Vì sao 1/3 số vaccine của COVAX chưa đến tay người nhận?

 Cho đến nay, thế giới đã sản xuất được 11 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, đủ để tiêm 2 liều vaccine cho mọi người trưởng thành. Tuy nhiên, theo một bài viết trên BBC hồi giữa tháng 2, 40% dân số thế giới vẫn chưa được tiêm dù chỉ một mũi. Nguyên nhân là sự bất bình đẳng giữa nước giàu và nước nghèo trong khả năng tiếp cận vaccine. Dù vấn đề này được đặt ra đã lâu, nó vẫn chưa hề được giải quyết.



Để mô tả sự bất bình đẳng này, BBC đã trích lời cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, hiện là Đại sứ về vấn đề tài trợ sức khỏe toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông Brown cho biết:

"Thậm chí hiện nay, hơn 70% số lượng vaccine vẫn được chuyển đến các quốc gia G20 điều này có nghĩa là 175 quốc gia khác đơn giản đang bị thua thiệt".

Vì sao lại có hiện tượng đó? Trước hết, vì những nước giàu đã đặt hàng trước vaccine. Chẳng hạn, tháng 04/2021, nước Anh được giao 5 triệu liều vaccine AstraZeneca đặt trước từ một nhà máy sản xuất ở Ấn Độ, thế nhưng giữa tháng 5 năm đó, Ấn Độ đã có hơn 4.000 người tử vong vì COVID-19 mỗi ngày. Sau thời điểm đó, Ấn Độ phải đưa ra lệnh cấm xuất khẩu vaccine để có thể tiêm chủng cho người dân trong nước.

Để giải quyết vấn đề này, người ta đã sử dụng cơ chế COVAX. Tuy nhiên, các nước giàu lại thường chỉ quyên góp cho cơ chế này những liều vaccine thừa mứa, sắp hết hạn sử dụng của họ. Kết quả là hồi tháng 01/2022, Uganda đã phải bỏ đi 400.000 trong số 500.000 liều vaccine Moderna mà họ nhận được từ COVAX vì không thể tiêm kịp trước ngày hết hạn. Nigeria cũng đã bỏ đi 1 triệu liều vaccine vào tháng 12/2021.

Trong số 1 tỷ liều vaccine từng được quyên góp cho COVAX từ trước đến nay, khoảng 1/3 vẫn chưa được đem tiêm chủng, và chưa rõ bao nhiêu trong số đó đã bị vứt đi. Lượng vaccine bị vứt đi chắc chắn rất lớn, vì vaccine có hạn sử dụng ngắn.

Trong khi đó, các hãng dược lớn vẫn đang từ chối chia sẻ cách thức sản xuất vaccine. Trong một bài đăng trên tạp chí y khoa British Medical Journal, hãng BioNTech còn bị cáo buộc là đã ngăn cản nỗ lực tự chế tạo vaccine của Nam Phi, trong một dự án do WHO tài trợ.

Nếu dịch COVID-19 cho thấy một cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, thì rõ ràng cuộc khủng hoảng này vẫn chưa được vượt qua, như tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vaccine đã cho thấy.

Nhận xét