Chống chủ nghĩa Mác-Lênin: Sự làm ngơ hay giả vờ không biết
Dương Phương Duy
Điệp khúc xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin quá lỗi thời, trơ trẽn
Lợi dụng việc Đảng, Nhà nước và Quân đội ta tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả 10 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình tình mới (gọi tắt là Nghị quyết số 28-NQ/TW), một số người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã dàn dựng kịch bản cố tình xuyên tạc, hạ bệ chủ nghĩa Mác – Lênin; viết tin, tung bài lên mạng xã hội nhằm hạ thấp giá trị, ý nghĩa của Nghị quyết số 28-NQ/TW; cố tình bôi đen kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của quân và dân ta.
Trong các nội dung xuyên tạc vô lý ấy, trơ trẽn nhất là việc phủ nhận từ “gốc” cơ sở lý luận – thực tiễn của Nghị quyết số 28-NQ/TW; cho rằng Đảng ta “bịa ra những điều C. Mác Ph. Ăngghen không bàn về bảo vệ tổ quốc” để “áp đặt quan điểm chủ quan của Đảng” vì Đảng “chót khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” của Đảng và cách mạng Việt Nam nên ra sức bảo vệ quan điểm của mình.
Điều đáng bàn ở đây là chiêu trò “chơi chữ”, “đánh tráo khái niệm”, “kẻ tung, người hứng” được “nhai đi nhai lại” nhiều lần để lừa bịp người dân. Với hai loại quan điểm trái ngược nhau, những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta cho rằng, trong học thuyết của C. Mác và Ph. Ăngghen, các ông không hề nói gì, không viết gì về vấn đề bảo vệ tổ quốc, mà chỉ bàn về vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp; hoặc nếu có “chỉ là lý luận về bảo vệ tổ quốc của C. Mác Ph. Ăngghen được sao chép từ quan điểm của Lênin”, v.v..
Vào hùa với ý kiến trên, một loại ý kiến khác cho rằng, V.I. Lênin không có quan điểm riêng về bảo vệ tổ quốc. Những điều mà hậu sinh biết về lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chẳng qua là những người mác xít gán cho C. Mác và Ph. Ăngghen. Trâng tráo hơn có người còn vu khống “Lênin vay mượn, sao chụp quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen, thêu dệt, làm nên quan điểm của riêng mình; cho thêm cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” để biến các quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen thành quan điểm của Lênin. Theo họ, học thuyết Lênin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa “là bản sao quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen”. Đúng là những kẻ chống đối đều “tăm tối, mù mờ”. Họ đã xuyên tạc ra đời một học thuyết của Mác – Lênin như thế đấy…
Đây là một chiêu trò xấu, tâm địa bất minh, họ tung các luồng dư luận như vậy để đánh lừa người dân, nhưng “màn trình diễn vụng về ấy” đã bị lật tẩy, bị vạch mặt; sự gian trá, lừa đảo đã bị phơi bầy. Giờ đây, sau nhiều lần bịp bợp, lừa gạt, người dân Việt Nam đã nhận diện rõ hơn bộ mặt xấu sa của những người không có liêm xỉ, chuyên “kiếm chuyện làm quà’, đùa giỡn với chiêu trò “chọc gậy bánh xe”, cốt để hạ thấp uy tín của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Họ chơi trò xấu ấy là nhằm mục đích kép: Vừa xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, vừa chống đối, phủ nhận nền tảng tư tưởng và chống Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng ta.
Sự thống nhất lập trường, quan điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen về bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ tổ quốc
Quan điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về bảo vệ tổ quốc có tính lịch sử và hàm chứa giá trị, ý nghĩa rất sâu sắc.
(1) Chúng ta đều biết bảo vệ tổ quốc và bảo vệ thành quả cách mạng là một nội dung lớn, mang tầm tư tưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác – Lênin, có nội dung tương đồng nhưng khác nhau về hình thức diễn đạt, trình bày. Trong quan niệm của C. Mác và Ph.Ăngghen, bảo vệ tổ quốc gắn liền với các vấn đề về nhà nước, giai cấp, đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội và xây dựng lực lượng vũ trang… Ai đó cố tình tách rời các vấn đề ấy, tuyệt đối hóa một mặt nào đó là rơi vào quan điểm siêu hình, bị nó chi phối. Vì vậy, cần nắm vững tính lịch sử và mối quan hệ biện chứng của các vấn đề nêu trên. Theo đó, cần phải hiểu vì sao C. Mác và Ph.Ăngghen lại khẳng định: “Dưới chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân không có tổ quốc”, “họ là nộ lệ, bị áp bức, bóc lột dã man, sống cuộc đời bất công, tủi nhục”; phải làm cuộc cách mạng vô sản để giai cấp vô sản tìm thấy tổ quốc.
