XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG BẢO VỆ ANTT Ở CƠ SỞ THỐNG NHẤT, HIỆU QUẢ

 Bộ Công an xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đảm bảo chặt chẽ, công khai minh bạch, rõ ràng có thể thực hiện ngay; không làm tăng tổ chức, biên chế, nhằm hoàn thiện, giảm bớt đầu mối.

Luật hóa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không tăng biên chế, ngân sách

Giảm chi ngân sách khi thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Ngày 6/4, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 4/2022. Trung tướng, TS Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, báo cáo về 2 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Hội nghị có sự tham gia của các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng; lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành Trung ương; các đồng chí Bí thư, Thường trực tỉnh, thành uỷ. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới gần 2.000 điểm cầu trong cả nước với hơn 50 nghìn đại biểu tham dự.

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam báo cáo kết quả Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thông báo về những kết quả chủ yếu trong công tác khuyến học thời gian qua và những vấn đề đặt ra đối với hoạt động của Hội Khuyến học các cấp trong thời gian tới; Thứ trưởng Lê Quốc Hùng báo cáo dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở và Luật TTATGT đường bộ.

7 cơ sở chính trị, pháp lý của dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Báo cáo về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh việc xây dựng dự án Luật này ra đời nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Cơ sở chính trị, pháp lý cho việc ra đời dự án Luật này dựa trên nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Bí thư, trong đó mới nhất và tựu chung nhất là Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Đây là Nghị quyết rất mới, quy định toàn diện về công tác Công an, trong đó có nội dung rất quan trọng là quy định rõ về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Cụ thể là “Đổi mới cơ chế phối hợp, nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng củng cố nền An ninh nhân dân (ANND), thế trận ANND, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đảm bảo thiết thực, phù hợp với sự phát triển của đất nước, với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa bàn, từng lĩnh vực, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và trên không gian mạng”.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội nghị.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở đảm bảo hợp lý về tổ chức; các thành viên tham gia có đủ phẩm chất, năng lực, được trang bị phương tiện, thiết bị đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Đây là lần đầu tiên Nghị quyết của Bộ Chính trị quy định rất rõ vai trò, vị trí pháp lý, chính trị của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cụ thể hoá Nghị quyết số 12” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ 2 về sự cần thiết phải ban hành dự Luật này là cần điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sau khi được kiện toàn thành một lực lượng thống nhất. “Có 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là Công an xã bán chuyên trách; dân phòng và bảo vệ dân phố, tổ nhóm ANND. Hoạt động của 3 lực lượng này được quy định tại các văn bản khác nhau, có giá trị pháp lý không cao. Vì vậy, ra đời Luật Bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ thống nhất quy định của pháp luật, quy định rõ vị trí chính trị của 3 lực lượng này” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.

Thứ 3 là kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể về hoạt động của lực lượng Công an xã bán chuyên trách sau khi kết thúc nhiệm vụ được tiếp tục tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở. Công an xã ra đời gắn liền với lực lượng CAND, ngay từ khi chính quyền thành lập, lực lượng CAND ra đời năm 1945 thì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trong đó có Công an xã đã đồng hành với Công an chính quy từ đó đến nay.

Đã có rất nhiều thành tích, kết quả trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ. Hiện nay, sau khi thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh Công an xã thì một số đồng chí Công an xã bán chuyên trách tiếp tục làm việc theo chỉ đạo của Công an xã chính quy, trở thành một trong những lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

“Cả nước 89.045 đồng chí Công an xã bán chuyên trách tiếp tục được sử dụng, tham gia có hiệu quả trong bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở theo quy định của pháp luật, được điều chỉnh bằng pháp lệnh Công an xã và 1 phần Luật CAND sửa đổi năm 2018” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.

Vấn đề thứ 4 về cơ sở ban hành dự Luật này là đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về Nhà nước đảm bảo quyền, lợi ích của công dân. Hiện nay, 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đang được điều chỉnh bởi các văn bản dưới Luật. “Theo quy định của Hiến pháp, các hoạt động liên quan đến hạn chế quyền của công dân phải được quy định bằng Luật, trong khi đó, hoạt động của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở thường xuyên có những hoạt động liên quan đến hạn chế quyền của công dân nên phải được quy định bằng Luật để thực hiện nghiêm Hiến pháp” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và cho biết, yêu cầu cấp thiết phải có một dự án Luật quy định thống nhất vị trí, pháp lý, quyền, nghĩa vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Thứ 5 là cần sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT trên địa bàn cả nước theo hướng kiện toàn, tinh gọn, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Thứ 6, việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT của lực lượng CAND.

Cơ sở chính trị thứ 7 về sự cần thiết của việc xây dựng dự án Luật mà Thứ trưởng Lê Quốc Hùng báo cáo đó là việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia Bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao, quy định về bố trí lực lượng, hoạt động, nhiệm vụ của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

“Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật. Trong quá trình xây dựng Luật có rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp, đặc biệt là ý kiến các đại biểu Quốc hội, trong đó có nhiều ý kiến thống nhất, có ý kiến chưa thống nhất. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và gửi xin ý kiến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, Ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, tổ chức có liên quan và các cá nhân, nhà khoa học…để thống nhất xây dựng dự Luật này. Từ đó cho đến nay, Bộ Công an đã rất kiên trì, chủ động, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến; chỉnh lại dự thảo dự án Luật, có nhiều vấn đề mới, thay đổi phù hợp với yêu cầu và ý kiến tham gia của đại biểu Quốc hội khoá XIV” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định và cho biết, hiện nay, Chính phủ đã ký tờ trình báo cáo Quốc hội để đưa vào kỳ họp phù hợp nhất của Quốc hội.

