Chống tham nhũng là chuyện Đảng ta, dân ta đã nói và làm từ lâu. Nhưng để cái “lò” chống tham nhũng nóng lên trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ đòi hỏi quyết tâm cao, sự kiên định mà cần phương pháp đúng. Từ sau Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đến nay, với quyết tâm chính trị cao độ, tầm nhìn chiến lược sâu rộng của Trung ương Đảng, Đảng ta đã đưa ra được những giải pháp căn bản, mang tính khoa học, thực tế, cụ thể, đi đôi với đó là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt nên cuộc chiến chống tham nhũng đã thu được kết quả quan trọng bước đầu, trở thành cái “lò” nóng thiêu đốt tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị thời gian qua với quan điểm “không có vùng cấm” “không có hạ cánh an toàn” đã đạt được những kết quả rõ rệt; những cán bộ thoái hóa, biến chất sẽ dần được đưa ra ánh sáng.
Mới đây, nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, Quảng Ninh bị bắt vì liên quan đến vụ án tại Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Trước đó tối 14/5, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quá trình điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà, nguyên trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Qua điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định từ năm 2017 đến năm 2021, Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 đã ký các hợp đồng quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông cầu sông Chanh với Cục đường thủy nội địa Việt Nam và hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông với một số đơn vị khác.
Quá trình thực hiện các hợp đồng nêu trên, một số cá nhân là lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Quản lý đường sông 3 đã có hành vi hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ nhằm nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Đồng thời, thông đồng với một số cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long để tạo điều kiện được ký hợp đồng quản lý, bảo trì, đảm bảo điều tiết giao thông tại vịnh Hạ Long trái quy định.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 6 bị can thuộc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông 3 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, bắt giam 3 bị can gồm: Phạm Văn Phả (Chủ tịch HĐQT), Đỗ Công Hào (Giám đốc) và Phạm Văn Chinh (Phó giám đốc); áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 bị can gồm: Nguyễn Hải Anh (nguyên Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật), Ngô Thị Thu Lư (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch) và Lê Kim Hoa (nhân viên).
Mở rộng vụ án, ngày 10 và 14/5, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam đối với các bị can nguyên là lãnh đạo và nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long gồm: Bùi Sĩ Giáp (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan), Phạm Thái Dương (nhân viên) về hành vi nhận hối lộ; Phạm Hồng Hà (nguyên Trưởng Ban Quản lý) về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Phạm Hồng Hà từng giữ chức Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long. Tháng 9/2020, ông Hà nghỉ hưu theo chế độ, sau 35 năm công tác.
Hiện cơ quan điều tra đã phong tỏa, khám xét nhà riêng của ông Phạm Hồng Hà ở căn biệt thự nằm trên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP Hạ Long. Đồng thời, thu giữ các tài liệu có liên quan để phục vụ công tác điều tra. Đáng chú ý, cơ quan điều tra đã niêm phong 4 xe ôtô sang trong biệt thự của gia đình ông Phạm Hồng Hà và đưa đi để phục vụ điều tra.
Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh một mất, một còn nhưng lại diễn ra ngay trong nội bộ đảng, tổ chức, bộ máy chính quyền, và trong từng cá nhân có chức, có quyền. Vượt qua chính mình, thắng được chính mình, đó là điều khó khăn nhất.
Nhận xét
Đăng nhận xét