong đó có công tác giám sát vẫn còn rất nhiều việc phải bàn.
Tôi cho rằng, cần quy định trách nhiệm rõ hơn nữa để khi người dân phát hiện ra những vụ việc bất thường, phản ánh lên các cơ quan chức năng thì cơ quan chức năng phải quan tâm và nhanh chóng xác minh đúng sai.
Thời gian qua có không ít những ý kiến của người dân phán ảnh rất đúng nhưng không được xem xét, chính điều này làm người dân cảm thấy ngại, nản lòng khi góp ý kiến vào công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.
– Nhiều ý kiến cho rằng việc giám sát thu nhập, tài sản cán bộ thời gian qua còn mang tính hình thức, thưa ông?
+ Phải nói rằng việc công khai thu nhập, tài sản của cán bộ trong thời gian qua vẫn còn mang tính hình thức, tác dụng của chưa nhiều.
Việc giám sát kê khai tài sản, thu nhập chỉ dựa vào sự trung thực của người kê khai.
Bên cạnh đó, khi cán bộ kê khai tài sản, người dân không được biết. Nếu các cơ quan chức năng không công khai rộng rãi thì người dân cũng như các cơ quan khác không thể giám sát.
Nếu muốn thực sự minh bạch và để người dân giám sát được thì khi công khai tài sản cán bộ, không chỉ có cơ quan nhà nước có trách nhiệm mà phải cho toàn bộ cán bộ, viên chức ở cơ quan đó, cũng như cán bộ cơ sở và người dân địa phương được biết.
Việc công khai, minh bạch tài sản cán bộ, đặc biệt những người có chức vụ cao chính là cách để giúp họ tránh đi vào con đường tội lỗi. Chính vì vậy, việc công khai cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa.
– Như vậy, để việc giám sát đi vào thực chất, hiệu quả cần phải có sự tham gia của nhân dân, thưa ông?
+ Theo tôi, phải huy động tối đa sức dân để tham gia cùng Đảng, Nhà nước trong công tác giám sát cán bộ. Như Bác Hồ đã nói “có dân là có tất cả, khó khăn gì cứ hỏi người dân”. Đã giao quyền cho cán bộ thì cũng phải có trách nhiệm giám sát việc sử dụng quyền lực đó như thế nào, có đúng hay không.
Đảng đã khẳng định “dân là gốc, dân là vi bản, có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả” thì cần phải huy động tối đa sức dân để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng tiêu cực. Tôi mong Trung ương sẽ coi trọng hơn nữa vai trò của nhân dân trong vấn đề giám sát cán bộ, giám sát tài sản cán bộ.
Những người tham nhũng, trục lợi ít nhiều sẽ có biểu hiện bên ngoài, bộc lộ bằng việc sử dụng đồng tiền hay vật chất khác. Người dân xung quanh không biết nhiều sẽ biết ít, họ có thể phát hiện ra những biến động bất thường trong cuộc sống của các cán bộ ở địa phương.
Những vụ án vừa rồi cho thấy, người dân họ phát hiện ra ngay, nhưng vì ngại đấu tranh, sợ hiện tượng bao che nên họ không dám công khai, chỉ đến khi những cán bộ vi phạm đó bị bắt thì người ta mới dám lên tiếng. Do vậy, quan trọng nhất là phải có cơ chế để phát huy tối đa dân chủ ở cơ sở.
– Trung ương vừa thông qua chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông kỳ vọng việc này sẽ góp phần thế nào trong công tác giám sát cán bộ, giám sát tài sản cán bộ nói riêng cũng như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung?
+ Trước đây những vấn đề nổi cộm, những vụ án gây bức xúc dư luận đều do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, nhưng rõ ràng hiện nay, tham nhũng tiêu cực không chỉ là vấn đề của một ngành hay địa phương mà nó đang giống như một “vết dầu loang” đang lan đi khắp nơi.
Kể từ Đại hội VII của Đảng, Đảng đã nhắc đến tham nhũng vặt trong báo cáo chính trị, khi “một số cán bộ, đảng viên” có chức có quyền tha hóa biến chất, đến Đại hội VIII số cán bộ vi phạm đã trở thành “một bộ phận” và đến Đại hội IX đã thành “bộ phận không nhỏ”.
Tôi nhớ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói đại ý rằng nếu không đổi mới, không phát triển kinh tế nhiều thành phần thì nguy, nhưng đổi mới nếu không có sự giám sát và phát triển kinh tế nhiều thành phần không theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì còn nguy hơn. Bởi sự móc ngoặc giữa doanh nhân với cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo có chức có quyền sẽ là rất nguy hiểm.
Tình hình vừa qua cho thấy ý kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng ngày càng đúng. Vụ Việt Á cũng như những vụ việc ở Tân Hoàng Minh, FLC đã chứng minh điều đó. Cho nên, hiện tại phải xem xét một cách toàn diện để ngăn chặn “vết dầu loang”.
Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là bước để mở rộng diện đấu tranh, không chỉ tập trung vào những vụ án lớn mà tất cả những vụ việc những dấu hiệu “ăn bẩn” gây bức xúc trong nhân dân.
Phòng, chống tham nhũng phải làm mạnh mẽ hơn nữa và thống nhất từ trên xuống dưới, không thể còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hoặc “trên nóng dưới ấm”, phải mở rộng diện xuống cơ sở, xuống tận địa bàn dân cư. Chính vì vậy, thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng là hết sức cần thiết.
Tôi mong rằng với những quyết tâm của Đảng, với sự vào cuộc mạnh mẽ như hiện nay thì tham nhũng, tiêu cực sẽ sớm bị đẩy lùi.
– Xin cảm ơn ông!
Xuân Trường
Nhận xét
Đăng nhận xét