Nguyễn Văn Đài - một đối tượng cực đoan có các hoạt động chống phá Nhà nước ta và đã từng bị bắt và bị kết án 4 năm tù và 4 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự vào năm 2007. Tuy nhiên, hắn ta vẫn “ngựa quen đường cũ”, sau khi ra tù, tiếp tục móc nối, liên kết với các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước để tiến hành các hoạt động chống phá nhà nước ta.
Gần đây, Nguyễn Văn Đài đã đăng tải trên trang facebook cá nhân nhiều bài viết liên quan đến cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và gia đình của họ. Cụ thể, Nguyễn Văn Đài cho rằng “Bố mẹ thích quyền lực độc tài, con cái thích giáo dục, cuộc sống Tự do Dân chủ” hay “Nếu không bị bố mẹ chúng là các quan chức độc tài CSVN kéo về nước để kế thừa quyền lực chính trị độc tài, thì chúng chả bảo giờ muốn trở lại sống trong chế độ độc tài mà bố mẹ chúng đang cai trị ở Việt Nam”.
Thực chất, đây không còn là vấn đề mới mẻ bởi chuyện du học là một trong những hoạt động nổi bật khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, đặc biệt là con của các cán bộ, lãnh đạo nhà nước khi du học ở các nước phương Tây thì lại càng bị chú ý. Mặc dù chẳng tiếp xúc với bất kì ai là con cán bộ, đảng viên mà Nguyễn Văn Đài nhắc đến trong các bài đăng của mình nhưng hắn ta vẫn mạnh miệng khẳng định như là người trong cuộc.
Liên quan đến vấn đề này, tác giả có đôi điều cần làm rõ như sau:
Thứ nhất, chính quyền Việt Nam không phải là “chính quyền độc tài” như Nguyễn Văn Đài bịa đặt trên mạng xã hội. Đây là một trong những thủ đoạn quen thuộc của các đối tượng chống phá, chúng xuyên tạc bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chúng lấy quan điểm “dân chủ”, “nhân quyền” tư sản để đồng nhất dân chủ với đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; nhà nước pháp quyền với thiết chế tam quyền phân lập; nhân quyền với tuyệt đối hóa quyền của cá nhân. Tuy nhiên, từ quan điểm, tư tưởng xuyên suốt của Đảng đến Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Nhà nước ta đều khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân. Nền dân chủ XHCN của nước ta khác biệt với các nền dân chủ khác. Về nội dung, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN đối với toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội; vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Về mục tiêu, đó là hướng tới xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hội nhập với cộng đồng quốc tế. Về cơ chế vận hành, đó là thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ; đảm bảo “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Thứ hai, đi du học không có nghĩa là mong muốn ở lại đó làm việc và sinh sống. Trong thời buổi hội nhập và phát triển, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích học sinh, sinh viên có đủ điều kiện, khả năng để ra nước ngoài học tập, đúc rút kinh nghiệm tri thức của thế giới nhằm phát triển toàn diện năng lực của một con người toàn cầu, từ đó có thể quay về nước đóng góp vào công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh rằng, nếu chúng ta không hội nhập thì chúng ta sẽ lạc hậu, yếu kém và không có vị thế trên trường quốc tế. Và từ trước cho đến nay, có nhiều du học sinh sau khi hoàn thành khóa học của mình tại các trường đại học ở nước ngoài đã quay trở về nước, làm việc trong các cơ quan, tổ chức trong nước. Họ mang trong mình tinh thần dân tộc Việt Nam và nguyện cống hiến cho đất nước để Việt Nam ngày càng phồn vinh và giàu đẹp, sánh vai với bạn bè quốc tế. Một số cái tên có thể kể đến như Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh, Phạm Nhật Vượng…
Thứ ba, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam không có “quyền lực chính trị độc tài”. Nếu như ngày xưa thời kì phong kiến có truyền thống “cha truyền con nối” thì ngày nay Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, từ Nhân dân mà ra, do Nhân dân bầu lên bằng lá phiếu của mình. Bởi vậy những người nào muốn trở thành người lãnh đạo cần phải theo đúng quy trình, thủ tục mà pháp luật quy định.
Như vậy, nhìn vào câu chữ của Nguyễn Văn Đài có vẻ màu mè nhưng bản chất chỉ là sự xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật về chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, bôi nhọ danh dự, uy tín của cán bộ, đảng viên nhằm “dắt mũi” dư luận. Mỗi người dân chúng ta cần phải cảnh giác, tránh hoang mang, dao động lan truyền những thông tin bịa đặt như thế này mà hãy đọc, hãy xem, hãy nghe có chọn lọc thông tin.
Nhận xét
Đăng nhận xét