HÀ NỘI: TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA GIÚP TRẺ EM HIỂU BIẾT HƠN, YÊU THÍCH HƠN VỀ MÔN LỊCH SỬ

 Vừa qua, Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội về việc lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp THPT. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với đại đa số quần chúng trước mối lo lịch sử sẽ dân tộc sẽ bị lãng quên trong tương lai. Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng dạy học môn Lịch sử trong nhiều năm qua còn những bất cập mà chính giáo viên cũng cần đổi mới phương pháp dạy sử để đến mỗi tiết học môn Lịch sử tạo cho học sinh hứng thú hơn, say mê hơn, dù nhiều em không chọn Lịch sử là môn thi. Vì thế, ngoài điều chỉnh về cách thức, phương pháp truyền đạt kiến thức lịch sử ở trên lớp, các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phối kết hợp với Ban quản lý các bảo tàng, di tích trên địa bàn để tăng cường tổ chức các buổi tham quan thú vị, bổ ích theo hướng “đa dạng hóa hình thức trải nghiệm”.

HÀ NỘI: TĂNG CƯỜNG CÁC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA GIÚP TRẺ EM HIỂU BIẾT HƠN, YÊU THÍCH HƠN VỀ MÔN LỊCH SỬ

Đa dạng hóa hình thức trải nghiệm đang là hướng đi được nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội hướng tới, nhằm tăng sức hấp dẫn, nâng cao hiệu quả tôn vinh, quảng bá di sản. Với phương pháp tiếp cận tích cực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, các chương trình giáo dục di sản đã và đang giúp du khách và học sinh có những trải nghiệm mới, qua đó thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân tộc.

Một số địa điểm mà các em học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận thường đến là di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Bảo tàng Hồ Chí Minh; di tích Nhà tù Hỏa Lò; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam,… Trong đó, Khu trải nghiệm cùng di sản của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày này luôn rộn rã tiếng nói, cười của các em học sinh tham gia những chương trình giáo dục di sản theo từng chủ đề riêng biệt. Có thể kể đến lớp học “Tìm hiểu chữ Hán tại Văn Miếu”, khiến nhiều bạn nhỏ thích thú khi lần đầu tiên biết đến các “bộ thủ” cùng quy tắc ghép chữ Hán, hào hứng tìm hiểu cách đọc chữ Hán trên hoành phi ở Văn Miếu, hay cùng nhau trải nghiệm in chữ Hán cổ trên giấy dó…

Trước đó, cũng tại không gian này, một lớp học thú vị và bổ ích khác mang tên “Khám phá linh vật hổ” được mở ra cho các bé mầm non. Các bé tìm hiểu về bức phù điêu “Mãnh hổ hạ sơn” trước cổng Văn Miếu, thu thập kiến thức về loài hổ trong tự nhiên, hổ trong cổ tích cũng như trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Ngoài ra, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các em học sinh không chỉ được nghe hướng dẫn viên thuyết trình về những di tích được trưng bày trong bảo tàng mà còn được tham gia các trò chơi, hóa thân vào những nhân vật lịch sử như trải qua nhiều vòng thi “nghe giới thiệu, đoán nhân vật”; “thử thách đóng cọc Bạch Đằng”; hay thuyết trình về những trận thủy chiến quan trọng trong lịch sử. Theo đó, chương trình “học mà chơi” đang được bảo tàng triển khai thông qua nhiều hình thức. Mỗi sự kiện lại có một kịch bản phù hợp với từng lứa tuổi; đồng thời luôn có sự tương tác, có câu chuyện, kết hợp với trò chơi để lịch sử hấp dẫn hơn với đối tượng tiếp cận.

Hiện nay, các bảo tàng, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã mở rộng phạm vi tiếp cận, có nhiều chương trình thay đổi khuyến khích các gia đình, đoàn khách du lịch đến tham quan và tham gia các hoạt động trải nghiệm tại đây. Vì thế, ngoài việc tham gia các chương trình do nhà trường tổ chức thì trẻ em trên địa bàn thành phố còn có thể cùng với gia đình, người thân của mình đến các bảo tàng, di tích để tham gia các trò chơi và trải nghiệm những điều lý thú, bổ ích. Hình ảnh các đoàn khách đa dạng lứa tuổi tham gia những hoạt động giáo dục trải nghiệm đã trở nên quen thuộc tại nhiều bảo tàng, di tích với các phòng, khu trải nghiệm riêng... Có thể kể đến, Bảo tàng Hồ Chí Minh có không gian cho các hoạt động học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích Nhà tù Hỏa Lò với chuỗi chương trình trải nghiệm “Sống như những đóa hoa”; khu di sản Hoàng thành Thăng Long có các chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”… Đây là những lựa chọn bổ ích cho các bậc phụ huynh trong mùa hè này.

Để hướng tới những sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới, các bảo tàng, di sản cần khai thác hiệu quả lợi ích “nhiều trong một” của giáo dục di sản. Trong đó, điều cốt yếu vẫn là tìm ra cách làm, xây dựng chương trình phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đặc trưng của di sản. Ngoài ra, cần tính đến các giải pháp khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng, trang bị đồ dùng, dụng cụ, bổ sung hệ thống dịch vụ, sản phẩm lưu niệm giàu bản sắc, phục vụ nhu cầu của đối tượng tham gia trải nghiệm.

Như vậy, Hoạt động trải nghiệm tại di tích vô cùng hấp dẫn và hiệu quả. Dù là lứa tuổi mầm non, song các con đã học hỏi được rất nhiều điều bổ ích về di sản và hình thành các kỹ năng thông qua lớp học. Với xu hướng phát triển công nghệ hiện đại, các nhà quản lý cần có những ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật một cách phù hợp vào việc phát triển các chương trình, hoạt động trải nghiệm tại các bảo tàng, di tích lịch sử.

Nhận xét