Đó là điều cắt nghĩa vì saoC. Mác và Ph.Ăngghen nhiều lần kêu gọi giai cấp vô sản phải tiến hànhđấu tranh cách mạng để sớm trở thành giai cấp dân tộc, có tổ quốc và trở thành người đại diện cho tổ quốc. Với ý nghĩa đó, giai cấp vô sản vừa phải đồng thời tiến hành cuộc cách mạng vô sản để tìm thấy mình trong tổ quốc, vừa phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết để làm chủ nhân xây dựng tổ quốc sau khi cuộc cách mạng vô sản thành công. Đây là sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản và là nội dung rất quan trọng của hệ tư tưởng vô sản. Với ý nghĩa đó, chúng ta có thể hiểu được những ẩn ý đằng sau nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp vô sản chính là bảo vệ tổ quốc, điều mà họ cần nhất, muốn có nhất khi làm cuộc cách mạng vô sản.
(2) Xem xét các điều kiện lịch sử cụ thể, vào thời của C. Mác và Ph. Ăngghen, chúng ta có thể hiểu tại sao các ông lại chưa đặt ra và trực tiếp bàn các vấn đề về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Điều kiện chưa cho phép và nhiệm vụ cấp bách lúc ấy là phải làm cuộc cách mạng vô sản, giành lấy và giữ chính quyền nên các ông đã dành sự ưu tiên hàng đầu cho công tác nghiên cứu và luận giải sâu sắc các vấn đề về vũ trang cho quần chúng nhân dân để tiến hành đấu tranh và bảo vệ thành quả cách mạng, thực hiện sứ mệnh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người… Thông qua đó, giai cấp vô sản tìm thấy hình hài tổ quốc ở ngay trong chính bản thân mình và họ ý thức được vai trò làm chủ xã hội để bảo vệ tổ quốc…
Nghiên cứu kinh nghiệm cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp, Anh, Đức và bài học kinh nghiệm của công xã Pari, chúng ta thấy C. Mác và Ph. Ăngghen đã cố gắng luận giải các vấn đề phức tạp ấy và có những kết luận vô cùng quan trọng về bảo vệ tổ quốc với tính cách là bảo vệ thành quả cách mạng. Vì thế, sự chỉ dẫn của các ông về khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội và bảo vệ thành quả cách mạng có ý nghĩa rất sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn khi nghiên cứu về bảo vệ tổ quốc xét theo hai mặt: tự nhiên – lịch sử và chính trị – xã hội. Nếu giai cấp vô sản không bảo vệ được thành quả cách mạng thì làm gì có tổ quốc để mà bảo vệ, dù là bảo vệ và xử lý hài hòa hai mặt ấy.
C. Mác và Ph.Ăngghen coi đó là những việc làm cần thiết để có được tổ quốc và bảo vệ tổ quốc của giai cấp vô sản. Thông qua khảo cứu các vấn đề trên, chúng ta có thể chắt lọc, tìm được những tư tưởng quan trọng về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị và giải quyết các vấn đề của chiến tranh và hòa bình; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các vấn đề về quốc phòng, an ninh, bảo vệ tổ quốc sau khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, bắt tay xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
(3) Rõ ràng C.Mác và Ph. Ăngghen là những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng học thuyết mác xít về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, và nó được V.I. Lênin bổ sung, hoàn thiện, phát triển học thuyết này thông qua việc luận giải các vấn đề về bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Các ông cho rằng, giai cấp vô sản phải đấu tranh để trở thành giai cấp dân tộc, có tổ quốc và khi ấy, họ trở thành người đại diện cho tổ quốc. V.I. Lênin đã tiến hành sự nghiệp vĩ đại ấy để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đưa giai cấp công nhân trở thành chủ nhân của xã hội, có sứ mệnh lịch sử là xây dựng lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh quân sự để đẩy lùi các cuộc tấn công của bọn phản động, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng – bảo vệ tổ quốc.
