Việc Bộ Nội vụ đưa ra dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP đã bị các đối tượng xấu xuyên tạc rằng đây là cách Nhà nước ta đang ra sức kiểm soát tôn giáo, đàn áp tôn giáo.
Tổ chức khủng bố Việt Tân đã xuyên tạc rằng “nhiều điều khoản của nghị định này có nội dung không rõ ràng, và chưa định nghĩa cụ thể, điều này sẽ khiến cho người thực thi công vụ tuỳ ý diễn giải, xử phạt người dân một cách tuỳ tiện mang tính áp đặt” và vu cáo rằng Việt Nam đang đàn áp tôn giáo, đồng thời không quên nhắc lại chuyện Ủy Ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
Đó là cách xuyên tạc trắng trợn của Việt Tân, phủ nhận mọi thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thực chất đây không chỉ là những nhận thức sai lệch, mà xuất phát từ âm mưu, mục đích chính trị, nhằm lợi dụng vấn đề tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Có thể nói, trên thực tế, hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay cho thấy rõ ràng chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam: Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.
Một điều chắc chắn rằng, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước hay kích động bạo lực, chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân...
Cũng có thể khẳng định rằng, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay khá sôi động, đa dạng với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, nhiều tổ chức tôn giáo và mô hình tổ chức tôn giáo. Trong xu thế phát triển của đất nước và xu thế chung của thời đại, các tôn giáo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.
Nói về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, được biết qua kết quả sơ kết 3 năm triển khai thi hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 162 cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ. Cùng với đó, thời gian qua, một số hình thức hoạt động tôn giáo mới xuất hiện, như sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến đã phát sinh nhưng chưa có quy định điều chỉnh và biện pháp để quản lý cho phù hợp.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định của Nghị định số 162 và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế cho Nghị định này là thật sự cần thiết. Việc tổ chức khủng bố Việt Tân xuyên tạc, phá hoại dự thảo Nghị định là nhằm thực hiện âm mưu xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam./.
Nhận xét
Đăng nhận xét