Ông Carlyle Thayer là một giáo sư về các vấn đề quan hệ quốc tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc – đồng thời là nhân vật thường được BBC, VOA, RFA phỏng vấn về tình hình chính trị xã hội Việt Nam và khu vực từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu nước ngoài. Có một số ý kiến của ông khá khách quan, nhưng không ít trong số đó phản ánh sự chủ quan, ít nhiều thiên kiến của ông này đối với các quốc gia mà ông ta mặc định là “cộng sản”, là “độc đảng”.
Dư luận những ngày qua nhiều ý kiến phản ứng, không đồng tình ý kiến của ông trong cuộc trao đổi với RFA ngày 23/6 “Nước Cộng sản Lào khủng hoảng, báo chí Việt tránh đưa tin”. Theo RFA, khi được hỏi, GS Carlyle Thayer nêu hai lý do để phía Việt Nam tránh đưa tin về tình trạng ở Lào:
Thứ nhất, “Họ không muốn cuộc chiến ở Ukraine được nhắc đến. Nếu cho phép báo chí mổ xẻ vấn đề ở Lào thì đương nhiên câu hỏi được đề cập sẽ là tại sao tự dưng Lào lại gặp vấn đề? Tại sao nó lại xảy ra lúc này?. Và ông cho rằng: vì như vậy sẽ khó tránh khỏi việc quy trách nhiệm cho Nga.
Thứ hai, “chính quyền giới hạn việc đưa tin về cuộc khủng hoảng ở Lào, là vì Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn cho người dân biết về sự thất bại ở một quốc gia Cộng sản khác”.
Bình luận về bài viết của RFA và quan điểm của vị giáo sư, cây viết Hà Nam Quân cho rằng:
Trong cuộc trao đổi với GS Carlyle Thayer, RFA đã cố tình phạm lỗi sơ đẳng trong phỏng vấn (hay điều tra xã hội) khi đặt ra câu hỏi có tính định hướng, dẫn dắt, mặc định trước với người trả lời, rằng có việc “Việt Nam tránh đưa tin về tình trạng ở quốc gia láng giềng”. Đồng thời, cứ cho là GS Thayer tỉnh táo, không mắc bẫy nhà đài RFA đi, thì câu trả lời mang tính nhận định của ông cũng không thể coi là khách quan. Tóm lại, bên hỏi thì mưu mẹo kiểu láu cá, còn bên trả lời thì hấp tấp, lãng đi cái phẩm chất số một với người làm nghiên cứu, là sự thận trọng.
Thực tế, về khó khăn (thậm chí khủng hoảng ở Lào), báo chí Việt Nam đưa từ cách đây 1, 2 năm. Và bây giờ vẫn đưa.
Đại dịch càn quét, gây thảm họa toàn cầu, đâu phải mình Lào mà che đậy. Ai giàu, ai mạnh, ai “phi cộng sản” bằng Mỹ mà giá xăng dầu lập hết đỉnh này tới đỉnh khác khiến lòng tin của người tiêu dùng xứ cờ hoa giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1980 – theo một điều tra của Đại học Michigan. Cũng nước Mỹ, các bà mẹ trẻ đang náo loạn vì sữa công thức tại hiệu thuốc và siêu thị bị rút cạn…, liệu có thể quy cho Nga?
Mà khó khăn chưa đụng trần đâu nhé, khi Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa cảnh báo viễn cảnh u ám với tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và sức ép lớn của lạm phát trong phạm vi toàn cầu.
Lào khó khăn hay khủng hoảng, che đậy, ém nhẹm sao nổi trong “thời của truyền thông xã hội”. Thế nên, báo chí Việt Nam đề cập tơi tới. Chẳng hạn, báo Tuổi trẻ – một tờ báo lớn của Việt Nam – đã viết rằng: “Lào đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhiên liệu do sự mất giá của đồng kip, khiến các nhà nhập khẩu không thể mua đủ lượng ngoại tệ cần thiết để mua nhiên liệu (…). Trong thời gian qua, so với đồng USD và baht, đồng kip đã bị mất giá chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 (…). Trong nhiều tuần qua, những người có ô tô ở Lào đã buộc phải xếp hàng dài để mua nhiên liệu tại các trạm xăng, thường chỉ mở cửa trong thời gian ngắn do không đủ nguồn cung…”
Còn tờ Vietnamplus – tờ báo điện tử lớn bậc nhất, của Thông tấn xã Việt Nam – cơ quan coi như Hãng thông tấn quốc gia – cũng chẳng hề coi khó khăn của xứ hoa Champa là cái gì nhạy cảm để mà tránh né, hay “giới hạn”, viết thẳng tưng rằng “lạm phát ở Lào trong tháng 5 vừa qua đã lên tới 12,8%, mức cao nhất từng được ghi nhận trong 18 năm qua. Lào hiện cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất Đông Nam Á”. Và còn nhiều nhiều tờ này, tờ kia nữa.
Còn việc GS Thayer cho rằng: “Họ (Việt Nam) không muốn cuộc chiến ở Ukraine được nhắc đến” cho thấy vị chuyên gia này không hề hay biết gì về báo chí Việt mà vẫn phán xét? Riêng tin tức nào chứ tin về cuộc chiến Ukraine trên báo chí Việt Nam chiếm số lượng áp đảo, thậm chí có thể nói là đứng số 1: liên tục, ồ ạt, đố ai thống kê nổi. Có điều, họ cố để chắt lọc để tin tức được đưa theo quan điểm khách quan. Họ không thể chạy theo tin tức một chiều do các bên tham dự hay phe cánh tung ra theo ý đồ chính trị phe cánh. Không có việc “bị định hướng”; mà ngược lại, đó là một nguyên tắc công khai trong công tác báo chí của Việt Nam. Nguyên tắc đó bảo đảm cho báo chí phục vụ tốt yêu cầu của công chúng, phù hợp với lợi ích của đất nước… Như thông tin về tình hình Ukraine, đưa tin, báo chí Việt Nam được định hướng “không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải.”
Ông Hà Nam Quân kết luận: Việt Tân vu khống thì ai cũng biết. RFA láu cá láu tôm khi ra câu hỏi “bẫy” thì không bàn. Còn với GS Thayer, ngoài việc nhắc nhở ông hãy cảnh giác với RFA, xin hỏi thêm: Định hướng (báo chí) mà như thế, chẳng lẽ lại là không tốt?
Về bất cứ lý do gì, đọc bài phỏng vấn của RFA và nội dung trả lời của vị giáo sư nói trên đều cho chúng ta thấy rõ một điều: phàm là những gì không có lợi cho thế lực nuôi dưỡng RFA, VOA, BBC, phàm những gì có thể đâm bị thóc chọc bị gạo, phàm là cái gì có thể gây nhiễu nhương và hoài nghi vào chế độ, lãnh đạo Đảng CSVN thì làm gì có cơ hội hiện diện ở những trang truyền thông đội lốt “quốc tế” này. Dù có bị dẫn dắt hay không, nhưng nếu những điều ông GS Carl Thayer nói không có lợi cho “sứ mệnh truyền thông” của họ thì chắc gì người đọc của mấy trang đó biết đến ông. Phải chăng một vài ý kiến đánh giá của vị giáo sư này về tranh chấp chủ quyền biển Đông theo hướng tích cực cho Việt nam, thực ra cũng vì có lợi cho thế lực đang muốn lôi kéo Việt Nam vào quỹ đạo “bài Trung thân Mỹ” mà thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét