Những nội dung lớn của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

 

Nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, Chính phủ đã xây dựng và trình dự thảo dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ Công an đã chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện với những nội dung lớn cụ thể như sau:

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bản chất là điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động từ ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và hiện nay đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung mà không phải là thành lập lực lượng mới (các lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay sẽ được kiện toàn thống nhất, quy định trong Luật, bao gồm Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bảo vệ dân phố và các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng). Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn 15 năm thi hành Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về Bảo vệ dân phố, 12 năm thi hành Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và tổng kết thực tiễn hoạt động của lực lượng Dân phòng theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Bộ Công an đã nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, còn giá trị để quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản luật khác. Theo đó, về nội dung cơ bản của dự thảo Luật quy định như sau:

a) Về phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

b) Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Pháp luật hiện hành quy định về vị trí, chức năng của lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách với tính chất là lực lượng thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cấp xã. Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân năm 2018 và Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy đã xác định Công an xã, thị trấn về mô hình tổ chức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ tương tự như Công an phường đang thực hiện, cụ thể: Công an xã, thị trấn làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, thị trấn.

Do đó, để bảo đảm thống nhất với Luật Công an nhân dân năm 2018 và trên cơ sở xác định đúng tính chất hoạt động của lực lượng quần chúng ở địa bàn cơ sở, dự thảo Luật đã có sự điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn thống nhất khác với vị trí, chức năng mà pháp luật hiện hành đang quy định đó là xác định rõ đây là lực lượng quần chúng tự quản, không thực hiện công tác quản lý, không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (các nhiệm vụ này do Công an cấp xã thực hiện); lực lượng này chỉ tham gia hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản, tự bảo vệ về an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã. Như vậy, so với quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã điều chỉnh thay đổi bản chất về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đó là: Chuyển từ chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự sang chức năng tự quản và hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Việc điều chỉnh này là căn cứ, cơ sở quan trọng để xác định và quy định các nội dung có liên quan về nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan và nhất là về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi được kiện toàn bảo đảm không tạo gánh nặng lên ngân sách nhà nước mà là huy động nguồn lực từ Nhân dân dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, quản lý của chính quyền.

c) Về tiêu chuẩn tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe của người tham gia lực lượng này bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

d) Về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, các lực lượng có liên quan ở địa bàn cơ sở: Dự thảo Luật quy định đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, các lực lượng có liên quan ở địa bàn cơ sở, cụ thể như sau:

– Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

– Trong quan hệ phối hợp với các lực lượng có liên quan ở địa bàn cơ sở, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có trách nhiệm:

+ Theo sự phân công, chỉ đạo của Công an cấp xã tham gia phối hợp với người đứng đầu thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương, Trưởng ban công tác mặt trận, Bí thư chi bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã;

+ Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ: Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, hải đảo, vùng biển, vùng trời Việt Nam; bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng địa bàn cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, phòng cháy, chữa cháy; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động phòng thủ dân sự khác;

+ Phối hợp với đoàn thể quần chúng, tổ chức quần chúng tự quản ở địa phương, dân phòng, hòa giải viên cơ sở, lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, giải quyết tranh chấp, mẫu thuẫn về an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã; tham mưu với Công an cấp xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách.

đ) Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động hiện nay của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là lực lượng tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 06 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm:

– Thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách;

– Tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

– Tham gia xây dựng lực lượng dân phòng, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

– Hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội;

– Tham gia vận động, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng;

– Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.

e) Về kiện toàn, bố trí lực lượng: Dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng kiện toàn lực lượng Bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng hiện đang cùng hoạt động trên địa bàn cấp xã thành 01 lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã. Các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng được thành lập theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đối với chức danh đội viên đội dân phòng và tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, chế độ, chính sách của lực lượng dân phòng thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ bảo đảm không làm tăng số lượng người hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần: Kiện toàn, tinh gọn thống nhất một đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.

g) Về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Trên cơ sở số liệu báo cáo và lấy ý kiến tham gia của Ủy ban nhân dân, Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động hiện nay của các lực lượng Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Công an xã bán chuyên trách, Bộ Công an đã nghiên cứu và kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, còn giá trị để quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện và không làm tăng chi ngân sách nhà nước khi Luật này được ban hành. Theo đó, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng: Hỗ trợ thường xuyên hằng tháng; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được trang bị công cụ hỗ trợ, hồ sơ, sổ sách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ; lực lượng này tiếp tục sử dụng địa điểm, nơi làm việc trước đây đã bố trí cho lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn để hoạt động.

h) Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức: Dự thảo luật quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, trách nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc quản lý, giám sát hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Nhận xét