LIỆU CÓ PHẢI TÀU CÁT LINH - HÀ ĐÔNG CÀNG HOẠT ĐỘNG CÀNG LỖ?

 Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021. Đáng chú ý, Hanoi Metro lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỷ đồng trong đó phần lớn là sau khi vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trước thông tin đó, một bộ phận thì ngây thơ xót xa cho một công trình thua lỗ, một nhóm khác thì hả hê khi thấy chính phủ phải bù tiền chứng tỏ rằng đây là sai lầm trong đầu tư dự án.

LIỆU CÓ PHẢI TÀU CÁT LINH - HÀ ĐÔNG CÀNG HOẠT ĐỘNG CÀNG LỖ?

Ảnh: Giá trị lợi ích của đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo lãnh đạo Hanoi Metro, năm 2021 đại dịch lây lan trên diện rộng đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế cả nước cũng như hoạt động của doanh nghiệp này. Trong đó, các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt trên diện rộng khiến mọi hoạt động cầm chừng. Cái này đúng nhưng chưa đủ vì dù có dịch bệnh hay không thì các dự án giao thông công cộng luôn luôn lỗ không chỉ ở Việt Nam mà là ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Rõ ràng nếu tính toàn bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng… so với giá vé không bằng tô phở bò thì dù người dân có lấp full ghế ngồi cũng không biết mất bao nhiêu năm mới có thể thu hồi vốn đầu tư. Hiện mức giá vé của Cát Linh - Hà Đông đang được nhà nước trợ giá khoảng 60 - 70%. Điều này rõ ràng có trong kịch bản chủ động từ đầu của chính quyền.

Nhưng sự thật không hẳn như vậy, khi máy bay delay, quốc lộ bị tắc, kênh đào panama bị kẹt xuồng hoặc ngã tư vào trung tâm thành phố bị kẹt cứng thì mỗi phút trôi qua, nền kinh tế lại thiệt hại số tiền khổng lồ. Tuỳ vào sự cố giao thông mà thiệt có thể là vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ hoặc không thể đong đếm được. Cát Linh - Hà Đông ra đời là để góp phần giải quyết tình trạng đó, có thể lúc này chưa thể hiện rõ nhưng khi mỗi người dân thủ đô xem nó là một phương tiện quen thuộc thì hiệu quả sẽ được nhân lên rõ rệt.

Hơn nữa liên quan đến yếu tố là môi trường, Hà Nội đang ô nhiễm không khí và tương lai sẽ càng ô nhiễm nếu mỗi người đều sử dụng phương tiện cá nhân. Phương tiện công cộng nói chung và đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là loại hình góp phần làm giảm vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.

Có thể hình tượng một cách đơn giản như thế này, khi anh em mở một tiệm ăn hay cửa hàng gì đó thì anh em có dọn dẹp, phát quang đường vào, chỉnh trang lại vỉa hè, dọn dẹp rác rưởi xung quanh hay không? Tất nhiên là có và điều này anh em phải tự bỏ tiền túi mà làm dù rằng chẳng ai thưởng cho anh em xu nào cả vì đơn giản anh em hiểu rằng khi lối vào sạch sẽ, thông suốt và an toàn thì việc kinh doanh tất yếu sẽ tốt lên. Tàu Cát Linh - Hà Đông cũng đóng vai trò tương tự như vậy đối với bộ mặt thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.

Đến đây nhiều người sẽ hỏi “Tốt như thế sao không miễn phí? Miễn phí làm sao được, mặc dù số tiền bán vé tuy ít ỏi nhưng vẫn phải thu để một bộ phận thiếu ý thức không lạm dụng công trình công cộng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác.

Như đã nói ở trên, dường như không có quốc gia nào đầu tư metro, xe bus, đường sắt trên cao… để bán vé kiếm lời và Việt Nam ta cũng thế. Chúng ta sẽ lỗ, nếu may mắn sẽ lỗ ít hơn nếu người dân quan tâm, ủng hộ bằng việc sử dụng dịch vụ thường xuyên, liên tục. Đó cũng là điều đáng mừng lắm rồi.

Kinh tế vĩ mô không chỉ là bài toán lãi - lỗ trong từng chi tiết mà phải là cân bằng, công bằng, nhân văn cho toàn xã hội. Đầu tư hàng chục tỷ đồng để kéo điện lưới vào buôn làng xa xôi để đồng bào miền núi mỗi hộ chỉ thắp duy nhất một bóng đèn (được cấp phát miễn phí luôn) thì đến bao giờ mới thu hồi vốn? Nhưng đó là điều không thể không làm, không thể chậm trễ và tất nhiên chính quyền vẫn phải làm và cũng không cần ai phải cảm ơn.

Để gia tăng giá trị cũng như hiệu quả của tuyến đường sắt trên cao cát Linh - Hà Đông, ngoài việc mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tích cực sử dụng phương tiện công cộng nói chung thì việc sàng lọc, cảnh giác với những thông tin xuyên tạc liên quan đến chủ trương, chính sách là điều vô cùng quan trọng./.

Nhận xét