Đến hẹn lại lên, khoảng tháng 5 tới, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) sẽ lại công bố “Báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2022”. Có lẽ tương tự những năm trước, báo cáo này sẽ đầy ắp các thông tin nhằm quy kết chính phủ Việt Nam phạm quyền tự do tôn giáo, kèm lời đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo- CPC”. Nhưng báo cáo này có hoàn toàn khách quan hay không? Để tìm hiểu vấn đề này, ta hãy cùng xem xét một ví dụ, là cách nó đề cập đến trường hợp Nguyễn Bắc Truyển.
Báo cáo của USCIRF trong năm trước đã bình luận rằng Việt Nam vẫn đang tiếp tục bắt giữ, truy tổ, xét xử các “nhà hoạt động tôn giáo” trong nước, điển hình là trường hợp Nguyễn Bắc Truyển (tín đồ Phật giáo Hòa Hảo). Dường như trong mắt USCIRF, hễ công an Việt Nam bắt tín đồ của một tôn giáo nào, thì đó ắt hẳn phải là vấn đề tự do tôn giáo.
Nhưng có thật thế không? Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy Nguyễn Bắc Truyển bị kết án 11 năm tù, 3 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, chứ không phải vì sinh hoạt tôn giáo. Hoạt động lật đổ của Truyển đã kéo dài nhiều năm và có tính hệ thống, chứ không chỉ diễn ra gần đây.
Cụ thể, năm 2004, Nguyễn Bắc Truyển đã cùng Việt kiều Đỗ Thành Công lập ra tổ chức “Đảng Dân chủ Nhân dân”, có mục đích lật đổ nhà nước Việt Nam. Năm 2006, Truyển bị bắt do có liên quan đến kế hoạch biểu tình, rải truyền đơn vào dịp Việt Nam tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC. Truyển bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 2007.
Sau khi ra tù vào năm 2010, Nguyễn Bắc Truyển tiếp tục gia nhập tổ chức “Hội Anh em Dân chủ”. Ngày 30/07/2017, cùng với 3 thành viên khác của “Hội Anh em dân chủ” là Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển đã bị bắt và bị truy tố tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79, Bộ luật Hình sự. Đó cũng là bản án mà Truyển đang thi hành vào thời điểm này. Như vậy, không thể coi bản án của Nguyễn Bắc Truyển như một trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Vì sao lại có nhầm lẫn này? Đó là vì USCIRF hầu như chỉ dùng thông tin của các tổ chức chống cộng. Vì giới chống cộng tận dụng mọi cơ hội để hạ uy tín chính phủ Việt Nam, cũng như để “giải cứu” thành viên của mình, họ đã đánh đồng chuyện bắt những người hoạt động lật đổ với chuyện đàn áp tự do tôn giáo ở Việt Nam. Và suốt nhiều năm, những thông tin sai lệch rõ ràng kiểu này không hề được cải chính.
Nhận xét
Đăng nhận xét