C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định cách mạng vô sản vừa có tính chất dân tộc, vừa có tính chất quốc tế bởi nó đồng thời diễn ra ở các nước văn minh, trước hết là ở các nước phát triển: Anh, Pháp và Đức… Các ông cho rằng, trước và sau khi giành chính quyền về tay mình, giai cấp vô sản nhất thiết phải tổ chức lực lượng vũ trang và dân phòng để tự bảo vệ chính mình và bảo vệ thành quả cách mạng. Bởi vì, các giai cấp bóc lột sau khi bị đánh đổ nhưng chúng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, ở đâu đó vẫn còn lực lượng, vũ khí, trang bị và âm mưu rình rập chống phá cách mạng, và khi có điều kiện, chúng sẽ cướp chính quyền, tiếp tục thực hiện quyền thống trị giai cấp và bóc lột. Vì vậy, các ông kêu gọi giai cấp vô sản “đừng vứt bỏ vũ khí” khi thế giới vẫn còn tồn tại áp bức, bóc lột, bất công.
Điều đó nhắc nhở giai cấp vô sản phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, “nắm chắc vũ khí trong tay” bởi quanh họ vẫn còn tồn tại kẻ thù giai cấp. Cho nên, tỉnh táo, sáng suốt, biết phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân và biết dựa chắc vào sức mạnh của vũ khí, phương tiện quân sự để giành và gìn giữ chính quyền cách mạng là “trí tuệ của những người công nhân có tri thức, có tổ quốc”. C.Mác và Ph. Ăngghen căn dặn: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn.
Vì vậy, bằng sức mạnh của mình, giai cấp vô sản có thể tiến hành những cuộc chiến tranh chính nghĩa để tự giải phóng mình và giải phóng tất cả những người dân lao động bị áp bức, bóc lột; xây dựng chế độ xã hội mới, tốt đẹp hơn để thực hiện “cuộc đổi đời”. Cùng với đó, các ông dự báo khả năng chiến thắng của những cuộc chiến tranh phòng thủ và các cuộc cách mạng xã hội do giai cấp vô sản tiến hành đồng loạt diễn ở các nước để chống lại các thế lực phản động và giai cấp tư sản.
Bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng là bảo vệ tổ quốc
Muốn thực hiện điều đó, C. Mác và Ph. Ăngghen khẳng định giai cấp vô sản phải chủ động phối hợp với những người lao động ở tất cả các nước để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp một cách dài lâu, kiên quyết “phá bỏ mọi xiềng xích”, mọi ách áp bức xã hội và dân tộc, cùng nhau thiết lập nền chuyên chính vô sản và bảo vệ thành quả cách mạng. Chỉ có làm như vậy, giai cấp vô sản mới tạo ra các điều kiện cần thiết để giành và giữ chính quyền, xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa một cách thiết thực, hiệu quả; lúc ấy họ thật sự có tổ quốc và phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ tổ quốc.
C. Mác và Ph. Ăngghen kiên quyết bác bỏ những quan điểm đối lập với các ông và khẳng định rằng, sau khi giành được chính quyền về tay mình, giai cấp vô sản mới thật sự có tổ quốc, mới thật sự là chủ nhân của một xã hội kiến tạo hạnh phúc. Cùng với đó, giai cấp vô sản phải tiến hành giải giáp quân đội cũ; bộ máy của chính phủ cũ; vũ trang toàn dân; thành lập các đội dân cảnh, tự vệ; tổ chức xây dựng xã hội mới; đem lại hạnh phúc cho toàn dân; thực hiện tiến bộ xã hội.
Ai đó cho rằng chủ nghĩa Mác chưa đặt vấn đề về tổ quốc và không bàn gì về tổ quốc, bảo vệ tổ quốc là điều vô lý, không thể chấp nhận. Sự đuối lý của họ, buộc họ phải phán bừa, nói ẩu. Người nào đó cho rằng chủ nghĩa Mác là sự “cấy ghép các quan điểm của Lênin” về “lý luận về bảo vệ tổ quốc” là phi lý, không có căn cứ khoa học. Đừng vì sự sai khiến của kẻ xấu mà ép mình phải xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đừng nhìn cây mà không thấy rừng.
Ai đó hãy tự hỏi chính mình vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại khẳng định lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Tại sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình tình mới. Tất cả điều đó trả lời rằng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết khoa học, cách mạng, đã, đang và tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Nhận xét
Đăng nhận xét