Đảm bảo chế độ, chính sách cho người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật mới nhất có 4 nhóm vấn đề lớn đó là: Quy định vị trí chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng; cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, mối quan hệ, công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và các tổ chức, cơ quan liên quan; chế độ chính sách đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Giải thích một số nội dung chính của dự án Luật, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, về vị trí chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thì dự thảo Luật quy định đây là lực lượng quần chúng, tự nguyện được tuyển chọn tham gia vào Tổ bảo vệ ANTT; làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ ANTT trên địa bàn cấp xã và giúp lực lượng Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, là nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cấp xã.

Về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, lịch sử của lực lượng này đã có từ lâu, gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của lực lượng CAND, đã đang và tiếp tục tham gia cùng với Công an xã đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Lực lượng này có sự đóng góp rất thầm lặng, rất quan trọng trong bảo vệ ANTT ở cơ sở; là lực lượng có mặt đầu tiên và là lực lượng cuối cùng rút ra khỏi hiện trường các vụ việc liên quan đến ANTT; là lực lượng có rất nhiều tổn thất và hi sinh trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT.

“Chúng tôi thường nói vui, đây là lực lượng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, không có chức danh nhất định như công chức xã nhưng vẫn tham gia gánh vác rất nhiều nhiệm vụ của chính quyền cấp xã giao” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và cho biết, lực lượng này phân bổ đồng đều trong dân cư, hình thành trong dân cư, xuất phát từ người dân, có mặt ngay tại nơi manh nha phát sinh mâu thuẫn, sự việc liên quan ANTT nên hoạt động rất hiệu quả.

“Luật này nhằm sắp xếp, kiện toàn, bố trí lại lực lượng chứ không phải sinh ra lực lượng mới. Có nhiều ý kiến băn khoăn là việc xây dựng lực lượng này có làm phát sinh thêm tổ chức mới không, có làm phình tổ chức, tăng biên chế không? Chúng tôi khẳng định rằng đây là kiện toàn tổ chức hiện có, xác định rõ địa vị pháp lý, chức danh theo quy định của pháp luật chứ không phải hình thành lực lượng mới. Việc sắp xếp này nhằm hoàn thiện, giảm, bớt đầu mối đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản dưới luật hiện nay thành khối thống nhất” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.

Về cơ chế, lãnh đạo, chỉ đạo, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, dự thảo Luật quy định rất rõ mối quan hệ giữa cấp trên, cấp dưới, mối quan hệ giữa đơn vị chỉ đạo điều hành về mặt nghiệp vụ, quản lý về con người và mối quan hệ trực tiếp trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần tạo hành lang pháp lý cho lực lượng này tham gia bảo vệ ANTT một cách chính danh, chính thống, có hiệu quả.

Về chế độ, chính sách, đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, trên cơ sở kế thừa, phát huy các quy định hiện hành đang đạt được hiệu quả để tiếp tục quy định trong dự Luật nhằm đảm bảo việc thực hiện chế độ chính sách đối với lực lượng này.

“Hiện nay cơ bản chế độ của lực lượng này là phụ cấp, chủ yếu do HĐND cấp tỉnh quy định. Chế độ phụ cấp không quy định thống nhất có nơi 0,7% mức lương cơ bản nhưng có nơi được 1,2 đến 1,3 mức lương cơ bản. Việc quy định này không thống nhất, phụ thuộc vào ngân sách và sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương nên có nơi cao, nơi thấp dẫn đến có thiệt thòi cho anh, em tham gia. Thiệt thòi nhất là khi anh em bị thương, hi sinh thì làm chế độ rất khó khăn” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh và nói về thực tế khi các đồng chí Công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng thực hiện nhiệm vụ bị thương, hi sinh, khi làm chế độ chính sách rất khó khăn vì cơ quan chức năng yêu cầu phải có quyết định điều động công vụ. bằng giấy trắng mực đen nhưng trên thực tế thì khó đáp ứng.

“Tôi lấy ví dụ một cán bộ dân phòng phải đi chữa cháy giữa đêm thì làm gì có quyết định điều động giấy trắng, mực đen, dấu đỏ. Nếu không may hi sinh, bị thương thì rất khó khăn để làm chế độ. Các đồng chí dân phố, dân phòng tham gia bảo đảm an toàn giao thông không may bị thương, hi sinh cũng rất khó khăn. Tôi còn nhớ thành viên săn bắt cướp hi sinh ở TP Hồ Chí Minh phải mất thời gian dài, công phu thuyết phục thì một số đồng chí mới được chế độ, một số đồng chí không được chế độ, trong khi ai cũng công nhận sự cống hiến hi sinh. Điều đó rất thiệt thòi cho họ” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chia sẻ đồng thời cho biết, nếu có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thì sẽ giải quyết được câu chuyện này, đảm bảo chế độ, chính sách để người dân tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

“Chúng tôi xây dựng Luật chặt chẽ, công khai minh bạch, rõ ràng có thể thực hiện ngay. Mức phụ cấp được thống nhất trong toàn quốc, đảm bảo công bằng” – Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định.

Luật hóa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không tăng biên chế, ngân sách Luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Nhận xét